Vì sao loài chim không có răng?

  •   3,514
  • 6.229

Các loài chim hiện đang sinh sống trên Trái Đất đều không có răng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và khám phá về sự thật thú vị này.

Mỏ của chim là một thứ rất hấp dẫn các nhà khoa học nghiên cứu. Nó có thể nhọn hoặc cùn, sáng màu hoặc tối màu, nhỏ hoặc to nhưng đều phục vụ mục đích cụ thể của chủ nhân sở hữu. Mỏ có thể là công cụ để chim xé nát thịt, đập vỡ hạt cứng, nhấm nháp mật hoa một cách tinh tế... Nói chung, với chiếc mỏ của mình, chim có thể làm được rất nhiều điều, ngoại trừ việc nhai thức ăn. Lý do đơn giản và vì mỏ của tất cả các loài chim hiện đại đều không có răng.

Trước tiên, hãy quay về khoảng thời gian cách đây 65 triệu năm về trước. Ở thời điểm đó, một thiên thạch có kích thước khổng lồ đã va chạm vào Trái Đất và gây ra một vụ đại tuyệt chủng. Bởi vì, sau biến cố này, có khoảng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài đã hoàn toàn biến mất trên hành tinh xanh.

Ngoài ra, sự kiện này còn kết thúc thời kỳ thống trị của các chi khủng long to lớn như: Tyrannosaurus (chi khủng long bạo chúa) hay Triceratops (chi khủng long 3 sừng)... Thậm chí, vào thời điểm đó, thảm họa tuyệt chủng đã khiến Trái Đất trở nên vô cùng đáng sợ với những cơn mưa axit, bầu khí quyển bị ô nhiễm bởi khói, bụi của núi lửa.

Tuy nhiên, điều này lại mở ra con đường cho sự phát triển của các loài động vật có vú, các loài chim có răng và tổ tiên của loài chim hiện nay (phân nhóm Maniraptoran - họ khủng long bao gồm cả chim) trở thành những kẻ thống trị trên mặt đất thời bấy giờ.

Tổ tiên cuối cùng của loài chim hiện nay đã thoát khỏi nạn diệt vong nhờ vào chế độ ăn hạt.
Tổ tiên cuối cùng của loài chim hiện nay đã thoát khỏi nạn diệt vong nhờ vào chế độ ăn hạt, còn đồng loại có răng và ăn thịt bị tuyệt chủng do khan hiếm nguồn thức ăn.

Thế nhưng, đến thời kỳ chuyển tiếp từ kỷ Phấn Trắng sang kỷ Paleogen (kỷ Cổ Cận), tất cả các loài chim có răng đều đột ngột chết sạch. Theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học do thạc sĩ Derek Larson thuộc trường đại học Toronto (Canada) dẫn đầu, nguyên nhân dẫn đến việc này là do nguồn thức ăn khan hiếm, khiến các loài có răng, ăn thịt bị diệt vong, chỉ còn các loài có mỏ, không răng, ăn hạt như tổ tiên của loài chim hiện nay mới sống sót.

Để minh chứng cho điều này, nhóm khoa học kể trên đã thực hiện nghiên cứu trên 3.104 mẫu răng từ 4 nhóm Maniraptoran được khai quật trên khắp miền tây Bắc Mỹ. Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận rằng, chế độ ăn của các loài chim có răng là thịt, nên trong điều kiện khan hiếm thức ăn vì Trái Đất ô nhiễm, những loài này chắc chắn không có cơ hội để sống sót.

Trong khi đó, các loài chim không răng, có mỏ và chúng có thể ăn được các loại hạt. Điều đó giúp chúng thoát khỏi tình trạng diệt vong. "Những con khủng long thuộc nhóm Maniraptoran đã sống rất tốt qua 18 triệu năm cho đến cuối kỷ Phấn Trắng. Tại đây, các loài chim có răng đã đột ngột bị diệt vong do không có nguồn thức ăn" - Thạc sĩ Derek Larson cho biết.

Như vậy, các loài chim hiện nay đều không có răng là do tổ tiên của chúng đã sống sót qua nạn đại tuyệt chủng nhờ vào chế độ ăn hạt. Nếu chúng có răng nhỏ và ăn thịt, chúng sẽ tuyệt chủng giống như các loài có răng thuộc nhóm Maniraptoran và sẽ không có loài chim như ngày nay.

Nghiên cứu được công bố trên tại chí Current Biology vào cuối tuần qua.

Cập nhật: 08/01/2024 Theo khoahocphattrien/VnReview
  • 3,514
  • 6.229