Vì sao bọ que có mặt khắp hành tinh?

  •  
  • 619

Bị nuốt sống tưởng chừng là án tử hình với mọi sinh vật, nhưng với một số loài bọ que, chúng càng sinh sôi nảy nở sau khi bị ăn.

Đó là phát hiện thú vị do nhóm nghiên cứu sinh học tại ĐH Kobe, Nhật Bản vừa công bố trên tạp chí Ecology.

Cơ chế lợi dụng kẻ thù để mở rộng môi trường sống của bọ que
Cơ chế lợi dụng kẻ thù để mở rộng môi trường sống của bọ que - (Ảnh: ĐH Kobe).

Suốt thời gian dài, sự phân bố rộng khắp của bọ que từ đất liền đến đảo xa khiến giới khoa học bối rối. Nghiên cứu trên đã phát hiện ra sau khi bị chim chóc ăn vào, trứng bọ que có thể tồn tại trong hệ tiêu hóa cho đến bị khi thải ra ngoài mà không hề hấn gì.

Để nghiên cứu, nhóm đã cho chim chào mào (brown-eared bulbul) ăn trứng của ba loài côn trùng thuộc bộ bọ que. Sau khi bị nuốt sống, khoảng 5-20% trứng được đào thải ra ngoài bình yên vô sự, đặc biệt có loài mà toàn bộ trứng đều nở thành công.

Điều này cho thấy chim không chỉ đóng vai trò phát tán hạt thực vật mà còn cả trứng côn trùng.

Tuy nhiên để trứng côn trùng tồn tại qua hệ tiêu hóa cần một số điều kiện: vỏ trứng cứng, trứng có thể tự nở mà không cần thụ tinh, côn trùng non khi chui ra khỏi vỏ phải có bản năng tự vệ. Bọ que đáp ứng đủ các điều kiện trên.

Ở một số loài, bọ que cái có khả năng sinh sản đơn tính, chúng đẻ trứng nở thành con mà không cần thụ tinh bằng cách lưu trữ tinh trùng (trong túi tinh) và thụ tinh riêng cho trứng ngay trước khi "lâm bồn".

Trứng bọ gậy trong phân của chim chào mào và bọ gậy chui ra từ trứng
Trứng bọ gậy trong phân của chim chào mào và bọ gậy chui ra từ trứng - (Ảnh: ĐH Kobe).

Ngoài ra, vỏ trứng bọ gậy cứng đáng kể so với hạt thực vật. Sau khi nở, bọ gậy non tự di chuyển tìm kiếm cỏ lá phù hợp để ăn.

Kết quả nghiên cứu này đã giải quyết phần nào bí ẩn về sự hiện diện của bọ que trên khắp hành tinh: chúng không tự mình di chuyển mà lợi dụng việc bị ăn để phát tán giống nòi đến những vùng đất xa xôi khác, mở rộng môi trường sống.

"Bước tiếp theo, nhóm sẽ phân tích cấu trúc gene của bộ bọ que", PGS. Kenji Suetsugu công tác tại ĐH Kobe nói.

"Dựa vào đó, chúng tôi sẽ điều tra ra liệu có điểm giống nhau không giữa cấu trúc gene côn trùng với chim trong suốt hành trình bay và liệu có điểm tương đồng nào giữa bọ que với thực vật mà lại dùng chim phát tán giống nòi".

Cập nhật: 31/05/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 619