Hai động cơ bốc cháy giữa trời, máy bay đáp xuống sông như "phép màu", cứu sống 155 mạng người

Vén màn nguyên nhân máy bay đáp xuống sông
  •  
  • 3.241

Vụ tai nạn máy bay năm 2009 đi vào lịch sử ngành hàng không thế giới khi toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều sống sót. Sự kiện này được ví như “phép màu trên sông Hudson”.

Hành khách túa ra hai bên cánh chờ cứu hộ
Hành khách túa ra hai bên cánh chờ cứu hộ, trong khi chiếc Airbus A320 của hãng US Airways chìm dần xuống sông Hudson. (Ảnh: Reuters).

Chiếc Airbus A320 của hãng US Airways cất cánh từ sân bay LaGuardia đã đâm phải đàn ngỗng trời khiến cả hai động cơ bị hỏng, không thể hoạt động. Máy bay lúc này đã đi quá xa sân bay LaGuardia và xung quanh đó không còn bất kỳ sân bay nào khác để hạ cánh khẩn cấp.

Chiếc máy bay lúc này giống như một quả bom 60 tấn sắp nổ trong 3 phút đếm ngược. Không những thế, quả bom biết bay này còn đang đi qua một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, thậm chí chỉ cách đỉnh cây cầu George Washington khoảng 274m.

Rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Cơ trưởng Chesley Sullenberger hay còn gọi là “Sully” và cơ phó Jeffrey Skiles đã hạ cánh chiếc máy bay thương mại xuống sông Hudson một cách an toàn. Toàn bộ 155 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay đều sống sót. Báo giới gọi vụ việc này là “Phép màu trên sông Hudson”.

Chỉ sau một đêm, cơ trưởng Sully trở thành người hùng khi ra quyết định táo bạo đáp máy bay xuống mặt nước. Các nhà điều tra liên bang cho biết suy nghĩ nhanh nhạy của phi hành đoàn chuyến bay 1549 cùng với thiết bị an toàn của máy bay đã góp phần tạo nên kỳ tích này. Các phi công dày dạn kinh nghiệm đều nói rằng mọi người không nên nghi ngờ quyết định của cơ trưởng Sully. Tuy nhiên, Ủy ban Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) không nghĩ vậy.

Toàn bộ 155 người trên máy bay đều sống sót.
Toàn bộ 155 người trên máy bay đều sống sót.

Nhưng sau vụ việc, nhiều chuyến bay thử nghiệm mô phỏng lại tai nạn hôm đó đã được tiến hành. Một số người cho rằng máy bay khi ấy hoàn toàn có thể quay trở lại sân bay LaGuardia hoặc chuyển hướng đến Teterboro, thay vì mạo hiểm lao xuống sông. Ranh giới giữa “người hùng” và “tội đồ” của phi công Sully lúc này rất mong manh.

Một bài báo trên tờ Wall Street Journal đưa tin rằng các phi công đều hạ cánh thành công xuống sân bay LaGuardia trong các cuộc bay mô phỏng tương tự những gì đã xảy ra. Nhưng các phi công này đều đã biết trước tình huống sẽ xảy ra.

 Cơ trưởng Chesley Sullenberger (trái) của US Airway và cơ phó Jeffrey Skiles (phải)
Cơ trưởng Chesley Sullenberger (trái) của US Airway và cơ phó Jeffrey Skiles (phải) nói chuyện trong buồng lái của một chiếc máy bay vào ngày 1 tháng 10 , 2009. (Ảnh: Getty)

Ông Schiff, một phi công hàng không đã nghỉ hưu, người đã lái hơn 300 loại máy bay khác nhau, cho biết việc mô phỏng lại các điều kiện bay là một chuyện, còn vấn đề thời gian và tâm lý căng thẳng khi sự việc đột ngột xảy ra lại là chuyện khác.

Quả thực, khi thử nghiệm với những phi công không biết trước tình huống, họ đều không thể đáp máy bay trở lại LaGuardia. Cuộc điều tra kết luận rằng cơ trưởng Sully xử lý hoàn toàn đúng trong tình huống đó. Và ông đã không phải làm tội đồ mà trở về đúng với vị trí người hùng của mình.

Máy bay hiện đang được trưng bày tại bảo tàng
Máy bay hiện đang được trưng bày tại bảo tàng. (Ảnh: RadioFan/Wikimedia Commons)

Vụ máy bay hạ cánh trên sông Hudson đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách và phim ảnh. Chiếc máy bay bị rơi hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Carolinas. Sau vụ tai nạn, các cơ quan quản lý an toàn hàng không kêu gọi thực hiện những cải tiến về an toàn và kỹ thuật, đặc biệt là tránh để vật thể lạ va chạm với động cơ của máy bay.

Các nhà điều tra Cơ quan an toàn vận tải quốc gia Mỹ tìm thấy chiếc lông sót lại trong động cơ máy bay. Họ gửi chúng tới Viện Smithsonian ở Washington để phân tích. Tại đây, các chuyên gia Phòng thí nghiệm nhận dạng lông vũ sử dụng kỹ thuật phân tử gien và mẫu lông từ bộ sưu tập của Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ để xác định rằng lông có trong động cơ máy bay là của loài ngỗng trời Canada (tên khoa học Branta canadensis).

Ngỗng trời Canada liên quan đến tai nạn là một trong những loài chim lớn nhất vùng Bắc Mỹ và mỗi con nặng trung bình trên 3 kg. Bước tiếp theo các nhà khoa học tìm hiểu xem những con ngỗng liên quan đến tai nạn là loại di trú hay địa phương. "Xác định chúng là loài di trú hay không rất quan trọng đối với nghiên cứu của chúng tôi và sẽ giúp đưa ra các biện pháp để giảm các vụ va chạm giữa máy bay với chim trời trong tương lai", nhà khoa học Peter Marra thuộc Trung tâm chim di trú của Viện Smithsonian cho biết.

Cập nhật: 12/08/2024 Theo VnExpress/Nhipsongthitruong
  • 3.241