Vén màn bí mật về "con sông" thủy ngân dưới kim tự tháp người Maya

  •   3,54
  • 17.558

Một nhà khảo cổ người Mexico đã tìm thấy một lượng lớn thủy ngân lỏng dưới một kim tự tháp của người Maya ở Teotihuacan, thành phố cổ huyền bí nhất châu Mỹ.

Phát hiện thủy ngân lỏng trong kim tự tháp Maya ở Teotihuacan

Theo nhà khảo cổ Sergio Gomez, lượng thủy ngân lỏng được tìm thấy trong một căn phòng ở cuối đường hầm từng bị đóng kín gần 1.800 năm. Với ý nghĩa siêu nhiên của thủy ngân lỏng trong các nghi lễ mai táng, Gomez hy vọng phát hiện trên sẽ giúp ông sớm tìm được nơi an táng của một vị vua cổ xưa.

Trong hành trình tìm kiếm đã dài 6 năm tại đường hầm này, Gomez đã tìm thấy hàng chục ngàn di sản, trong đó có nhiều bức tượng đá, đồ trang sức và nhiều vỏ sò lớn. Tiến độ của cuộc khai quật diễn ra rất chậm do độ ẩm cao, bùn và giờ cần phải có mặt nạ bảo vệ để tránh bị ngộ độc thủy ngân.

Vén màn bí mật về "con sông" thủy ngân dưới kim tự tháp người Maya
Lượng thủy ngân lỏng được tìm thấy trong một căn phòng ở cuối đường hầm từng bị đóng kín gần 1.800 năm. (Nguồn: Reuters)

Nếu Gomez đúng thì phát hiện của ông sẽ góp phần tháo gỡ được cuộc tranh cãi về sự nắm giữ quyền lực ở Teotihuacan, thành phố có nhiều kim tự tháp bằng đá khổng lồ từng là nơi sinh sống của 200.000 người và là trung tâm của một đế chế cổ, từng phát triển thịnh vượng vào khoảng năm 100-700. Một số nhà khảo cổ cho rằng, Teotihuacan không do một vị vua cai quản mà thuộc sự cai trị của 4 vị vua.

Chưa tìm được lời giải tại sao thủy ngân lại xuất hiện ở đây, song Gomez cho biết chất kim loại này từng được sử dụng để biểu tượng hóa một con sông hay hồ ở thế giới bên kia.

Trước đây, người ta đã tìm được một lượng nhỏ thủy ngân tại một số di chỉ Maya, song chưa bao giờ tìm thấy thủy ngân ở Teotihuacan. Ở Mexico thời cổ đại, thủy ngân rất hiếm vì rất khó khai thác và được coi trọng bởi tính phản chiếu của nó.

Teotihuacan là một đặc trưng trong nền văn minh Maya. Cư dân của thành phố này đã rời bỏ thành phố từ rất lâu trước khi người Aztec tới đây cai trị vào thế kỷ 14, song không lưu lại bất cứ một tư liệu nào để giải thích lý do tại sao.

Trong những năm 1670, nhiều người Tây Ban Nha đã đào xới Teotihuacan, song phải đến những năm 1950 mới có cuộc khai quật mang tính khoa học.

Theo TTXVN/VIETNAM+
  • 3,54
  • 17.558