Virut H5N1 đang tiến hoá

  •  
  • 163

Gần đây, đã có những biểu hiện cho thấy, virut H5N1 đã truyền nhiễm sang những vật nuôi trong gia đình như mèo, lợn. Hiện tượng này buộc các nhà khoa học phải lên tiếng cảnh báo virut H5N1 đang có sự tiến hoá, nguy cơ truyền nhiễm này "cần phải xem xét kỹ". 

Mèo - vật nuôi gần gũi nhất trong gia đình lại có nguy cơ trở thành cầu nối truyền nhiễm virut H5N1.

Hiện nay, cúm gia cầm - chủng virut H5N1 đã bùng phát ở hầu hết các nơi trên thế giới. Theo con số thống kê của Tổ chức thế giới (WHO) đã có hơn 100 người bị chết vì nhiễm virut này.

Các nhà khoa học đang nỗ lực hết sức theo dõi từng bước và tìm mọi biện pháp ngăn chặn sự phát triển của chủng virut này.

Sự tiến hoá của virut H5N1

Lần đầu tiên, kể từ khi có sự xuất hiện của chủng virut H5N1 truyền nhiễm sang mèo đã xảy ra ở Thái Lan năm 2004, 14 trong số 15 con mèo đã bị chết bởi virut H5N1 trong một hộ nuôi mèo ở gần thủ đô Bangkok.

Nguyên nhân của sự truyền nhiễm này là do một con mèo đã ăn xác chết của một con gà trong một trang trại đang có sự bùng phát của virut H5N1.

Tiếp theo đó là những con mèo ở Indonesia, Thái Lan và Iraq cũng bị chết vì nhiễm virut H5N1. Đặc biệt là sự truyền nhiễm này đã trở nên phổ biến đối với những con mèo ở Indonesia.

Hồi tháng 3/2006, một con mèo bị chết ở Đức sau khi phát hiện bị nhiễm virut H5N1có nguồn gốc từ những con chim hoang dã. 

Nghiên cứu virut H5N1 trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Vrtnieuws)

Rồi đến những con lợn ở hai trang trại thuộc tỉnh Banten, gần thủ đô Jakarta, Indonesia cũng bị chết do nhiễm virut H5N1 vào tháng 11/2005, nơi trước đó có ba người bị chết do nhiễm loại virut này.

Gần đây nhất, cúm gia cầm đầu tiên xuất hiện ở thú hoang do một chuyên gia y tế của Đức đã phát hiện một con chồn đá marten bị nhiễm chủng virus H5N1 còn sống trên đảo Ruegen tại biển Baltic gần nơi 3 con mèo nuôi bị nhiễm chủng virus H5N1.

Tại Scotland một con chim thiên nga bị chết do nhiễm virut H5N1. Các nhà khoa học đã xác nhận đây là một loại biến dạng của bệnh cúm gia cầm.

Ngoài ra, vẫn còn những bản báo cáo loài "mèo lớn" (con hổ) cũng bị chết do nhiễm virut H5N1 - đó là 147 con hổ bị chết trong một vườn bách thú Thái Lan sau khi ăn thịt của những con gà bị nhiễm loại virut này.

H5N1 tiến hóa: Nguy cơ lây nhiễm H5N1 từ vật sang người 

H5N1 vẫn đang rình rập để tấn công con người. (Ảnh: Press)

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa Erasmus, Rotterdam, Hà Lan cho biết. họ chưa có đủ dữ liệu và bằng chứng để có thể xác định chủng virut này có tiếp tục truyền nhiễm sang các loài động vật có vú khác hay, tiến hóa thành một chủng virut mới đủ sức lây nhiễm vào cơ thể người.

Các nhà khoa học cảnh báo, bất cứ nơi nào trên thế giới có sự xuất hiện của virut H5N1 mà động vật ăn phải gia cầm bị nhiễm rồi thì đến một lúc nào đó, sẽ dẫn đến nguy cơ truyền nhiễm sang người.

Họ không muốn phóng đại nguy cơ lây nhiễm nhưng nếu như điều đó xảy ra thì các quan chức y tế "cần phải xem xét kỹ" từng bước tiến hoá của chủng virut này. 

Ngân hàng Phát triển châu Á đã quyết định viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam 15 triệu USD để hỗ trợ công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khoản viện trợ này thuộc Dự án tài trợ tín dụng "Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng" dành cho ba nước trong khu vực gồm Việt Nam, Lào và Campuchia có tổng trị giá gần 39 triệu USD. Ngòai ra, Việt Nam còn nhận được tài trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trị giá 450.000 USD và phần vốn đối ứng của Chính phủ là 4,55 triệu USD cho dự án này. (Nguồn: TTXVN)

Theo ý kiếm của Giáo sư Peter Openshaw, Trưởng khoa lây nhiễm đường hô hấp thuộc Trường Cao đẳng Luôn Đôn, Anh cho biết hiện tại, các loại động vật gần như đi vào ngõ cụt của sự tiến hoá.

Sự truyền nhiễm của chủng virut này chủ yếu qua ruột và phổi của động vật, chưa có dấu hiệu tự bài tiết virut truyền nhiễm sang người.

Mặc dù vậy, những con vật nuôi trong gia đình nhất là những con vật gần gũi như mèo và các loại chim quí hiếm chính là cầu nối truyền nhiễm sang người.

Do vậy, biện pháp tốt nhất nhằm ngăn chặn nguy cơ truyền nhiễm sang người đó là cách ly các con vật nuôi này.

Theo một nguồn tin mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thú y Thế giới đã chọn mèo làm kế hoạch thực hiện nghiên cứu, quan sát vai trò và truyền nhiễm sự phát triển của chủng virut H5N1.

Ngọc Huyền
Theo Independent online, VNN
  • 163