Vì sao có người uống rượu hôm nay nhưng 1-2 ngày sau mới say?

  •  
  • 455

Hiện tượng "say rượu muộn" hay uống rượu 1-2 ngày sau mới say có thể xảy ra với một số người. "Say muộn" sẽ rất nguy hiểm vì mọi người dễ chủ quan.

Theo Ths.BSCKII Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc Trung tâm cai nghiện và điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới gan mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới các cơ quan trong cơ thể như: tim, não bộ, huyết áp, dạ dày và giảm sức đề kháng của cơ thể. Các nghiên cứu còn chỉ ra lạm dụng rượu bia còn ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản.

Riêng đối với gan là cơ quan chịu gánh nặng lớn nhất của rượu bia. Do 90% rượu bia được thải qua gan. Nếu uống rượu bia nhiều ngày, liên tục sẽ gây hại cho tế bào của gan.

Lạm dụng rượu bia kéo dài khiến tế bào gan sẽ bị tổn thương không hồi phục được.
Lạm dụng rượu bia kéo dài khiến tế bào gan sẽ bị tổn thương không hồi phục được.

Andehit là một loại độc tố được hình thành do sự oxy hóa của rượu ethanol. Đây là thành phần gây ngộ độc (say rượu) với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, sốc rượu khi uống bởi chất này kích thích cho hệ tiêu hóa và hệ tuần hoàn hoạt động mạnh mẽ, làm tăng huyết áp đột ngột…

"Người lạm dụng rượu bia kéo dài tế bào gan sẽ bị tổn thương không hồi phục do chất độc Andehit. Lâu dần gan sẽ bị xơ (xơ gan mất bù) và có thể trở thành ung thư gan", bác sĩ Thuỷ phân tích.

Trên thực tế có rất nhiều người uống rượu bia không say ngay mà phải sau 1-2 ngày mới say, nguyên nhân có phải do gan bị tổn thương hay không? Bác sĩ Thuỷ lý giải, đối với trường hợp uống rượu sau 1-2 ngày mới say sẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau.

  • Thứ nhất là do cơ địa của cá nhân đó chuyển hoá rượu chậm hơn người bình thường (chuyển hoá kém) khiến cho họ không say ngay khi uống.
  • Nguyên nhân thứ hai là do nồng độ cồn trong máu cao, gan chưa chuyển hoá hết. Tới khi rượu được chuyển hoá thành Andehit ở mức cao mà gan không thể đào thải được sẽ gây ra tình trạng ngộ độc (say rượu muộn).

"Những trường hợp say rượu muộn như vậy sẽ rất nguy hiểm. Vì mọi người sẽ nghĩ mình uống được nhiều nên sẽ chủ quan. Việc sau rượu muộn ảnh hưởng rất lớn tới gan, thận, não bộ…", bác sĩ Thuỷ nói.

Tác hại của rượu đối với cơ thể là rất lớn nhưng hiện nay mọi người vẫn còn tồn tại văn hoá uống rượu chúc cho nhau say. Điều này là cực kỳ nguy hại.

Theo bác sĩ Thuỷ chúng ta cần phải bỏ văn hoá chúc tụng rượu bia cho nhau say. Chỉ nên uống 1-2 chén để tạo không khí vui vẻ trong những ngày lễ Tết. Trước khi uống nên ăn nhiều các loại thức ăn có chất đạm, rau xanh, hoa quả tươi để làm chậm quá trình hấp thu rượu, kéo thời gian để gan có thể giải độc rượu.

Ngộ độc rượu có nhiều mức độ khác nhau, nhẹ là mức say rượu (nôn, giảm khả năng phán đoán, nói nhiều, khua chân múa tay, rối loạn lời nói). Ngộ độc ở mức độ trung bình sẽ xuất hiện triệu chứng mắt nhìn đôi, mất kiểm soát ý thức, hành vi. Ngộ độc ở mức độ nặng bệnh nhân có thể khó thở, giảm thân nhiệt…

Bác sĩ khuyến cáo, hiện nay cũng không nên lạm dụng rượu ngâm thực vật, động vật. Vì không ít người bị dị ứng dược liệu hoặc các chất từ động vật, cây cỏ tiết ra hoà vào trong rượu. Cho đến nay, tác dụng của các loại rượu ngâm cây cỏ, con vật vẫn chỉ là lời đồn thổi chưa có nghiên cứu chứng minh tác dụng rõ ràng.

Để bảo vệ sức khoẻ vui xuân an toàn chuyên gia khuyến cao không nên lạm dụng rượu bia vì có hại rất lớn cho sức khoẻ.

Cập nhật: 10/01/2023 Tổ Quốc
  • 455