Vị thuốc từ cây lộc vừng

  •   1,84
  • 17.362

Quả lộc vừng xanh ép nước bôi chữa chàm hoặc ngâm rượu trị nhức răng. Vỏ cây chứa nhiều tanin, dùng chữa bệnh tiêu chảy, đau bụng. Lộc vừng: tên khác là cây vừng, cây chiếc, ngọc nhị tam lang.

Hoa lộc vừng

Hoa lộc vừng
(Ảnh: ND)

Cây to, cao 8-10m. Vỏ thân dày, nháp, mầu nâu đen. Lá mọc so le, nhưng thường tập trung ở đầu cành, mép khía răng, mặt trên xanh sẫm bóng; cuống lá có mầu đỏ. Hoa mầu đỏ nhạt, chi nhị và vòi nhụy mầu đỏ thẫm. Quả có 4 cạnh lồi, mỗi cạnh lại xẻ rãnh dọc, đựng một hạt.

Cây mọc tự nhiên ở rừng thưa, bờ bãi chỗ gần nước. Còn được trồng làm cảnh, đôi khi chỉ là một khúc cành mang rất nhiều rễ thành chùm ngập trong nước và một vài nhánh cây non mọc vượt lên, trông rất đẹp mắt, hấp dẫn.

Lá lộc vừng non có vị hơi chát, thường được dùng làm rau sống, ăn riêng hoặc trộn với lá đinh lăng non trong món gỏi cá.

Vỏ thân lộc vừng, thu hái quanh năm, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, rửa sạch, thái phiến, phơi hoặc sấy khô được dùng làm thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy, sốt, do vỏ chứa nhiều tanin (16%). Khi dùng, lấy 8-16g vỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Quả lộc vừng còn xanh, ép lấy nước, bôi chữa chàm, hoặc nghiền nhỏ ngâm với rượu, ngậm nhổ nước chữa đau răng.
Rễ lộc vừng chứa saponin, có vị đắng, giã nhỏ để duốc cá.

Theo tài liệu nước ngoài, rễ lộc vừng được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, hạt chữa đau mắt và lá chữa tiêu chảy. Ở Philippines, vỏ thân chữa vết thương, nếu sắc uống lại có tác dụng chữa đau dạ dày.

Dược sĩ ĐỖ HUY BÍCH

Theo sách Thuốc từ cây cỏ và động vật, Nhân dân
  • 1,84
  • 17.362