Triều đình thời phong kiến có quy định, các hoàng tử và công chúa sau khi sinh ra sẽ không được mẹ ruột nuôi dưỡng. Họ sẽ do các bảo mẫu hay còn gọi là nhũ mẫu chăm sóc.
Sở dĩ có yêu cầu này là bởi 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thời phong kiến, chỉ có những nhà giàu có, quyền quý mới có thể thuê bảo mẫu. Vì vậy, việc thuê bảo mẫu về chăm sóc cho con cháu trong nhà cũng giống như một cách thể hiện sự giàu có, dư dả.
Thứ hai, dù những gia đình giàu có tiền bạc để bồi bổ dinh dưỡng cho phụ nữ mới sinh nhưng không phải ai cũng đủ sữa để cho con bú. Do đó, họ sẽ phải thuê vú nuôi để con đủ sữa ăn no và khỏe mạnh.
Thứ ba, thời đại phong kiến là thời đại trọng nam khinh nữ. Cuộc sống của người phụ nữ phụ thuộc vào chồng. Sau khi sinh con xong, họ phải tìm cách nhanh chóng phục hồi cơ thể để còn tiếp tục hầu hạ chồng, nếu không sẽ bị coi là mang tội.
Đối với những gia đình giàu có, nhiều thê thiếp thì việc này càng được coi trọng. Nếu người phụ nữ bận chăm sóc con cái, không quan tâm đến chồng thì khả năng bị thất sủng càng cao.
Các phi tần sau khi sinh con sẽ đưa cho bảo mẫu chăm sóc. (Ảnh: Sohu)
Thứ tư, tranh đấu trong cung càng khủng khiếp hơn so với những gia đình thường dân khác. Các phi tần hạ sinh hoàng tử hoặc công chúa thì địa vị cũng sẽ được nâng cấp, trọng vọng hơn nhiều. Nếu người đó sinh được con trai thì cơ hội một bước thành mẫu nghi thiên hạ càng lớn.
Vì thế, để đề phòng các thế lực chính trị lôi kéo và thâu tóm, triều đình đã đưa ra quy định không để các hoàng tử, công chúa theo mẹ ruột mà do bảo mẫu chăm sóc riêng.
Theo sử sách ghi lại, vua Phổ Nghi thời nhà Thanh có một nhũ mẫu tên Vương Tiều thị. Bà sinh ra trong gia đình bần nông, rất nghèo khó. Vương Tiều thị vì cần tiền nên xin vào triều đình làm nhũ mẫu cho Phổ Nghi.
Làm bảo mẫu cho hoàng tử và công chúa không hề dễ dàng, trái lại rất cực nhọc. (Ảnh: Sohu).
Để được làm nhũ mẫu cho tiểu hoàng đế, Vương Tiều thị phải tuân thủ hàng loạt quy tắc khắt khe. Đầu tiên bà phải ăn chân giò luộc không có gia vị mỗi ngày. Dù có ngấy tới buồn nôn, bà buộc phải ăn để có đủ sữa cho Phổ Nghi.
Tiếp theo, Vương Tiều thị tuyệt đối không được gặp con gái dù con bà mới sinh không lâu. Lý do mà hoàng cung đưa ra là bởi họ sợ Vương Tiều thị sẽ cho con gái bú sữa và khiến tiểu hoàng đế không đủ sữa ăn. Sau đó, con gái của bà đã chết vì thiếu sữa mẹ. Điều vô nhân tính hơn là triều đình đã giấu Vương Tiều thị chuyện con gái đã mất vì sợ tinh thần bà bị ảnh hưởng khiến chất lượng sữa cho vua không đảm bảo.
Qua câu chuyện của Vương Tiều thị, chúng ta có thể thấy việc làm bảo mẫu cho tiểu hoàng đế, hoàng tử hay công chúa đều không hề dễ dàng mà vô cùng khổ cực. Thế nhưng, chính Vương Tiều thị dù biết khổ nhưng vẫn làm cũng bởi vì cần tiền. Nhiều người cũng giống như bà, vì mưu sinh mà phải tranh nhau tới “sứt đầu mẻ trán”.