Việt Nam dự tính phóng VNREDSat-1B vào năm 2017

  •  
  • 800

VNREDSat-1B là vệ tinh giám sát trái đất thứ 2 mà Việt Nam dự kiến đưa vào vũ trụ với sự hợp tác của Vương quốc Bỉ.

>>> Việt Nam xử lý thành công ảnh vệ tinh viễn thám

Tại cuộc họp báo sáng 17/5, Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Trưởng Ban quan lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, dự kiến đến năm 2017, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh quan sát trái đất thứ 2 (VNREDSat - 1B).

Vệ tinh VNREDSat - 1B có nguồn gốc từ nhóm các vệ tinh PROBA của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA). Đây sẽ là vệ tinh quan sát trái đất thứ hai, giúp giám sát nguồn tài nguyên môi trường, thiên tai, cải thiện quản lý lãnh thổ và các nguồn tài nguyên chủ yếu như nông nghiệp, biển, rừng.

Việt Nam dự tính phóng VNREDSat-1B vào năm 2017
Vệ tinh VNREDSat-1 tách khỏi khoang chở hàng VESPA của tên lửa đẩy VEGA (Ảnh do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp)

Vệ tinh VNREDSat - 1B không phải là vệ tinh thay thế quan sát trái đất thứ nhất (VNRED Sat-1) nên hai vệ tinh này sẽ hoạt động song song với nhau và sẽ hỗ trợ quá trình giám sát trái đất tốt hơn.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang đàm phán về vốn vay với Bỉ để kịp tiến độ dự kiến cho việc phóng vệ tinh VNREDSat-1B.

Trước đó, ngày 7/5/2013, vào lúc 09h06’30’’ ngày 7/5/2013 ( giờ Việt Nam), vệ tinh VNREDSat-1 đã được tên lửa đẩy VEGA đưa lên quỹ đạo từ bãi phóng Kourou, ở Guyana thuộc Pháp, đánh dấu một mốc quan trọng trong Dự án VNREDSat-1. Những bức ảnh đầu tiên đã được vệ tinh VNREDSat-1 chụp và truyền về mặt đất 2 ngày sau đó khẳng định tất cả các chức năng đã thiết kế của vệ tinh VNREDSat-1 đã hoạt động bình thường trên quỹ đạo. Vệ tinh VNREDSat-1 đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình là chụp ảnh bề mặt Trái đất theo các yêu cầu của Việt Nam.

Vệ tinh VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro từ nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và 64,82 tỉ đồng vốn đối ứng. Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học đa phổ đầu tiên của Việt Nam có khả năng chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với độ phân giải tương ứng là 2,5 mét (PAN) và 10 mét (MS). Có thể nói, với việc sở hữu và chủ động vận hành khai thác hệ thống vệ tinh VNREDSat-1, Việt Nam đã có thêm một nguồn ảnh viễn thám quý báu phục vụ các mục đích khác nhau từ quốc phòng, an ninh đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo VOV
  • 800