Vì sao sự trả thù lại ngọt ngào?

  •  
  • 2.197

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy hả hê mỗi khi trả thù được ai đó. Nhờ công nghệ hiện đại ngày nay, các nhà khoa học đã có thể lý giải được nguyên nhân của hiện tượng này.

Kết quả một công trình nghiên cứu chuyên sâu về các hoạt động của bộ não cho thấy con người chúng ta luôn có cảm giác thỏa mãn mỗi khi được trừng phạt người khác về những hành vi không hay mà họ đã làm với mình. Các nhà khoa học khám phá ra rằng chính sự trông đợi được tận hưởng cảm giác hả hê này mới là động lực thúc giục hành vi trả thù của chúng ta.

Chi tiết cuộc nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Science, góp phần lý giải ham muốn trả thù của con người. Các nhà khoa học gọi đó là “sự trừng phạt vị tha”: tại sao chúng ta luôn muốn trách cứ hoặc trả đũa những kẻ đã lợi dụng mình, vi phạm các nguyên tắc xã hội hoặc làm sụp đổ lòng tin của chúng ta, kể cả khi việc trả thù chẳng mang lại lợi lộc gì về mặt vật chất cho chúng ta cả?

Vì sao sự trả thù lại ngọt ngào?

Khi một người bị lừa dối hoặc phản bội, họ ngay lập tức bị chìm ngập trong những cảm xúc tiêu cực”, nhà khoa học Ernst Fehr phát biểu. Ông là Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế học thuộc trường Đại học Zurich (Thụy Sỹ) và là một thành viên của nhóm nghiên cứu. “Người đó sẽ càng cảm thấy tồi tệ hơn nếu kẻ phản bội không bị trừng phạt bởi những gì họ vừa gây ra” - Ernst Fehr tiếp lời.

Xã hội loài người không giống như thế giới của các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Xã hội chúng ta được xây dựng dựa trên sự phân công lao động và sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa những nhóm người không nhất thiết phải cùng huyết thống. Fehr và các cộng sự cho rằng, cảm giác hả hê thỏa mãn mỗi khi trừng phạt người khác thực chất lại là một trong những chất keo gắn kết mọi người với nhau.

“Các bằng chứng lý thuyết lẫn thực nghiệm đều cho thấy hành vi trừng phạt vị tha là một cách đảm bảo sự suôn sẻ trong các hoạt động hợp tác và phối hợp lẫn nhau giữa những người không quen biết nhau", Fehr giải thích. “Con người khó lòng làm việc với nhau nếu không có các quy định về thưởng phạt. Mọi sự hợp tác chỉ có thể diễn ra tốt đẹp khi những kẻ gây rối được trừng trị đích đáng".

Brian Knutson, nhà tâm lý học công tác ở Đại học Stanford (Palo Alto, California) miêu tả hiện tượng này là “một hành vi cảm xúc tinh tế, hay nói trắng ra là sự sung sướng trên nỗi đau của kẻ khác".

Kết quả nghiên cứu từ máy xạ hình PET

Các nhà khoa học đã theo dõi sự tuần hoàn máu trong não bộ của các đối tượng nghiên cứu bằng kỹ thuật PET (ghi hình cắt lớp positron). Họ tiêm một dịch lỏng vô hại có thể hiện hữu trên màn hình PET vào mạch máu của các đối tượng nghiên cứu để theo dõi sự lưu thông máu trong não. “Các dòng máu lên não tập trung ở một vài vùng não nhất định, hấp thu nhiều ô-xy và hoạt động mạnh mẽ hơn những vùng não khác”, nhà nghiên cứu Dominique de Quervain tường thuật. Ông là nhà thần kinh học thuộc Đại học Zurich.

Vì sao sự trả thù lại ngọt ngào?

Nhóm nghiên cứu yêu cầu các đối tượng nghiên cứu là nam giới tham gia một trò chơi mà trong đó, người chơi có nhiệm vụ trao đổi tiền cho nhau. Nếu một người chơi nào đó dùng các hành vi gian lận để nhận được nhiều tiền hơn người khác và bị phát hiện, anh ta sẽ phải chịu phạt. Các nhà nhiên cứu dùng thiết bị PET để theo dõi các hoạt động trong não bộ của những người chơi trong suốt quá trình tham gia.

Khi người gian lận bị phát hiện, hầu hết những người chơi khác đều đồng ý phải có hình phạt cho anh chàng này, kể cả khi hành động trừng phạt đó khiến họ phải mất đi một phần số tiền mình kiếm được. Nhờ đó mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra một vùng não hoạt động nhiều nhất trong suốt quá trình những người chơi thực hiện hình phạt lên kẻ gian lận: đó là vùng vân lưng (dorsal striatum). Nhiều nghiên cứu khoa học trước đó cũng thống nhất rằng đây chính là vùng não chịu trách nhiệm cho những cảm giác vui sướng và hả hê của con người trong cuộc sống.

Quá trình theo dõi não bộ bằng kỹ thuật PET cũng cho thấy mối tương quan giữa hoạt động não của một người với mức độ trừng phạt mà người đó muốn áp đặt lên kẻ gian lận: Những người nào có vùng vân lưng trong não hoạt động mạnh hơn thì sẵn sàng chịu bỏ ra nhiều tiền hơn để được áp dụng hình phạt nặng hơn lên kẻ gian lận.

“Chúng tôi thu được một kết quả tuyệt vời rút ra từ cuộc nghiên cứu này: Tính chất đa dạng trong hoạt động của vùng vân lưng chính là một yếu tố quyết định sự khác biệt trong hành vi của mỗi con người", nhà nghiên cứu Fehr phát biểu. “Những người nào có vùng vân lưng kém linh hoạt thì không mấy quan tâm đến việc trừng phạt người khác”.

Sự cân bằng cảm xúc

Theo nhà tâm lý học Knutson đến từ Đại học Stanford, trừng phạt có thể là một hành vi vô tình hoặc tàn nhẫn đối với nhiều người. Nhưng trong một nghiên cứu của mình, Knutson đã có một sự lý giải bất ngờ về hành vi nghe có vẻ nhẫn tâm này, “Chỉ có đam mê mới sản sinh ra hành vi trả thù. Những người lý trí, máu lạnh và toan tính thực sự không thích trả thù”.

Vì sao sự trả thù lại ngọt ngào?

Nhà khoa học Fehr cũng đồng tình rằng đam mê đóng một vai trò đáng kể trong hành vi trừng phạt hay trả thù. “Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi lại không có dấu hiệu nào cho thấy đam mê tác động lên lý trí trong hành vi trừng phạt”, ông nói. “Kỳ thực, tôi tin rằng cuộc nghiên cứu này đã cho thấy rằng con người chúng ta dùng lý trí để quản lý những cảm xúc của mình", ông nói.

Công trình nghiên cứu của Fehr đã chứng minh rằng hoạt động của vùng vân lưng trong não phản ánh những cảm giác hả hê hài lòng của con người mỗi khi được trừng phạt ai đó vì những hành vi xấu xa hoặc vượt khỏi chuẩn mực xã hội của họ. Mức độ hoạt động của vùng vân lưng càng mạnh, con người càng háo hức với hành vi trả thù.

Tuy nhiên, bên cạnh vùng vân lưng, còn có một vùng não khác cũng linh hoạt trong suốt quá trình nghiên cứu là vùng tiền não thùy (prefrontal cortex). Vùng não này được kích hoạt khi các đối tượng nghiên cứu cân đo đong đếm được mất giữa việc trừng phạt kẻ gian lận và số tiền họ phải bỏ ra để làm việc đó.

Kết quả thử nghiệm cho thấy nếu sự trừng phạt càng làm tốn tiền của những người trừng phạt nhiều bao nhiêu thì hình phạt thực tế càng được giảm nhẹ bấy nhiêu. “Do vậy, đây là một hành vi hoàn toàn lý trí”, Fehr kết luận. “Con người luôn nghĩ đến sự được mất giữa cảm giác hả hê khi trả thù thành công và cái giá họ phải đánh đổi để thực hiện được hành vi trả thù đó”.

Còn theo nhà nghiên cứu de Quervain, những hiểu biết về vai trò của vùng tiền não thùy trong các hành vi trừng phạt và trả thù sẽ giúp cho các nhà khoa học hiểu hơn về những chứng rối loạn tâm thần liên quan đến những hành vi xã hội bất bình thường hoặc tệ nạn nghiện ngập ở con người.

“Những khiếm khuyết về mặt chức năng trong vùng tiền não thùy sẽ dẫn đến những chứng rối loạn tâm thần mà trong đó, người bệnh không có khả năng nhận thức được hậu quả của những hành động mình gây ra”, de Quervain phát biểu.

Theo SKĐS
  • 2.197