Bên trong căn phòng rộng lớn lại là khoảng không "lạnh run". Điều này đặc biệt đúng mỗi khi mùa hè đến, thời điểm những chiếc điều hòa không khí bắt đầu hoạt động cũng là lúc phụ nữ thay thế tủ quần áo công sở bằng những chiếc áo khoác nhẹ, váy dài và giày cao gót.
Trên thực tế, hàng tá lý do giải thích vì sao các tòa nhà văn phòng lại được mô phỏng theo hang động băng của hành tinh Hoth (trong phim Star Wars). Một vấn đề đã được các nhà khoa học tranh luận đó là việc thiết lập hệ thống điều nhiệt trong văn phòng vẫn bị ảnh hưởng bởi những gì người ta nghiên cứu từ những năm 1960, và con số trong nghiên cứu chỉ dành riêng cho phái mạnh.
Sự thật phức tạp hơn chút, nhưng đặc biệt đúng với các tòa nhà văn phòng được cho là "đóng băng" khiến nhiều nhân viên cảm thấy không thoải mái, theo ông Stefano Schiavon, Phó giáo sư ngành kiến trúc tại Đại học California, Berkeley.
Vậy đâu là nơi phù hợp cho chúng ta? Chúng ta có thể làm gì để luyện tập cơ thể mình "khoan dung" hơn với cái lạnh? Điều gì có thể khiến môi trường làm việc thoải mái hơn?
Trên thực tế, thay đổi phản ứng cơ thể của chúng ta với cái lạnh không dễ, mặc dù cũng có lúc làm được. Có nhiều cách khác để giúp văn phòng dễ chịu hơn cho mọi người, thậm chí tìm thấy sự cân bằng phù hợp có thể có ích cho sức khỏe.
Không phải văn phòng nào cũng có chung tiêu chuẩn về nhiệt độ.
Tất nhiên, tôi biết việc văn phòng của mình quá lạnh
Không phải văn phòng nào cũng có chung tiêu chuẩn về nhiệt độ. Tuy vậy, nữ giới có xu hướng cảm thấy cái lạnh nhanh hơn nam giới và dường như đặc biệt khó thích nghi với các điều kiện làm việc mùa đông dù trong thời tiết dễ chịu.
Đó một phần là vì trung bình cơ thể nữ giới có nhiều mỡ hơn một chút. John Castellani, một nhà nghiên cứu sinh lý học thuộc Viện Nghiên cứu Y học Môi trường của Quân đội Hoa Kỳ tại Natick, Massachusetts cho biết: "Mỡ là một chất cách nhiệt tuyệt vời và vì thế, nhiệt độ da ở nữ giới thực tế có thể thấp hơn một chút so với nam giới".
Theo Wouter van Marken Lichtenbelt, một nhà sinh lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Maastricht ở Hà Lan, sự trao đổi chất thấp hơn ở nữ giới cũng là một lý do. Năm 2015, Lichtenbelt đưa ra báo cáo nữ giới làm công việc văn phòng có tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn so với những người thuộc nhóm được nghiên cứu để đưa ra điều kiện cần thiết giúp mọi người cảm thấy thoải mái trong phòng. "Các tiêu chuẩn khí hậu trong phòng tại một thời điểm cụ thể có thể làm sai lệch nhu cầu nhiệt của nhóm nữ giới và người già", theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change. Họ cũng lưu ý rằng nữ giới có thể thấy dễ chịu với nhiệt độ phòng trung bình ở 25 độ C, trong khi nam giới là khoảng 22 độ C.
Tất nhiên, nghiên cứu được thực hiện trên một số lượng nhỏ người dân, nữ giới và đây chỉ là phép khái quát. Có rất nhiều biến số ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với cái lạnh như sinh lý, chiều cao, cân nặng, trọng lượng, quần áo và loại hoạt động, Schiavon cho hay.
Theo kỹ sư Bjarne Olesen, trên thực tế, các tiêu chuẩn khí hậu trong phòng do Hiệp hội kỹ sư Sưởi ấm, Làm lạnh và Điều hòa không khí ASHRAE thiết lập có tính đến nữ giới. Tỷ lệ trao đổi chất giữa các cá nhân có sự khác biệt lớn hơn giữa hai giới.
Tuy nhiên, cả Lichtenbelt và Olesen có thể đều đồng ý rằng các tòa nhà văn phòng quá lạnh. Tiêu chuẩn ASHRAE gợi ý nhiệt độ phòng vào mùa hè nên trong khoảng 23-26 độ C. Nhưng kết quả khảo sát các tòa nhà văn phòng năm 2009 lại cho thấy nhiệt độ phòng thường thấp dưới giới hạn này và thực tế lạnh hơn cả nhiệt độ bật cho mùa đông.
Lichtenbelt cho hay: "Điều này có nghĩa là mọi người dù thuộc giới tính nào cũng đều có nguy cơ bị lạnh, đặc biệt là vào mùa hè. Văn phòng ngày nay thường có nhiệt độ vào khoảng 20-22 độ C".
Điều hòa là thiết bị thường bị đổ lỗi vì khiến văn phòng quá lạnh, Schiavon nói. Hệ thống điều hòa thường quá tải và phải cân bằng giữa nhiệt độ và độ ẩm không khí. Dù lý do có là gì thì chúng ta vẫn đang duy trì mức nhiệt độ mà nhân viên không thực sự thoải mái.
Làm thế nào để đối mặt?
Ánh sáng trong phòng có thể tác động đến sự thoải mái từ bên trong cơ thể.
Bạn có thể đánh lừa bản thân là đang cảm thấy ấm. Các nhà nghiên cứu Anh phát hiện ánh sáng trong phòng có thể tác động đến sự thoải mái từ bên trong cơ thể. Người ngồi trong phòng dưới ánh sáng vàng sẽ thấy ấm hơn những ai ngồi trong phòng tắm dưới ánh sáng xanh, ngay cả khi nhiệt độ thấp.
Castellani cho biết. "Cũng có những cách khiến cơ thể chúng ta thích nghi với cái lạnh. Cách phố biến nhất mang tên thói quen và bạn có thể trải nghiệm theo từng mùa".
Castellani nói thêm, vào mùa hè, cơ thể bạn thay đổi đôi chút về mặt sinh lý để chống chọi với cái nóng, khiến bạn dễ đổ mồ hôi hơn. Đồng thời, vào mùa đông, cơ thể sẽ tập trung một lượng máu đến các bộ phận tiếp xúc với bên ngoài như mặt, tay để giữ da bạn ấm. Cơ thể bạn phải mất vài ngày để điều chỉnh cho phù hợp vào mùa xuân hoặc thu và điều đó cũng tác động đến nhận thức về cái lạnh.
"Tương tự, nếu bạn làm việc trong điều kiện lạnh, theo thời gian bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn một chút. Khi bạn thường xuyên tiếp xúc với cái lạnh, bạn đã quen với nó, Tất nhiên, có nhiều giới hạn. Đối với nhiều người, đặc biệt là nữ giới, nhiệt độ trong các tòa nhà văn phòng thấp hơn giới hạn cơ thể họ có thể cảm thấy thoải mái", Lichtenbelt nói.
Theo Castellani, cũng có nhiều cách khiến cơ thể bạn trở nên khoan dung với cái lạnh hơn, nhưng bạn cần chịu đựng cái lạnh hơi buốt. Những người dành nhiều thời gian ngoài trời và không mặc nhiều quần áo dày, trong đó có những người dân bản địa Úc, có thể chịu được những giọt nước lớn rơi trên da và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể mà không run rẩy. Lời giải thích cho hiện tượng này là run trong thời gian dài sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Bằng việc đi bộ dưới nhiệt độ thấp và vẫn duy trì hoạt động, mức trao đổi chất của bạn sẽ thấp hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu quân sự có thể đưa ra mức thích nghi trong phòng lab bằng cách yêu cầu nhiều nam giới ngồi vào nước lạnh trong 90 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần trong suốt 5 tuần mà không mặc gì ngoài quần bơi. "Chúng tôi thường không nói với họ đây là điều họ muốn làm. Một phần là bởi vì việc luyện tập rất gian khổ và một phần vì những thay đổi có thể mang lại những kết quả khá mơ hồ. Nói cách khác: cơ thể bạn có thể bảo tồn nhiệt tốt hơn, nhưng bạn vẫn không ngừng chống lại cái lạnh".
Vận động viên Wim Hof, người từng leo lên đỉnh Kilimanjaro khi mặc quẩn đùi và chạy ½ chặng đua tại Bắc Cực bằng chân trần, thiết lập một chế độ tập luyện có thể giúp anh chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, nhờ kết hợp thiền, tập thở và tiếp xúc với nước đá. Kỹ thuật này có thể giúp Hof chặn được cái lạnh nhờ bộ não giải phóng hợp chất cannabinoid (có trong gai dầu và cần sa) và nhóm opioid (thường có trong thuốc giảm đau). Phản ứng đau đớn cuối cùng dẫn đến "giảm độ nhạy cảm với cái lạnh và tăng cảm giác hưng phần và khỏe mạnh", theo tạp chí NeuroImage.
Nước đá không phải thứ tôi cần
Có một cách đơn giản hơn nhiều giúp các tòa nhà văn phòng trở nên dễ chịu với nhiều người làm việc bên trong: giảm số lượng điều hòa.
Một số nơi bắt đầu nhận thấy ăn mặc thoải mái, đặc biệt đối với nam giới, có thể khiến nhân viên cảm thấy dễ chịu hơn. Tại Nhật Bản, chính phủ phát động chiến dịch mang tên Cool Biz vào mỗi mùa hè, khuyến khích doanh nghiệp tăng nhiệt độ phòng và cho phép nhân viên mang áo sơ mi ngắn tay thay vì bộ vest thắt cà vạt.
Trong khi đó, Schiavon lại lập luận lắp quạt trong văn phòng sẽ tiết kiệm năng lượng và giúp nhân viên hài lòng. Thay vì dùng điều hòa suốt mùa hè, các văn phòng chạy quạt đến khi nhiệt độ vượt mức quy định, điều hòa sẽ được bật. Quạt tiết kiệm năng lượng hơn và rẻ hơn so với điều hòa.
"Tất nhiên, mọi người có ngưỡng nhiệt ấm khác nhau. Không một nhiệt độ nào làm hài lòng tất cả. Chúng ta khác nhau và chúng ta cần có một môi trường được cá nhân hóa hơn", Schiavon nói.
Lý tưởng nhất, ông nói, mỗi nhân viên nên có quạt bàn riêng, cho phép họ kiểm soát nhiệt độ trong khu vực lân cận. Mùa đông đến, mọi người có thể giữ cho không gian làm việc của mình luôn ấm áp bằng cách sử dụng ghế nóng hoặc thảm điện đặt dưới chân.
Có rất nhiều văn phòng mỗi nhân viên đều có quạt riêng. Đó là lý do tại sao Schiavon đang nghiên cứu quạt thông minh cho các không gian chung. Bất cứ ai trong văn phòng cũng có thể đưa ra phản hồi bằng cách gửi câu lệnh cho biết họ thấy nóng hay lạnh và hệ thống quạt sẽ tính đến điều đó khi "quyết định" tốc độ quạt dùng chung. Các hệ thống điều hòa thường không có tính năng này, Schiavon nói.
Tuyệt! Nhưng văn phòng của tôi chưa có ý định cài đặt những cái quạt đặc biệt ấy
Đừng tuyệt vọng. Việc chịu đựng ngồi trong văn phòng không thoải mái trong mùa hè cũng có lợi cho bạn. Các nhà khoa học thực sự nghĩ rằng chịu lạnh mang lại lợi ích sức khỏe.
Khi lạnh, cơ thể chúng ta bắt đầu sử dụng mỡ nâu. Khác mỡ trắng dùng để dự trữ năng lượng, mỡ nâu đốt cháy calo và giải phóng nhiệt. Trẻ sơ sinh sử dụng mỡ nâu để giữ ấm, nhưng đặc điểm này biến mất khi chúng ta trưởng thành. Năm 2009, các nhà khoa học, bao gồm Lichtenbelt, nhận thấy người trưởng thành có thể giữ lại một lượng mỡ nâu. Các nhà nghiên cứu cố gắng tìm ra cách "tiêu thụ" nó với hy vọng giúp chúng ta giảm cân.
Lichtenbelt báo cáo nếu môi trường xung quanh chúng ta nằm ngoài vùng thoải mái, quá trình trao đổi chất của chúng ta tăng lên và hệ thống tim mạch sẽ được tập luyện. Về cơ bản, cơ thể phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì nhiệt độ ở những nơi ấm áp hoặc mát mẻ. Trong điều kiện lạnh, mỡ nâu có tác dụng, mặc dù vậy, vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi chúng ta biết được bao nhiêu mỡ nâu thì mang lại lợi ích cho sức khỏe, Lichtenbelt nói.
Cũng theo Lichtenbelt, chúng ta vẫn có thể "hưởng lợi" từ cái lạnh mà không cần đến các văn phòng lạnh cóng. Bạn không cần phải chịu đựng. Trên thực tế, cách tốt nhất là thay đổi nhiệt độ trong các tòa nhà văn phòng suốt cả ngày. Điều này sẽ cho phép chúng ta hưởng lợi từ cả điều kiện ấm áp và mát mẻ.
"Và nhân viên văn phòng không phải là người duy nhất được hưởng lợi, ông nói. Sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi thường dành nhiều thời gian trong phòng, nơi nhiệt độ không chênh lệch nhiều. Điều này thực sự có thể khiến cơ thể của họ kém sự đàn hồi hơn. Chính vì môi trường trong phòng quá ổn định, bạn lại trở nên mong manh", Lichtenbelt bổ sung
Lichtenbelt bắt đầu nghiên cứu về phạm vi nhiệt độ sẽ có lợi nhất cho nhân viên và người cao tuổi. "Điều này phụ thuộc vào khí hậu địa phương. Rất khó để đưa ra những chỉ dẫn chung, đặc biệt là các quốc gia có nhiều loại khí hậu khác nhau".
Nói chung, chúng ta sẽ mất một khoảng thời gian trước khi nhận thấy nhiệt độ hiệu quả và tiết kiệm năng lượng nhất cho các tòa nhà văn phòng.