Vệ tinh thử nghiệm của Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT sẽ rời trạm vũ trụ quốc tế (ISS) để hoạt động độc lập từ đêm mai, sau gần một tuần trì hoãn.
Trước đó kế hoạch thả vệ tinh F-1 ra ngoài không gian hoãn lại hôm 27/9 do một trục trặc trong kế hoạch của một tàu vận tải trên trạm.
Phi hành gia Aki Hoshide lắp đặt xong 2 ống phóng chứa 5 vệ tinh nhỏ trong khoang điều áp của module Kibo để chuẩn bị thả ra ngoài. F-1 nằm giữa hai vệ tinh nhỏ là FITSAT-1 và TechEdSat trong ống phóng bên dưới. (Ảnh: NASA)
"Vệ tinh F-1 sẽ rời trạm vũ trụ lúc 22h35 ngày 4/10 giờ Hà Nội, trùng thời điểm kỷ niệm 55 ngày phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người là Sputnik-1", ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu FSpace cho biết. "Tuy nhiên kế hoạch có thể thay đổi tùy theo tình hình trên ISS".
Ra khỏi trạm vũ trụ, với tốc độ dự kiến 5cm/s, F-1 phải chờ tối thiểu 30 phút mới bắt đầu thực hiện các công việc đầu tiên như bung ăngten, phát tín hiệu, để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến các hoạt động ở ISS.
Quỹ đạo ban đầu của F-1 giống quỹ đạo trạm ISS với các thông số chính như độ cao trung bình 416km, nghiêng 51,6 độ so với mặt phẳng xích đạo, vận tốc trung bình 7,7km/s, chu kỳ quay 93 phút/vòng quanh trái đất.
Nếu F-1 thử nghiệm thành công, đây sẽ là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ rời ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ. Các vệ tinh lớn từ trước đến nay đều lên quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy trực tiếp.
Dự kiến cánh tay robot trên ISS sẽ thả F-1 vào tối mai. (Đồ họa: FSpace)
Vệ tinh tự chế tạo của Việt Nam vào không gian ngày 21/7 trên tàu vận tải từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. 6 ngày sau, tàu vận tải tiếp cận và ghép nối với trạm vũ trụ, lúc này F-1 được chuyển sang mô-đun Kibo.
Ngày 21/9, phi hành gia người Nhật - Akihiko Hoshide đã lắp đặt hai ống phóng chứa F-1 và các vệ tinh nhỏ đi cùng vào trong khoang điều áp của mô-đun Kibo, sẵn sàng cho thử nghiệm thả vệ tinh tối mai.
Sự kiện F-1 vào không gian ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ còn non trẻ của Việt Nam, từ đó từng bước làm chủ quy trình công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.