Vì sao chúng ta ăn quá nhiều mà không thấy no?

  •  
  • 873

Có đôi khi chúng ta thường ăn bất chấp và không có cảm giác thấy no bụng dù đã ăn rất nhiều. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và bài viết này sẽ phơi bày một số nguyên nhân chủ yếu để bạn biết và tránh xa.

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng, chúng ta sẽ ngừng ăn khi cảm thấy đã no. Nhưng dưới góc nhìn khoa học, mọi thứ lại hoàn toàn khác. Dưới đây là 5 lý do có thể khiến chúng ta ăn quá nhiều mà không nhận ra rằng mình đã no.

5. Kích cỡ khẩu phần ăn

Cảm quan về kích thước khẩu phần ăn từ lâu đã được chứng minh ảnh hưởng đến lượng thức ăn mà chúng ta ăn. Trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ về cảm giác no, những người tham gia ngồi vào bàn và được chỉ dẫn ăn súp.

Kích cỡ khẩu phần ăn tác động không nhỏ tới tâm lý và cả trạng thái no của người ăn.
Kích cỡ khẩu phần ăn tác động không nhỏ tới tâm lý và cả trạng thái no của người ăn.

Một nửa số bát súp được bổ sung từ từ thông qua một ống bên dưới bàn và người ăn không hề biết gì. Kết quả là những người ăn những bát súp được bổ sung từ từ ăn nhiều hơn tới 73% so với những người ăn một bát súp đầy và do chính họ lấy. Tuy nhiên điều đáng nói là nhóm người ăn bát súp được đổ từ từ không tin rằng, họ đã ăn nhiều hơn mức bình thường. Họ cũng không cảm thấy no hơn những người ăn bát súp bình thường.

Từ nghiên cứu trên có thể thấy, kích cỡ khẩu phần ăn tác động không nhỏ tới tâm lý và cả trạng thái no của người ăn. Nếu phải ăn cùng một lượng thức ăn nhưng được chia ra thành nhiều lần, chúng ta có xu hướng ăn được nhiều hơn so với việc ăn hết một lượng thức ăn lớn trong một lần.

4. Sự đa dạng các món ăn

Thông thường khi ăn chúng ta đã quen với hương vị của món ăn. Điều đó có nghĩa là chúng ta ít khi cảm thấy hạnh phúc khi cảm nhận món ăn đó và có thể dừng ăn ngay khi não bộ cảm thấy đã chán. Hiệu ứng này được gọi là cảm giác no đặc trưng của giác quan (sensory-specific satiety). Nó có nghĩa rằng, chúng ta đã biết được đầy đủ các hương vị trong món ăn đó ngay khi chỉ vừa ngửi.

Tuy nhiên khi chúng ta ăn một đĩa thức ăn với các món hoàn toàn mới và đa dạng hơn, sự thay đổi về khẩu vị và cảm quan chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy ngon miệng và muốn ăn liên tục.

Khi các nhà nghiên cứu thử nghiệm hiệu ứng này, họ thấy người tham gia ăn nhiều hơn gấp 4 lần khi họ được ăn những món lạ miệng. Hiệu ứng này có xu hướng tăng mạnh khi các món ăn càng đa dạng và hấp dẫn.

Mặc dù các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên người dùng cần có một chế độ ăn uống đa dạng để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên bạn nên cảnh giác với những tình huống phải ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau cùng lúc, ví dụ như những bữa tiệc buffet. Nếu không thể thoát khỏi hiệu ứng đó, nguy cơ tăng cân sẽ là rất cao.

3. Mất tập trung

Có nhiều người thường ăn trong khi làm những việc khác, chẳng hạn như xem TV, làm việc hoặc lên mạng. Nhưng việc ăn trong khi tâm trí phân tâm sẽ cản trở cơ chế phản ứng với trạng thái no. Khi bị phân tâm, bạn sẽ ít có khả năng nhận thức được bụng đã ở trạng thái no hay chưa. Vì vậy cơ thể vẫn sẽ thúc giục bạn tiêu thụ nhiều thức ăn hơn.

Bạn có thể đã từng nghe việc ăn trong lúc mất tập trung sẽ khiến cơ thể có xu hướng tăng lượng ăn vào. Nhưng có lẽ bạn không biết rằng, hiệu ứng này có thể kéo dài cả ngày. Sự mất tập trung có thể làm gián đoạn nhận thức của bạn về cảm giác no và mùi vị của món ăn. Điều này khiến bạn ăn nhiều hơn vào cuối ngày mà không hề hay biết.

2. Rượu

Rượu cũng là một nguyên nhân có thể khiến bạn ăn nhiều mà không hay biết. Lý do bởi rượu làm giảm khả năng kiểm soát của cơ thể và tăng tính bốc đồng. Rượu thậm chí có thể khiến bạn có cảm giác thức ăn ngon hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, rượu làm gián đoạn khả năng trao đổi các tín hiệu trong cơ thể, ví dụ như nhịp tim hay cảm giác no.

1. Ăn với người khác

Việc bạn ăn cùng với một người khác cũng có thể kích thích bạn ăn nhiều hơn mà không hay biết.
Việc bạn ăn cùng với một người khác cũng có thể kích thích bạn ăn nhiều hơn mà không hay biết.

Nghe có vẻ lạ nhưng việc bạn ăn cùng với một người khác cũng có thể kích thích bạn ăn nhiều hơn mà không hay biết. Những loại thực phẩm bạn ăn cũng có thể bị ảnh hưởng từ những món được mọi người xung quanh lựa chọn.

Hiệu ứng mất cảm giác no càng thể hiện rõ hơn khi bạn ăn cùng với một người có mối quan hệ thân thiết. Đây dường như là một hiệu ứng xã hội khi chúng ta bắt chước hành vi ăn uống của một người khác và tạo nên một chỉ dẫn cho bản thân. Khi một người bạn đang mải mê thưởng thức một món ăn, nó sẽ tạo dấu hiệu cho thấy món ăn đó rất ngon. Từ đó sự mong đợi của họ đối với món ăn sắp thưởng thức sẽ tăng lên và khuyến khích họ ăn nhiều hơn.

Ngoài ra còn một số các nguyên nhân khác có thể tác động đến việc bạn ăn bất chấp và không chú ý đến việc mình đã no. Cụ thể:

  • Bạn nhầm lẫn giữa cơn đói và cơn khát: Nếu bạn thấy mình vẫn cảm thấy đói sau bữa ăn, hãy thử uống một vài cốc nước và đợi khoảng 10 phút xem bạn còn đói không? Một số người trong chúng ta có thể nhầm lẫn giữa cảm giác khát và đói.
  • Bạn bỏ bữa: Việc bỏ bữa trong ngày có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mức bình thường mà không biết.
  • Bạn ăn trước màn hình: Vừa xem TV hay làm việc với máy tính và vừa ăn có thể khiến bạn bị phân tâm. Hơn nữa tâm trí sẽ không thể xác định khi nào bạn đã đạt tới trạng thái no để phát tín hiệu dừng lại.

Vậy chúng ta có thể làm gì để chống lại việc ăn quá nhiều nhưng không thể nhận thức được trạng thái no? Nghiên cứu cho thấy, việc tập trung vào bữa ăn và món ăn trước mắt giúp giảm lượng ăn đáng kể, đồng thời tăng cường nhận thức và trí nhớ cho một người về món ăn đó.

Một nghiên cứu khác lại chỉ ra, việc sử dụng một ứng dụng di động liên quan đến ăn uống, bao gồm các hoạt động chụp ảnh, trả lời câu hỏi và nhận các nhắc nhở về cách ăn uống để giảm cân sẽ giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát lượng ăn.

Cập nhật: 31/03/2020 Theo VnExpress
  • 873