Vì sao ta hiểu được ngôn ngữ lạ ngay lần đầu tiếp xúc?

  •  
  • 904

Bạn đã bao giờ trải qua việc bỗng nhiên bạn có thể hiểu được nghĩa của một số từ trong tiếng nước ngoài, kể cả khi bạn chưa từng nói hay được dạy về ngôn ngữ đó?

Tại sao ta có thể hiểu được một ngôn ngữ lạ ngay lần đầu tiếp xúc?

Có một cách giải thích cho hiện tượng này. Đó là do cách các tế bào não được cấu trúc và hệ thống. Thực tế, khi chúng ta còn nhỏ, các tế bào não cấu tạo theo cách thức giúp chúng ta dễ dàng thấu hiểu được “âm thanh tượng trưng” (sound symbolism). Nhưng khi chúng ta lớn lên, chúng ta dần mất đi khả năng này và lúc đó chúng ta bắt đầu học về thứ ngôn ngữ đầu tiên – tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Trong một báo cáo gần đây cho thấy rằng, phần lớn những người tham gia làm thí nghiệm kiểm tra đều có thể đoán đúng được nghĩa của những từ ngữ tiếng nước ngoài mà họ chưa từng biết. Bài kiểm tra sẽ cho mỗi người 2 từ và 2 nghĩa khác nhau.

Xu hướng này vẫn tiếp tục đúng kể cả khi đó là những từ ngữ chưa từng được xuất hiện. Trong một cuộc kiểm tra ngôn ngữ học nổi tiếng, các nhà khoa học gán cho những vật có hình dạng tròn với cụm từ do tự họ đặt ra là “baluma” và những vật có hình dạng nhọn với cụm từ “takete”. Khi những người tham gia thí nghiệm suy nghĩ về những cụm từ này, trong não bộ của họ sẽ có xu hướng chọn những vật tròn là “baluma” và những vật nhọn là “takete” đúng như ý định ban đầu của các nhà khoa học dù cho những người thí nghiệm không hề được biết trước nghĩa được gán cho của các cụm từ này. Tương tự, những người tham gia thí nghiệm cũng sẽ có xu hướng chọn từ “tobi” để miêu tả những vật có kích thước lớn, trong khi từ “kekere” để miêu tả những vật thể nhỏ. Nói một cách khác, chiều và kích thước của vật thể có vẻ như đã được thể hiện trong chính bản thân âm thanh phát ra của ngôn từ chứ không phải là nghĩa của ngôn từ.

Nhưng tất cả những điều này đã diễn ra như thế nào? Trong lĩnh vực âm thanh tượng trưng (sound symbolism), chính bản thân âm thanh và giai điệu của ngôn từ đã đủ để chúng ta có thể hiểu được nghĩa của chính ngôn từ đó. Điều này dựa trên cách thức não chúng ta sắp xếp âm thanh để tạo thành ngữ nghĩa. Nói một cách cơ bản nhất, hoạt động của “âm thanh tượng trưng” phản ánh chuyển động của miệng khi chúng ta phát âm ra những từ ngữ khác nhau.

Vì sao ta hiểu được ngôn ngữ lạ ngay lần đầu tiếp xúc?
Khi chúng ta còn nhỏ, các tế bào não cấu tạo theo cách thức giúp chúng ta dễ dàng thấu hiểu được “âm thanh tượng trưng” (sound symbolism).

Trong phạm vi chi tiết, ví dụ như lớn/nhỏ, âm thanh của các ngôn ngữ tượng trưng sẽ thể hiện kích thước và các tính chất vật lý thông qua cách phát âm ra những từ ngữ đó. Đây là một lĩnh vực trong ngôn ngữ học nổi bật bởi tính giới hạn hình hiệu (termed iconicity). Ví dụ, khi chúng ta nói “grand” (tiếng Pháp, có nghĩa là to lớn), miệng của chúng ta sẽ mở to như mô phỏng lại kích thước của vật thể mà chúng ta đang muốn đề cập. Tương tự, khi chúng ta nói “petit”, dải âm thanh phát ra từ miệng chúng ta sẽ co lại, tạo thành cảm giác gợi nhớ về một vật thể nhỏ bé.

Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó, một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên hệ giữa “cảm giác kèm” (synaesthesia) và “âm thanh tượng trưng”. Cảm giác kèm là một hiện tượng ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số trên thế giới, xảy ra khi kích thích một đường thụ cảm hoặc nhận thức sẽ dẫn đến phản ứng kích thích của một đường thụ cảm hoặc nhận thức khác.

Trong lĩnh vực ngôn ngữ, những người có hiện tượng “cảm giác kèm” khi nghe một từ ngữ nào đó sẽ tự động nhìn thấy màu sắc hoặc nếm được mùi vị hoặc mùi hương. Những liên kết chéo trong não chịu trách nhiệm cho hiện tượng “cảm giác kèm” được các nhà khoa học cho là gây ra sự tăng lên số lượng sợi dây thần kinh trong não. Những sợi thần kinh này có tác dụng liên kế những vùng riêng biệt trong não bộ lại với nhau.

Nghiên cứu cho thấy rằng, ở những người có hiện tượng cảm giác kèm rất tốt trong việc đoán những từ trong các ngôn ngữ chưa biết trong phạm vi lớn/nhỏ, ồn ào/yên lặng. Trong khi ở nhóm người không có cảm giác kèm lại tốt về đoán nghĩa trong phạm vi trên/dưới, sáng/tối.

Nhưng những người có hiện tượng cảm giác kèm sẽ đoán nghĩa của từ tốt hơn so với những người không có hiện tượng này. Các nhà khoa học cho rằng giữa chứng cảm giác kèm và âm thanh tượng trưng có sự liên quan với nhau. Chứng cảm giác kèm sẽ thúc đẩy mức độ nhạy cảm của hiện tượng âm thanh tượng trưng bên trong cơ thể chúng ta. Quá trình này sẽ kết nối phần thính giác và thị giác, kết hợp cùng những liên kết thần kinh chéo của hiện tượng cảm giác kèm.

Các nhà khoa học dự định rằng những nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn những mối liên kết trên. Nhưng họ đã sẵn sàng kết luận rằng, ở trẻ sơ sinh có đầy đủ các liên kết não chéo, và tương tự như ở cảm giác kèm, chúng sẽ giúp tạo ra khả năng đoán nghĩa ở hiện tượng “âm thanh tượng trưng”.

Một hiện tượng lạ là khi chúng ta càng học chuyên sâu về tiếng mẹ đẻ thì những liên kết chéo càng bị tiêu biến và mức độ nhạy cảm đối với những ngôn ngữ nước ngoài sẽ càng bị giảm sút.

Các nhà khoa học cho rằng ở những người có cảm giác kèm, những liên kết chéo vẫn còn tiếp tục tồn tại cho đến lớn. Đó là do trong các gene di truyền của họ có các yếu tố làm ngăn cản quá trình tiêu biến liên kết chéo.

Theo Khampha
  • 904