Vì sao cha già thì "con cọc"?

  •  
  • 1.778

Con cái của những ông bố lớn tuổi đúng như câu nói trong dân gian “cha già con cọc”. Theo nghiên cứu khi ông bố tăng thêm một tuổi, trong bộ gene của con xuất hiện thêm hai đột biến mới.

Những đột biến này có lợi hay có hại, ý kiến vẫn chưa thống nhất. Nhưng đa số các nhà sinh học cho rằng các đột biến do tuổi tác mang lại rất ít khi có lợi. Chất lượng của những “vật liệu xây dựng” nên đứa trẻ tương lai - tức trứng và tinh trùng - liên tục giảm đi theo tuổi tác.

Nhóm các nhà khoa học do Augustin Kong, Viện Di truyền học deCODE đứng đầu tìm hiểu việc sinh con khi tuổi tác đã lớn có hại gì đến những đứa con bằng cách so sánh số các đột biến trong bộ gene của mẹ, bố và đứa con mới sinh trong 78 gia đình ở Ireland.

Họ đã lấy mẫu ADN của cả hai bố mẹ và các con, xác định trình từ sắp xếp và so sánh chúng, tách riêng những đột biến trong bộ gen của con, không có trong gene bố, mẹ.

Những người đàn ông lớn tuổi thường truyền cho con nhiều gene đột biến hơn những người trẻ tuổi.
Những người đàn ông lớn tuổi thường truyền cho
con nhiều gene đột biến hơn những người trẻ tuổi.

Kết quả cho thấy trong bộ gene của mỗi đứa con trung bình có thêm 60 đột biến mà ở bố mẹ không có. Như vậy một mặt họ đã khẳng định các số liệu mà những nghiên cứu khác đã thu được, mặt khác họ phát hiện thêm các số liệu hoàn toàn mới. Họ thấy những đột biến xảy ra không ngẫu nhiên mà hoàn toàn phụ thuộc vào tuổi tác của người bố.

Những ông bố trẻ ở lứa tuổi 20 chỉ truyền lại cho con cái 25 đột biến mới, trong khi con cái của các ông bố ở lứa tuổi 40 phải tiếp nhận đến 65 điều bất thường trong bộ gene của mình. Về phía người mẹ thực tế không ảnh hưởng gì đến “sức khoẻ di truyền” của con cái vì các bà chỉ truyền lại cho con 15 đột biến, mà những đột biến này lại không phụ thuộc vào tuổi tác.

Do vậy, mỗi khi ông bố cứ tăng thêm một tuổi thì con cái buộc phải nhận thêm 2 đột biến mới (thường không có lợi) trong bộ gene của chúng. Nếu cho rằng số đột biến tăng 10% thì sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của con cái. Các bất thường tích lũy liên tục sau vài thế hệ sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Theo các nhà khoa học sở dĩ người bố có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khoẻ di truyền của con là vì sự khác biệt giữa tinh trùng và trứng. Các tế bào sinh dục của phụ nữ (trứng) hình thành từ trước khi họ ra đời nên từ tuổi ấu thơ đến khi rụng hết (mãn kinh) chúng không hề thay đổi.

Trong khi đó, tinh trùng sinh ra và chết đi liên tục trong các chu kỳ sinh tinh, chỉ kéo dài 2 tháng. Tuỳ theo mức độ lão hoá, chất lượng của tinh trùng xấu đi liên tục. Điều này giải thích vì sao chỉ những ông bố mới gây ra các đột biến, càng nhiều ở con cái khi tuổi tác của các ông càng cao.

Để có những thế hệ tương lai khoẻ mạnh đàn ông không nên sinh con khi tuổi tác đã cao.

Theo Vietnamnet
  • 1.778