Vì sao dự án đĩa bay của Mỹ thất bại?

  •  
  • 2.781

Những năm đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã tiến hành một dự án mật có tên VZ-9 Avrocar với tham vọng chế tạo một đĩa bay có tốc độ siêu thanh, có thể cất cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, dự án đã dần “chết yểu” vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Quá trình triển khai dự án này đã góp phần thêu dệt câu chuyện huyền bí về UFO.

Dự án mật

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra vô cùng gay gắt. Cả 2 siêu cường đều nỗ lực phát triển những vũ khí hiện đại và kỳ lạ nhất nhằm chiếm ưu thế trước đối phương.

VZ-9 là dự án đĩa bay bí mật của Lầu Năm Góc.
VZ-9 là dự án đĩa bay bí mật của Lầu Năm Góc. (Ảnh: Business Insider).

Một trong những dự án được Lầu Năm Góc của Mỹ đặt nhiều kỳ vọng và tâm huyết là phát triển một máy bay có hình thù giống đĩa bay với nhiều đặc tính ưu việt như có tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh và có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng. Dự án được khởi động vào năm 1955 với tên gọi VZ-9 Avrocar. Dự án này thực chất là kết quả cuối cùng của một loạt các dự án do nhà thiết kế Jack Frost (một kỹ sư Công ty Avro Canada) triển khai.

Năm 1952, Avro Canada bắt tay vào thực hiện ý tưởng sản xuất một chiếc máy bay siêu thanh có cánh tròn ở ngoại vi thân chính giống như chiếc đĩa bay mà người ta vẫn thường nói là sản phẩm của người ngoài hành tinh. Tại thời điểm lúc bấy giờ, ngành công nghiệp máy bay đều quan tâm đến máy bay có thể cất và hạ cánh thẳng đứng.


VZ-9 Avrocar không có cánh, cũng không có cánh quạt, nó có ba động cơ phản với ba ống thổi khí để bay lơ lửng trên không.

Bởi, người ta cho rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu nổ ra ở châu Âu chắc chắn sẽ bắt đầu với các vụ tấn công hạt nhân lẫn nhau nhằm tiêu diệt hầu hết các căn cứ không quân của đối phương. Vì vậy, các máy bay cần phải có thể hoạt động được ở các phạm vi chật hẹp ở căn cứ không quân, trên đường phố hoặc thậm chí là những cánh đồng.

Theo Jack Frost, chiếc đĩa bay của ông có thể hạ cánh và cất cánh thẳng đứng với sự trợ giúp của một chiếc Turborotor tròn chạy bằng động cơ phản lực. Hướng lực đẩy xuống phía dưới tạo ra hiệu ứng mặt đất, khiến máy bay có thể bay lơ lửng trong không trung ở độ cao thấp còn lực đẩy trực tiếp vào phía sau làm cho chiếc đĩa bay về phía trước. Jack Frost tin rằng chiếc máy bay hình đĩa đó sẽ có thể cất và hạ cánh thẳng đứng đồng thời đạt tốc độ siêu thanh.

Giới chức quốc phòng Canada khi đó đã tài trợ 400.000 USD cho cho dự án này. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không hề dễ dàng, sau 2 năm tham gia, Chính phủ Canada đã từ bỏ dự án với lý do quá tốn kém để duy trì. May mắn thay, sau khi Chính phủ Canada từ bỏ, Không quân Mỹ nhận được thông tin về dự án và thấy rằng nó có triển vọng đáp ứng được nhu cầu của họ. Quân đội Mỹ khi đó muốn có một máy bay trinh sát có thể hoạt động trong mọi địa hình, đảm nhiệm các nhiệm vụ vận chuyển và trinh sát.

Trong khi đó, Không quân Mỹ muốn có một máy bay phản lực có thể cất và hạ cánh thẳng đứng, có thể tránh radar của kẻ thù bằng cách bay ở độ cao thấp và sau đó chạy trốn với tốc độ siêu thanh. Hai nhu cầu này là khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ chiếc máy bay hoạt động trên cơ chế hiệu ứng Coanda (một nguyên lý bẻ cong dòng không khí để tạo ra lực nâng khí động học) của Avro Canada nếu được chế tạo thành công sẽ đáp ứng được mong muốn của họ.

Do đó, vào năm 1955, Không quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 750.000 USD để hồi sinh dự án. Đến năm 1957, Mỹ rót thêm 250.000 USD cho dự án.

Thất bại

Các tài liệu được giải mật của Mỹ sau đó cho biết, sau khi tiếp quản dự án từ Canada, Mỹ đã nhanh chóng bắt tay vào việc sản xuất chiếc đĩa bay của họ.

Theo tài liệu, chiếc đĩa bay của không quân Mỹ đã được thiết kế để đạt tới tốc độ Mach 4, tức tốc độ gấp 4 lần vận tốc âm thanh, có thể hoạt động ở độ cao trên 30.480m và có tầm bay khoảng 1.850km. Thiết kế khí động học của chiếc đĩa bay VZ-9 rất khác thường, với một động cơ phản lực ở trung tâm chiếc đĩa. Hiệu ứng Coanda cũng được áp dụng  vào việc trong thiết kế. Theo nguyên mẫu, đĩa bay của Mỹ có đường kính 5,5m; có chiều cao 1,07m và có trọng lượng gần 1,4 tấn; tải trọng tối đa khi cất cánh đạt hơn 2,5 tấn.

Quá trình cất cánh, bay và hạ cánh được kiểm soát bởi hệ thống điều khiển lực đẩy của luồng không khí nằm ở vòng ngoài cùng bên dưới đĩa bay. Nhờ động cơ ở trung tâm, VZ-9 có khả năng cất cánh thẳng đứng khá dễ dàng. Tháng 5/1959, chiếc đĩa bay cuối cùng cũng đã hoàn tất và được đưa vào thử nghiệm tĩnh trong hầm gió. 3 tháng sau đó, vào tháng 8/1959, chiếc VZ-9 thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Tuy nhiên, các đợt kiểm tra cho thấy, việc kiểm soát ổn định khí động học của đĩa bay rất khó khăn. Dòng khí nóng của động cơ luẩn quẩn phía dưới khiến cấu trúc khung dễ bị biến dạng do nhiệt độ. Đến tháng 4/1961, các chuyến bay thử nghiệm được nối lại sau nhiều lần cải tiến thiết kế. Ở lần thử nghiệm này, đĩa bay đã đạt được tốc độ tối đa khoảng 190km/h, nhanh hơn 3 lần so với tốc độ chỉ 56km/h trước đó nhưng các kỹ sư vẫn không thể kiểm soát ổn định khí động học cho phi cơ.

Lầu Năm Góc đã tốn nhiều công sức, tiền của cho dự án đĩa bay những vẫn không thành công.
Lầu Năm Góc đã tốn nhiều công sức, tiền của cho dự án đĩa bay những vẫn không thành công.

Vấn đề này khiến chiếc đĩa bay liên tục chòng chành và mất kiểm soát, đặc biệt là khi di chuyển với tốc độ cao. Phi công mất 5 giây để xoay máy bay sang trái 90 độ, nhưng cần đến 11 giây để chuyển sang phải. Nhà sản xuất thuyết phục Không quân Mỹ rằng họ sẽ nỗ lực cải thiện vấn đề. Tháng 9/1961, VZ-9 tiếp tục bay thử nghiệm để Không quân Mỹ đánh giá.

Tuy nhiên, ở lần này, chiếc đĩa bay thậm chí không thể cất cánh khỏi mặt đất, độ cao lớn nhất mà nó đạt được đến chỉ chưa đầy 1m. Tốc độ của máy bay cũng chỉ đạt 56km/h. Đến tháng 12/1961, khi những trục trặc được phát hiện trong quá trình thử nghiệm vẫn không được loại bỏ, Lầu Năm Góc chính thức ngưng tài trợ kinh phí cho dự án này.

Theo một số nguồn tin, tổng số tiền mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi cho dự án này lên đến 10 triệu USD, tương đương khoảng 80 triệu USD hiện nay. VZ-9 chính thức thất bại. Dù vậy nhưng dự án này vẫn đã tạo tiền đề cho sự phát triển của các tàu khí đệm về sau. Các nguyên mẫu của 2 chiếc Boeing YC-14 và McDonnell Douglas YC-15 sau này đều dựa trên các nghiên cứu của dự án.

Đặc biệt, hệ thống quạt nâng trung tâm của phiên bản F-35B cất cánh thẳng đứng được cho là cũng đã ứng dụng một số công nghệ từ chương trình. Trong số 2 mẫu Avrocar đã được sản xuất và thử nghiệm, một mẫu hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Vận tải Quân đội Mỹ ở bang Virginia, còn một mẫu khác được trưng bày tại tại Bảo tàng Quốc gia Không quân Mỹ ở Dayton, bang Ohio.

Ngoài ra, dự án thất bại này cũng được cho là đã góp phần thêu dệt thêm những câu chuyện huyền bí về UFO. Những người thuộc trường phái trọng chứng cứ cho rằng những hình ảnh mà người ta vẫn đồn đoán là hình ảnh các vật thể bay không xác định thực chất chính là chiếc máy bay hình đĩa được Mỹ tiến hành thử nghiệm tại một căn cứ bí mật.

Những người này cho rằng một loạt các vụ tai nạn đĩa bay được báo cáo trong những năm 1950 cũng được cho là kết quả của hàng loạt thí nghiệm bí mật của Mỹ trong thời gian này. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản bác lại luồng quan điểm này bởi các vụ việc phát hiện UFO thực chất đã được báo cáo trước khi dự án mật của Mỹ tiến hành hàng chục năm.

Cập nhật: 07/05/2020 Theo baophapluat
  • 2.781