“Sài Gòn sáng nắng chiều mưa”, "Sài Gòn mưa rồi chợt nắng"... Vì sao vậy? Dưới đây là lý giải khoa học của Th.S Lê Thị Xuân Lan, một trong những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thời tiết, khí tượng, thủy văn tại TP.HCM.
Việt Nam nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới với hai mùa gió trái ngược nhau đem đến kiểu thời tiết hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa. Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau những đợt không khí lạnh tràn về miền Bắc rồi tới miền Trung, nhiệt độ giảm và vào mùa giá rét ở miền Bắc.
Ở miền Trung vừa rét lại vừa mưa do phía bắc thì không khí lạnh về, sườn phía đông dãy Trường Sơn đón gió mùa đông bắc với ẩm do các nhiễu động từ biển vào. Còn miền Nam bắt đầu vào mùa khô với lượng ẩm giảm nhanh và nắng tăng dần, đặc biệt là sau ngày Xuân phân 21/3, cường độ này tăng mạnh bắt đầu vào giai đoạn nắng nóng gay gắt.
Vào cuối tháng 4, có nhiều cơn mưa đổ xuống bất ngờ khiến người đi đường nhiều khi không kịp trở tay. (Ảnh: Quang Niên).
Vào cuối tháng 4, thời tiết bắt đầu trở nên "đỏng đảnh" khi ban ngày thì trời nóng và rất oi bức, sau 15-16h chiều, trời bắt đầu kéo mây và những cơn mưa chuyển mùa xuất hiện. Trong giai đoạn này, những cơn mưa đổ xuống bất ngờ, trời chợt nắng chợt mưa, người dân có khi không kịp trở tay.
Nhưng phải chờ đến khi có những cơn gió có hướng Nam, Tây Nam còn gọi là gió mùa mùa hè hay gió mùa Tây Nam thổi tới đều thì mùa mưa mới thật sự bắt đầu.
Đặc thù của kiểu thời tiết ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng là sáng nắng chiều mưa do ở vùng vĩ độ thấp hơn, gần với xích đạo hơn, lượng bức xạ mặt trời cao hơn.
Về hoàn lưu khí quyển thì đây là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gió mùa Tây Nam đem theo nguồn hơi ẩm từ vịnh Bengal (Ấn Độ Dương), vịnh Thái Lan, nam Biển Đông vào nên buổi sáng thì nắng nhiều, đến trưa mây đối lưu phát triển nhanh nên mưa thường xảy ra vào buổi chiều và tối.
Trong giai đoạn đầu mùa mưa, người dân cần chú ý đề phòng dông sét và lốc xoáy. (Ảnh: Quang Niên).
Cũng có những đợt mưa bất thường, mưa cả ngày lẫn đêm, hoặc mưa lúc gần sáng là khi có các hình thế thời tiết đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Bộ như nhiễu động sóng đông, dải hội tụ, bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào. Mưa to diện rộng có thể gây ra ngập úng, lũ lụt… nhất là khi trùng với lúc có đỉnh triều cường ở mức cao, thường là trong các tháng cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11-12.
Hiện nay mùa mưa ở các tỉnh miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng chỉ mới bắt đầu, trong giai đoạn này chú ý đề phòng dông sét và lốc xoáy. Khi thấy bầu trời có mây đen kéo đến, nghe tiếng gió rít, tiếng sấm rền, cần nhanh chóng rời xa những vật dụng có kim loại, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Những khi mưa to cần đề phòng nguy hiểm do cây gãy cành, cột điện… ngã đổ do lốc xoáy.