Nhật Bản sẽ cùng với các kỹ sư của Việt Nam thiết kế, chế tạo vệ tinh LOTUSat-1, dự kiến phóng vào năm 2023.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã ký gói thầu chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 và đào tạo nhân lực, sáng 18/10 tại Hà Nội. Tập đoàn NEC sẽ thiết kế, chế tạo và đào tạo nhân lực tại nhà máy sản xuất vệ tinh ở Nhật Bản, sau đó chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Quá trình thiết kế diễn ra cùng với việc đào tạo 86 học viên thực hành chế tạo, vận hành và ứng dụng ảnh vệ tinh.
Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 570kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.
Lộ trình phát triển vệ tinh của Việt Nam. (Ảnh: VNSC).
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh kỳ vọng các đối tác Nhật Bản và Việt Nam thực hiện gói thầu hiệu quả để đưa vệ tinh LOTUSat-1 lên quỹ đạo vào năm 2023 như kế hoạch đã đề ra.
Ông cũng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tổng kết kết quả thực hiện "Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020" và xây dựng dự thảo Chiến lược vũ trụ cho giai đoạn sau năm 2020. Các kết quả thực hiện của dự án là một trong những căn cứ thực tiễn, phục vụ xây dựng Chiến lược vũ trụ của Việt Nam giai đoạn sau năm 2020.
Gói thầu "Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực" thuộc Dự án "Trung tâm Vũ trụ Việt Nam" được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2009, là dự án trọng điểm quốc gia. Đây là dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên được điều phối bởi một công ty Nhật Bản sử dụng vốn vay ODA theo điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).