Các nhà địa chất học đang chú ý đến một đớt hút chìm mới lộ diện ngoài khơi Bồ Đào Nha, đang dần hút châu Âu về phía Tân thế giới.
>>> Tìm thấy đĩa kiến tạo "mất tích"
Nếu Christopher Columbus chịu khó chờ thêm khoảng... vài trăm triệu năm nữa, ắt hẳn ông đã có thể đường hoàng đặt chân lên Tân thế giới bằng cách đi bộ chứ không phải vượt biển gian khổ như vào thế kỷ 16.
Hình ảnh lòng biển dưới lớp nước Đại Tây Dương - (Ảnh: NOAA/NGDC)
Đó là do các lực địa chất đang hút châu Âu về phía châu Mỹ, với thời gian hoàn tất việc chạm trán giữa hai lục địa dự kiến vào khoảng 220 triệu năm tính từ lúc này.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Geology, đội ngũ các nhà nghiên cứu do Đại học Monash (Úc) dẫn đầu cho hay đã phát hiện những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự xích gần từ từ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương, dưới dạng một đới hút chìm “trong giai đoạn phôi thai” ở ngoài khơi Bồ Đào Nha.
Đới hút chìm hình thành khi một đĩa kiến tạo bắt đầu trượt xuống bên dưới một đĩa kiến tạo khác.
Các nhà địa chất học, vốn đang lập bản đồ thềm biển thì tìm thấy khu vực đang bắt đầu bị đứt ra, cho hay đới hút chìm mới có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của một giai đoạn mới của Chu kỳ Wilson.
Được đặt tên theo nhà địa vật lý người Canada John Tuzo Wilson, Chu kỳ Wilson chỉ một loạt các sự kiện có liên quan đến tình trạng mở ra và đóng lại theo chu kỳ của lưu vực biển qua hàng triệu năm.
Sự đứt lìa và tái tạo của các lục địa trên thế giới đã xảy ra ít nhất ba lần trong lịch sử địa cầu.
Sự va chạm giữa các đĩa kiến tạo, còn rất trẻ nếu tính theo thời gian địa chất, có thể đã kích hoạt trận động đất khủng khiếp tại Lisbon vào năm 1755, ước tính đã giết chết khoảng 60.000 người, làm rúm ró thủ đô của Bồ Đào Nha nhưng đồng thời cũng đánh dấu sự ra đời của ngành khoa học địa chấn hiện đại.