Vì sao MySpace bị ..."thất sủng"

  •  
  • 415

MySpace đã thành công quá lớn và quá nhanh tới mức trở thành hiện tượng của tuổi teen toàn thế giới. Nhưng đó là cách đây một năm.

Năm ngoái, MySpace "hot" tới mức News Corp đã chi tới 580 triệu USD mua lại nó mà chẳng hề chớp mắt. Ngay đến Google cũng ký một hợp đồng trị giá 900 triệu USD chỉ để quảng cáo với MySpace. Nhưng thực tế là rất nhiều thanh thiếu niên Mỹ đã hết hào hứng với địa chỉ la cà một thời này.

"Tôi nghĩ là nó đã thoái trào. Rất nhiều bạn bè của tôi đã xóa profile của họ trong MySpace và chuyển sang Facebook", Birnbaum, một học sinh cấp II cho biết. Bản thân Birnbaum giờ đây cũng dành nhiều thời gian tỉa tót cho profile của mình bên Facebook hơn.

Bạn cùng lớp của Birnbaum, cô bé E.J.Kim cũng nhảy từ thái cực này sang thái cực kia. Cách đây 3 tháng, cô bé dành 4 tiếng mỗi ngày để chăm chút cho không gian nhỏ bên MySpace của mình - trang trí nó, post bài và ảnh của bạn bè..... Nhưng Kim cho biết cô vừa xóa sạch tất cả. "Tôi thấy chán rồi, nó thật và vô vị và vô ích", Kim nói.

Cả thèm chóng chán

Đó chính là cuộc sống của tuổi teen trên mạng Internet: Cả thèm chóng chán. Chỉ trong thời gian vài tháng, một website có thể thu hút tới hàng chục triệu thành viên, nhưng cũng trong một khoảng thời gian nhanh chả kém, từng ấy con người lại lũ lượt kéo nhau ra đi. Giới đầu tư sửng sốt không còn biết phải đầu tư vào địa chỉ "nóng" nào nữa.

Nguồn: Cnet
Có thể nói MySpace là một trong những website thành công vang dội nhất vài năm trở lại đây, khi lưu trữ tới 124 triệu profile và thay đổi cuộc sống online của tuổi teen toàn cầu trong suốt 2 năm 6 tháng. Website này là sự kết hợp của nhật ký cá nhân, chương trình email và album ảnh, nơi mọi nội dung đều có thể sẻ chia với bạn bè.

Một thước đo quan trọng cho thấy mức phổ biến của website là thời lượng mà người dùng lang thang trong đó. Nghiên cứu ở lứa tuổi teen trong một thời gian dài, người ta nhận thấy con số này lên xuống, trồi sụt liên tục.

Lấy thí dụ như Xanga, mạng xã hội ảo từng rất nổi trước khi MySpace xuất hiện. Vào thời điểm tháng 10/2002, một thành viên Xange dành trung bình 1 tiếng 39 phút mỗi tháng truy cập vào đây. Nhưng đến tháng 9 vừa qua, con số này chỉ còn lại có... 11 phút.

Tương tự, Friendster, một địa chỉ thuộc hàng "cố nhân" khác đạt 1 giờ 51 phút ở thời điểm đỉnh cao (tháng 10/2003) nhưng nay tụt xuống còn vẻn vẹn 7 phút.

So với cả Xanga lẫn Friendster thì MySpace luôn tỏ ra vượt trội. Trong suốt 18 tháng đầu tiên, hãng luôn duy trì ở mức 2 giờ 25 phút. Nhưng bước sang năm nay, thời lượng này đã giảm xuống còn hai giờ.

Sự trung thành không tồn tại

Giới phân tích cho rằng rất khó để trói chân công chúng mạng được lâu. Phần lớn các dịch vụ đều miễn phí mà thời gian người dùng thì có hạn, site nào cũng muốn giành giật người dùng, muốn họ dừng chân tại mình lâu hơn, từ đó thu hút dòng tiền quảng cáo khổng lồ. Mà từ trước tới nay, lịch sử đã chứng minh công chúng quay lưng lại với bất cứ dịch vụ nào mà chẳng cần có lý do cụ thể.

Lớp học của E.J.Kim có đưa ra một số lý do khiến các em quay lưng lại với MySpace: Kẻ xấu đã tìm đến website này và tiến hành nhiều hành vi phạm tội; giáo viên và phụ huynh giám sát các em từng bước nhưng quan trọng nhất, đã xuất hiện thêm rất nhiều dịch vụ miễn phí mới hấp dẫn hơn.

Tuổi thọ ngắn ngủi của MySpace đang là nỗi ám ảnh đè nặng lên tim của Google, khi mà hồi đầu tháng, hãng này vừa chi tới 1,65 tỷ USD cổ phiếu để mua lại YouTube, trang web chia sẻ video số một thế giới hiện nay. Google hy vọng thông qua YouTube sẽ thiết lập được một khối lượng người dùng trung thành.

"Ồ, vấn đề là làm gì có sự trung thành cơ chứ. Trước MySpace đã từng có Xanga, rồi trước Xanga thì có Friendster, MiGente và Black Planet. Trong lòng giới trẻ, MySpace hấp dẫn hơn một chút nhưng cũng chẳng khác là mấy", nhà phân tích Ben Bajarin của Creative Strategies nhận định.

Người dùng trẻ không ngừng tìm kiếm những tính năng mới, sáng tạo. Họ không ngừng săn lùng những dịch vụ khác nhau. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy đứng đầu danh sách được dân teen truy cập nhiều nhất tháng trước là Snapvine.com, PLyrics.com và Picgames.com - Chưa một site nào trong 3 cái tên này xuất hiện trong Top 10 của tháng 4, càng không có trong danh sách của 1 năm trước.

Mất an toàn

Để tránh rơi vào tình trạng bị ghẻ lạnh và thất sủng như những kẻ tiền nhiệm, MySpace không ngừng mở ra các dịch vụ mới như di động và video, đồng thời bành trướng ra phạm vi toàn cầu. Trung bình mỗi ngày, MySpace vẫn có thêm 320.000 profile mới và họ hy vọng sẽ duy trì được tình hình này trong một thời gian nữa.

Nhưng muốn vậy, MySpace cần phải trấn an được các thành viên của nó về bảo mật và riêng tư cá nhân - hai nỗi lo đang bao phủ không chỉ dân teen mà còn cả các bậc phụ huynh và giáo viên. Mùa hè vừa qua, cô bạn Chrissy Quantrille của Birnbaum phát hiện thấy một kẻ lừa đảo đã lấy ảnh trong profile trên MySpace của mình, dựng lên một trang web giả và thậm chí còn dùng nó để "cưa cẩm" một cậu học sinh ở California.

"Thật là bỉ ổi. Ngươi đang làm cái trò gì vậy", Quantrille cố gắng liên lạc với kẻ giả mạo. Cô cũng gửi tin nhắn cảnh báo tới cho cậu học sinh kia và cùng với bạn bè gửi đơn tố cáo tới MySpace, yêu cầu site này hạ ngay trang web giả mạo kia xuống.

Thế nhưng một site giả mạo Quantrille khác lại tái xuất giang hồ cách đây 3 tuần và lần này thì cô bé ngán ngẩm đến tận cổ. Quantrille tuyên bố chuyển sang Facebook và bạn bè cô bé cũng vậy. Điều kiện khi đăng ký thành viên ở Facebook là bạn phải kê khai địa chỉ email của trường học hoặc công ty đang làm việc nên có vẻ an toàn hơn.

Trọng Cầm

Theo Washington Post, VietNamNet
  • 415