Bệnh viêm xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  •  
  • 225

Viêm xương hàm trong thời gian đầu có thể được xem là một bệnh lý nhẹ về rối loạn khớp xương, thế nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến những biến chứng khác nguy hiểm hơn thậm chí là giãn khớp.

Vậy thì làm sao để phân biệt viêm xương hàm với các bệnh hàm mặt khác? Cùng tham khảo với bài viết này nhé.

Viêm xương hàm là gì?

Viêm xương hàm là một bệnh lý xảy ra khi có sự bất ổn ở khu vực khớp hàm cũng như các khớp cơ ở khu vực xung quanh. Không chỉ dẫn đến tình trạng đau hàm thường xuyên mà nó còn khiến cho các cơ bị co thắt, xương sọ và xương hàm mất đi sự cân bằng.

Viêm xương hàm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là khi nói chuyện và nhai nuốt thức ăn.


Đau xương hàm gây hạn chế cho các cử động vùng miệng.

Dấu hiệu để nhận biết viêm xương hàm

Dấu hiệu của viêm xương hàm thường sẽ bị nhầm lẫn với các vấn đề về răng miệng khác bởi vì triệu chứng có phần tương đồng. Vậy nên, phân biệt rõ các triệu chứng của bệnh lý này sẽ giúp bạn có thể tiến hành điều trị kịp thời trước:

  • Sưng lợi, đau nhức răng
  • Đau nhức, sưng tấy mặt một bên hoặc cả hai bên. Tình trạng đau đớn có thể nhẹ nhàng vào những ngày đầu và người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, tuy nhiên cơn đau sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo tiến trình của căn bệnh
  • Các triệu chứng khác: Đau nhức vùng tai, mỏi cổ, chóng mặt, phì đại cơ nhai, hạch nổi,…

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng như trên và không xác định được nguyên nhân thì hãy đến bệnh viện tai mũi họng hay nha khoa gần nhất để được kiểm tra kỹ càng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm xương hàm

Bên cạnh các chấn thương hoặc vấn đề liên quan đến xương hàm và khớp thái dương hàm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm xương hàm thì vẫn còn nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến bệnh lý này:

  • Biến chứng của quá trình mọc răng: Trong quá trình mọc răng, xương hàm sẽ có sự thay đổi và tạo lỗ trống, việc này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt nhất là khi răng khôn mọc không đúng vị trí sẽ khiến cho lợi bị trùm, thức ăn dễ mắc vào răng và vi khuẩn có khả năng tạo ra viêm nhiễm.
  • Sâu răng: Nếu răng sâu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng viêm tủy, viêm quanh cuống, viêm mô mềm hoặc viêm xương. Môi trường “mục nát” trong lỗ chân răng là môi trường lý tưởng cho sự phát triển và lan truyền của vi khuẩn, dẫn đến viêm xương hàm răng và mô mềm. Các răng sữa mới mọc ít gây viêm mô mềm hơn nhưng vẫn có thể gây viêm mủ dưới màng xương do chiều dài chân răng ngắn.


Sâu răng cũng có khả năng dẫn đến viêm xương hàm.

  • Chấn thương ở khu vực hàm: Vết thương trong khu vực phần mềm hay khi bị các mảnh vỡ, gãy xuyên qua chân răng
  • Khối u: Các vết u lành tính hay ác tính có liên quan đến xương hàm đều có nguy cơ gây ra tình trạng viêm xương hàm
  • Lão hóa: Quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng theo tuổi tác và xương khớp cũng sẽ bị mài mòn
  • Một số bệnh lý khác cũng có khả năng dẫn đến tình trạng viêm xương hàm: Sởi, cúm, lao, giang mai,…

Bên cạnh những nguyên nhân về bệnh lý trên, còn có một số thói quen mà ta tưởng chừng như không nghiêm trọng nhưng nó lại có khả năng dẫn đến tình trạng viêm xương hàm dưới và cả hàm trên, chẳng hạn như:

  • Nghiến răng: Hành động này sẽ vô tình tạo áp lực và sức ép lớn lên khớp thái dương hàm, nghiến răng mạnh và liên tục trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng xương hàm bị lệch
  • Nhai thức ăn một bên: Nếu chỉ dùng một bên hàm để nhai thức ăn và sử dụng các thực phẩm cứng, khó nhai thường xuyên cũng sẽ tạo áp lực lớn lên xương hàm
  • Căng thẳng kéo dài: Tâm trạng không ổn định và áp lực tâm lý có thể dẫn đến việc co cơ hàm không kiểm soát và tạo ra thói quen nghiến răng khi ngủ.

Có thể nhiều người sẽ thấy đây chỉ là những thói quen xấu nhỏ và không quá nghiêm trọng nhưng thực chất lại ảnh hưởng khá lớn đến quá trình phát triển xương hàm. Hãy cố gắng giảm thiểu những thói quen này và duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ cho sức khỏe răng miệng.

Nghiến răng
Nghiến răng thường xuyên sẽ tạo áp lực lên xương hàm.

Nhóm đối tượng có nguy cơ bị viêm xương hàm

Viêm xương hàm là một bệnh lý có liên quan đến răng và hàm mặt nên nó có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng, từ người lớn cho đến trẻ em. Mặc dù phụ nữ trong giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh có khả năng gặp phải tình trạng này cao hơn tuy nhiên không vì vậy mà nam giới có thể chủ quan bởi vì bất cứ ai cũng có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.

Nếu không điều trị sớm viêm xương hàm sẽ để lại biến chứng gì?

Mặc dù không đe dọa hay ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng nhưng viêm xương hàm nếu không được điều trị kịp thời cũng có khả năng dẫn đến các biến chứng khác:

  • Giãn khớp: Bệnh trạng này sẽ tăng nguy cơ bị trật khớp và kẹp khớp
  • Lan rộng ra vùng sàn miệng: Bị sưng tấy ở vùng dưới hàm miệng và sẽ bị lây lan đến các khu vực khác như vùng cổ, vùng ngực,… Điều này sẽ dẫn đến miệng luôn bị trong tư thế mở to, lưỡi bị đẩy lên cao và gây khó khăn cho việc hít thở, nhai nuốt
  • Xương hàm biến dạng: Các vùng xương cơ bị viêm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, dẫn đến tình trạng cấu trúc xương bị phá vỡ và gây biến dạng

Chẩn đoán và điều trị viêm xương hàm

Chẩn đoán viêm xương hàm

Chẩn đoán lâm sàng

Dưới đây là một số biểu hiện lâm sàng của viêm xương hàm mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường:

  • Má bị sưng tấy và đỏ
  • Răng sâu, tủy bị hoại tử gây đau nhức
  • Da ở vùng xung quanh bị thâm đỏ và có thể có mủ rỉ ra từ khu vực sưng
  • Có thể có dấu hiệu sốt nhẹ hoặc sốt cao

Chẩn đoán cận lâm sàng

Bên cạnh các chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ cũng có thể sẽ thực hiện thêm các biện pháp khác để kiểm tra kỹ tình trạng xương khớp hơn:

  • Chụp X-Quang: Xác định nguyên nhân gây viêm hàm
  • Xét nghiệm máu trước khi phẫu thuật: Kiểm tra độ tăng bạch cầu trong máu

Cách điều trị viêm xương hàm

Dùng thuốc

Cũng như những bệnh lý khác, thuốc tây là phương pháp hiệu quả và phổ biến để điều trị viêm xương hàm. Không chỉ giúp giảm đau và giảm sưng tại vùng xương hàm, thuốc sẽ giúp kháng viêm và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Dưới đây là một vài loại thuốc mà bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn:

  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như paracetamol, mobic, diclofenac,…
  • Thuốc kháng viêm, chẳng hạn như corticosteroid
  • Thuốc giúp giãn cơ trong thời gian ngắn
  • Thuốc tiêm nhằm giảm đau do rối loạn khớp thái dương hàm

Trên đây chỉ là một vài loại thuốc tham khảo, để được điều trị chính xác và phù hợp nhất thì bạn hãy tham khảo trực tiếp với bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để được hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Nên uống thuốc theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Nên uống thuốc theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.

Không dùng thuốc

Đối với tình trạng viêm xương hàm nặng hơn thường sẽ cần một số phương pháp, thủ thuật để khắc phục tình trạng bệnh:

  • Phẫu thuật: Đây được xem là biện pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không đạt hiệu quả như mong muốn. Phẫu thuật sẽ giúp sửa chữa hoặc thay thế phần khớp bị tổn thương triệt để
  • Điều trị nha khoa: Điều chỉnh khớp cắn, nhổ răng, trồng răng hoặc trám răng nếu cần thiết. Quá trình chỉnh nha có thể gây ra cảm giác đau đớn nhưng lại giúp cải thiện tình trạng và chức năng của xương hàm
  • Chọc rửa khớp: Nhằm loại bỏ các mảnh gãy vụn gây viêm nhiễm trong khớp giúp giảm tổn thương cho xương

Các phẫu thuật này đòi hỏi tính chuyên môn cao, bệnh nhân nên tìm những địa điểm uy tín, chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị.

Các biện pháp phòng ngừa viêm xương hàm

Viêm xương hàm cũng có thể được phòng tránh và cải thiện nếu bạn luyện tập thói quen lành mạnh như sau:

  • Ưu tiên sử dụng thức ăn và thực phẩm mềm, dễ nhai
  • Hạn chế nhai một bên hàm
  • Hạn chế các thói quen xấu như nghiến lợi, cắn răng
  • Massage hay xoa bóp vùng dưới cằm khoảng 15 phút mỗi ngày để giãn cơ và cải thiện quá trình tuần hoàn máu
  • Ưu tiên lựa chọn các cơ sở, bệnh viện nha khoa uy tín để điều trị
  • Cân bằng thời gian ngủ nghỉ phù hợp để giữ tinh thần thoải mái, giảm áp lực và căng thẳng
  • Tuyệt đối không tự kê đơn mua thuốc hay dùng các biện pháp dân gian, cũng không được sử dụng thuốc theo đơn của người khác vì tình trạng bệnh mỗi người mỗi khác nhau

Những thắc mắc thường gặp về viêm xương hàmViêm xương hàm có ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện không?

Viêm xương hàm sẽ gây ra cảm giác đau đớn khi bạn mở miệng và có thể ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện và nhai nuốt.

Phải làm thế nào nếu uống thuốc một thời gian rồi nhưng vẫn không thuyên giảm?

Hãy đến ngay các nha khoa gần nhất để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra giải pháp điều trị chính xác nhất. Không nên để bệnh tình trở nên nặng hơn vì có khả năng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Chi phí điều trị viêm xương hàm bao nhiêu?

Tùy vào từng trường hợp, độ nặng của tình trạng viêm nhiễm cũng như cơ địa của mỗi người  mà sẽ có quy trình điều trị khác nhau.  Viêm xương hàm mặc dù không quá nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bạn. Nếu không chắc chắn về tình trạng bệnh thì hãy đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị phù hợp nhất nhé.

Cập nhật: 17/08/2024 taimuihongsg
  • 225