Vệ tinh “Tôn Ngộ Không” của Trung Quốc thu thập được dữ liệu vật chất tối

  •   32
  • 346

Vệ tinh thăm dò vật chất tối “Tôn Ngộ Không” của Trung Quốc đã thu về các dữ liệu mới.

Bức xạ vũ trụ hay tia vũ trụ là chùm tia các hạt photon hoặc hạt nhân nguyên tử có năng lượng cao phóng vào khí quyển Trái đất từ không gian và bức xạ thứ cấp được sinh ra do các hạt đó tương tác với các hạt nhân nguyên tử trong khí quyển với thành phần gồm hầu hết là các hạt cơ bản. Nguồn gốc tia vũ trụ từ đâu hiện vẫn chưa được lý giải mặc dù đã có nhiều giả thuyết được đặt ra.

“Tôn Ngộ Không” là vệ tinh thăm dò vật chất tối đầu tiên của Trung Quốc
“Tôn Ngộ Không” là vệ tinh thăm dò vật chất tối đầu tiên của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất thu được từ Vệ tinh thăm dò vật chất tối của Trung Quốc, có biệt danh là "Tôn Ngộ không” hay "Hầu Vương”, có thể làm sáng tỏ sự tồn tại của một nguồn tia vũ trụ không xác định.

Các nhà khoa học của Trung Quốc đã tìm cách để đo phổ năng lượng của hạt nhân heli của tia vũ trụ bằng cách sử dụng dữ liệu bốn năm rưỡi do vệ tinh “Tôn Ngộ Không” ghi lại, và quan sát cấu trúc mới của phổ năng lượng, theo nhóm nghiên cứu dự án.

Đây là lần thứ ba các kết quả khoa học quan trọng được công bố sau khi vệ tinh “Tôn Ngộ Không” đo được chính xác phổ năng lượng electron và phổ năng lượng của tia vũ trụ proton năng lượng cao.

Các kết quả mới cho thấy các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát hiện các tia vũ trụ năng lượng cao.

Trái đất liên tục bị tấn công từ bên ngoài không gian bởi các hạt năng lượng cao được gọi là tia vũ trụ, với những thông tin quan trọng về vật lý thiên văn.

Hạt nhân proton và heli chiếm 99% tất cả các tia vũ trụ, và việc phân tích quang phổ năng lượng sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho nghiên cứu của các nhà vật lý về tia vũ trụ.

Các kết quả đã được công bố trên tạp chí Physical Review Letters. Theo hãng Tân Hoa xã, “Tôn Ngộ Không” là vệ tinh thăm dò vật chất tối đầu tiên của Trung Quốc, được phóng vào tháng 12 năm 2015.

Cập nhật: 24/05/2021 Theo Báo Giao Thông
  • 32
  • 346