Vì sao trên ban thờ ngày Tết bắt buộc phải có mâm ngũ quả?

  •  
  • 3.535

Mâm ngũ quả trên ban thờ ngày Tết không chỉ có tác dụng trang trí mà còn ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa tâm linh quan trọng trong truyền thống dân tộc ta.

Mâm ngũ quả là gì?

Mâm ngũ quả là khái niệm để chỉ một mâm trái cây với khoảng năm loại hoa quả khác nhau thường được bày biện trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Mâm ngũ quả thường được chưng, bày trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách.

Những loại trái cây này thường để thể hiện ước nguyện của gia chủ thông qua tên gọi và màu sắc cũng như cách sắp xếp chúng.

Ngày nay, khi bày biện mâm ngũ quả cho ngày Tết đã mang nhiều ý nghĩa cho trang trí không chứ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh như phong tục ngày xưa.

Quan điểm truyền thống

Ngày Tết, hầu như trên bàn thờ tổ tiên nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ trong năm mới sắp tới.

Mâm ngũ quả xuất phát từ quan niệm âm dương ngũ hành, vạn vật hòa hợp cũng trời đất. Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: "Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ".

Chúng còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên. Ngoài ra, ngũ quả còn được xem như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài của những người nông dân.

Những sản vật kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa. Để đến khi xuân sang nắng ấm, lựa dịp tốt lành mà thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Số 5 là con số rất tốt trong quan niệm phong thủy thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ.
Số 5 là con số rất tốt trong quan niệm phong thủy thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ.

Con số 5 - “ngũ” - tương ứng với ngũ hành, là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ.

Chính vì vậy, mâm ngũ quả trên bàn thờ nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.

Trong mâm ngũ quả không có quy định chuẩn cụ thể những loại quả gì, tùy từng nơi, từng vùng mà gia chủ chuẩn bị các loại quả. Chính vì vậy, ở mỗi vùng miền lại có 5 loại quả khác nhau.

Mâm ngũ quả ở 3 miền Bắc-Trung-Nam

Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất.

Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: "Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng".

Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.

  • Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống là: Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh...

Mâm ngũ quả miền Bắc.
Mâm ngũ quả miền Bắc.

  • Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn "Cầu sung vừa đủ xài" ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.
  • Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và mong muốn khác nhau, biết là nào là “đủ”, nhưng ai cũng chỉ cần đủ mà thôi.

Mâm ngũ quả miền Nam.
Mâm ngũ quả miền Nam.

  • Còn đối với miền Trung, có lẽ ở giữa nên mâm ngũ quả ở đây là sự giao thoa của 2 miền.

Hơn nữa, đất đai nơi đây cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.

Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon. Các loại quả thường thấy là: Thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Mâm ngũ quả miền Trung.
Mâm ngũ quả miền Trung.

Ý nghĩa các loại quả

  • Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
  • Phật thủ: Quả phật thủ được nhiều người lựa chọn để bày biện trong các mâm lễ cúng ngày lễ Tết hoặc dâng lên bàn thờ vào những ngày mùng 1, Rằm. Không chỉ có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu, hình dáng quả phật thủ tựa như bàn tay Phật. Điều này có ý nghĩa như cầu mong sự che chở, bình an trong cuộc sống nhiều đổi thay, đầy bất an.
  • Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.
  • Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.
  • Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
  • Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
  • Táo: Phú quý, giàu sang. Táo là loại quả được ưa chuộng khi dâng cúng mâm lễ trên bàn thờ. Trong phong thủy, táo tượng trưng cho sự dư thừa. Theo thần thoại Hy Lạp, thần Gaia đã cho nữ thần Hera quả táo khi người lấy thần Jesus. Món quà này là lời chúc phúc cho tình yêu lâu bền và sự đoàn viên vĩnh cửu. Trong văn hóa Trung Quốc, quả táo đồng âm với chữ bình trong từ bình an. Bởi vậy, táo được người ta mang tặng để chúc nhau bình an. Trong văn hóa thờ cúng, người ta cũng chọn táo để dâng cúng lên bàn thờ, gửi chân tâm mong bề trên hoan hỷ phù hộ độ trì cho sự dư dả, bình an, gia đình đoàn viên hạnh phúc.
  • Thanh long: Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.
  • Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
  • Quả trứng gà: Lộc trời cho.
  • Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.
  • Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy. Gia chủ mong muốn được sự đủ đầy, thịnh vượng trong cuộc sống lẫn sự nghiệp, trong tình yêu cũng như hôn nhân có thể dâng cúng bàn thờ gia tiên loại quả này.
  • Xoài: Màu vàng của quả xoài tượng trưng cho mệnh Kim, có xu hướng tượng trưng cho tiền bạc. Loại quả này cũng được người miền Nam bày trên bàn thờ nhiều. Quả xoài, người miền Nam thường phát âm là "xài". Điều này tượng trưng cho việc tiêu xài thoải mái, cuộc sống sung túc đủ đầy.

Những sai lầm khi bày mâm ngũ quả

Rửa quả cho sạch sẽ để bày mâm ngũ quả đẹp

Nhiều gia đình mua quả về, thường rửa cẩn thận cho quả bóng, đẹp. Song việc rửa quả sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước. Chính vì thế, chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được. Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hay mốc xanh, có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào khăn lau đều sẽ cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi.

Chọn ngay quả chín đẹp

Thông thường, mâm ngũ quả cần có trước đêm 30 Tết, và được các gia đình bày biện vào sáng hoặc chiều 30 Tết. Nhưng việc mua quả được được tiến hành sớm hơn nhiều. Do công việc, nhiều gia đình có thể mua quả từ ngày 27 - 28 Tết, thậm chí sớm hơn.

Do đó, nếu không tính đến việc mâm quả sẽ còn để từ 30 Tết đến vài ngày sau (thường là khi gia đình cúng hết Tết), mà chọn mua những quả đã chín đẹp, vừa mắt thì khi bày, quả đã có thể bị chín quá, lá héo, mũm vỏ.

Nên lựa những quả già nhưng chưa chín quá (tùy theo thời gian mua có sát ngày 30 Tết chưa). Chuối nhất định phải là chuuối xanh (để đủ cứng cáp, đỡ những quả khác và còn đảm bảo ý nghĩa màu sắc theo Ngũ Hành); Các loại quả xoài, mãng cầu, đu đủ, hồng… nên mua quả ương về bày để không bị thối. Quả dưa hấu mang tính đấng trí nhân quân tử, xanh vỏ đỏ lòng. Và dù nhiều loại hoa quả, cũng nên bày thêm quả Phật thủ, giống biểu tượng bàn tay Phật.

Những loại quả không nên bày

Loại quả có vị cay, đắng

Khi bày mâm ngũ quả ngày Tết, chú ý tránh những loại quả có vị cay, đắng hoặc quá chua. Có quan niệm cho rằng, "trần sao âm vậy", dâng lên Thần Phật gia tiên những thứ quả quá đắng cay các Ngài cũng không thụ hưởng được.

Vì thế, những trái cây có vị cay đắng hay quá chua cũng không được đưa lên bàn thờ gia tiên hoặc trong mâm cơm cúng Tết.

Loại quả có gai

Những loại quả có gai như: mít, sầu riêng… bạn cũng không nên trưng trong mâm ngũ quả ngày Tết.

Theo quan niệm của nhiều người, gai của những loại quả này sẽ khiến các thần linh phật lòng, do đó đầu năm bày quả này thì cả năm sẽ chông gai, trắc trở trong công việc, cuộc sống và gia đình.

Trái cây dùng để cúng trước hết phải đạt yêu cầu là có hình thù tròn trịa và đều đặn, vỏ mịn trơn láng vì chúng mang năng lượng tốt, tượng trưng cho sự suôn sẻ, thuận lợi. Ngoài ra, tròn tượng trưng cho trời (trời tròn đất vuông), thể hiện được tấm lòng thành kính của người cúng.

Những quả méo mó và có nhiều vết sẹo, gai góc, quả héo, hỏng,... là những quả sẽ mang đến nguồn năng lượng xấu, không nên bày trong mâm ngũ quả ngày Tết.

Loại quả chín nẫu

Ban thờ thường đốt nhiều nhang, vì thế, nhiệt độ lúc nào cũng cao hơn so với bình thường. Vì thế, nếu bày trên bàn thờ những quả đã chín hoặc có dấu hiệu chín sớm sẽ khiến chúng chín càng nhanh hơn nữa và dễ bị hỏng.

Khi trái cây bị hỏng thì rất thu hút ruồi, muỗi và các loại vi sinh vật phân hủy khiến trái cây “nặng mùi” hơn. Từ đó làm bàn thờ Thần Phật, ông bà tổ tiên trở nên không còn sạch sẽ nữa.

Loại quả có mùi hắc, nồng

Trái cây thắp hương ngày Tết tốt hơn cả là chỉ có mùi hương thoang thoảng, thơm ngát mà vương vấn lâu. Hương thơm dịu nhẹ không chỉ tốt cho không gian mà cũng thể hiện sự tôn kính Thần Phật, gia tiên - Đấng bề trên có trí huệ cao minh.

Vì thế, trên ban thờ ngày Tết không nên chọn những quả có mùi quá nồng như sầu riêng hay mít. Bàn thờ là nơi thiêng liêng, thanh tịnh, do đó bạn chỉ nên chọn các loại trái cây có hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng mà thôi.

Loại quả mọc sát đất

Những loại quả mọc sát đất hoặc có họ hàng với rau như cà chua, me hay thanh trà, dứa… cũng ít khi được lựa chọn để sắp lên mâm lễ thắp hương.

Hoa quả giả

Các chuyên gia phong thủy vẫn luôn khuyên rằng tuyệt đối không cúng bái các loại hoa quả giả bởi đó là hành động không tôn trọng ông bà, tổ tiên, và cũng không tốt cho phong thủy.

Tạm kết

Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.

Cập nhật: 02/02/2024 Tổng Hợp
  • 3.535