Vì sao chim ký sinh khỏe hơn con của vật chủ?

  •  
  • 6.478

Những con chim đặc biệt này thuộc về một nhóm các loài ký sinh nuôi dưỡng (hay còn gọi là đẻ trứng nhờ).

Các cặp bố mẹ chim ký sinh sử dụng những thủ thuật tinh quái để cho con cái của chúng có cơ hội lớn mạnh trong gia đình vật chủ.

Chim bò đầu nâu (Molothrus ater) đẻ những quả trứng trông giống với trứng của nhiều vật chủ khác nhau của nó để ngụy trang, trong khi những con chim mẹ có cách tiếp cận tàn bạo hơn là chọc thủng nhiều trứng của vật chủ, qua đó loại bỏ bớt đối thủ cạnh tranh của con cái chúng.

Tập thể dục từ trong trứng mang lại lợi thế cho những con chim ký sinh so với con của vật chủ.
Tập thể dục từ trong trứng mang lại lợi thế cho những con chim ký sinh so với con của vật chủ.

Mặc dù, những con chim mẹ này đã mở đường cho chim con, nhưng sau khi nở ra, những con chim con sẽ phải tự lo cho sự sống của mình.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences cho thấy rằng, cái gọi là sự chuyển động của phôi thai – hay tập thể dục trong trứng - có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho những con chim ký sinh so với con của vật chủ.

Stephanie McClelland, đang làm Tiến sĩ tại Royal Holloway, Đại học London ở Egham cho biết, các nghiên cứu trước đây ở chim thuần hóa, như gà, đã chứng minh rằng chuyển động của phôi là chìa khóa cho sự phát triển của gà con.

Một số nghiên cứu cho rằng, trứng càng hiếu động, gà con sinh ra càng lực lưỡng, cơ bắp trong khi các nghiên cứu khác chỉ ra rằng ở trường hợp ngược lại, tình trạng tê liệt ở phôi thai khiến xương phát triển còi cọc.

Vì vậy, tất cả các loài chim đều được hưởng lợi từ việc “tập thể dục” từ trong trứng, vì nó giúp chúng sẵn sàng với thế giới bên ngoài. “Chỉ trong vòng một hoặc hai ngày sau khi được sinh ra, chúng đã có thể nâng một quả trứng gần bằng trọng lượng của chính mình lên lưng và đẩy nó ra khỏi tổ” - Stephanie McClelland cho biết.

Stephanie McClelland và nhóm của cô tự hỏi làm thế nào mà những chú chim mới nở lại có được sức mạnh diệu kỳ như vậy. Họ đưa ra giả thuyết rằng “tập thể dục” trong trứng có liên quan đến điều này. Để kiểm tra giả thuyết, nhóm nghiên cứu đã phân tích 437 quả trứng từ 14 loài chim, bao gồm 5 loài ký sinh nuôi dưỡng, vật chủ của chúng và một số loài không ký sinh có họ hàng gần gũi để so sánh.

Nhìn chung, chim ký sinh có thời gian ấp trứng rất ngắn. Thời gian ấp trứng của chim bò đầu nâu kéo dài chỉ khoảng 10 ngày, theo McClelland. Đây được cho là một chiến lược sinh tồn khác. Với việc nở sớm hơn, vật chủ có ít thời gian để phát hiện và loại bỏ trứng ký sinh hơn.

Ngoài ra, việc nở trước cũng giúp các loài chim ký sinh bạo lực có cơ hội phá trứng hay giết chết chim non của vật chủ. Và những loài hiền lành hơn, như chim bò đầu nâu, sử dụng cơ bắp của chúng để thực hiện hành vi “đòi ăn mãnh liệt” đối với cha mẹ nuôi, độc chiếm nguồn thức ăn được cung cấp trước khi trứng của vật chủ nở.

Trong thời gian ấp trứng ngắn ngủi của chúng, các loài ký sinh cho thấy tỷ lệ phôi cử động cao hơn so với các loài bị chọn làm vật chủ và các loài không ký sinh. Cử động của loài ký sinh cũng tăng với tốc độ cao hơn trong suốt thời gian ấp trứng của chúng so với các loài chim khác.

Cập nhật: 05/11/2021 Theo GDTĐ
  • 6.478