"Vịt" robot giúp nông dân Nhật diệt cỏ không cần hóa chất

  •  
  • 1.458

Robot Aigamo mô phỏng hoạt động tự nhiên của loài vịt, từ đó giúp nông dân tiêu diệt cỏ dại, bảo vệ mùa màng mà không cần dùng tới hóa chất.

Từ lâu, nông dân nhiều nước châu Á đã biết sử dụng vịt để thay thế cho thuốc trừ sâu. Loài gia cầm này sẽ lội quanh ruộng lúa để ăn từng con côn trùng và giúp diệt cỏ. Giờ đây, người Nhật sử dụng công nghệ để thay thế cho phương pháp truyền thống.

Aigamo có hình dạng giống một máy hút bụi mini.
Aigamo có hình dạng giống một máy hút bụi mini. (Ảnh: Nissan).

Kỹ sư Tetsuma Nakamura tại nhà máy sản xuất ôtô Nissan đã phát triển thành công chú robot mang tên Aigamo, đặt theo giống vịt địa phương. Dự án đang được thử nghiệm tại tỉnh Yamagata ở phía đông bắc Nhật Bản.

Chú vịt robot có thiết kế giống máy hút bụi với diện tích bề mặt khoảng 60cm vuông và nặng 1,5kg. Aigamo tự động di chuyển trên mặt nước, bên dưới có bộ phận khuấy bùn nhằm cản trở quá trình quang hợp của cỏ dại.

Thiết bị xác định vị trí chủ yếu dựa vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Ý tưởng tạo ra cỗ máy xuất phát từ mong muốn loại bỏ hoàn toàn thuốc trừ sâu gây hại của kỹ sư Tetsuma Nakamura. Aigamo có thể sạc điện từ tấm pin năng lượng mặt trời và sử dụng kết nối Wi-Fi.

Aigamo trang bị pin, bộ thu phát Wi-Fi và định vị GPS.
Aigamo trang bị pin, bộ thu phát Wi-Fi và định vị GPS. (Ảnh: Nissan).

Nhật Bản hiện đối mặt với tình trạng dân số già hóa và thiếu lao động trầm trọng. Chú vịt robot sẽ góp phần duy trì nền nông nghiệp sạch mà không cần phải dùng hóa chất.

Tuy nhiên, Tetsuma Nakamura sẽ phải cải thiện sản phẩm thêm nữa khi kích thước của Aigamo khá lớn. Robot di chuyển trên mặt nước có thể đè lên những cọng lúa còn non. Người nông dân cũng kỳ vọng cỗ máy còn giúp diệt trừ sâu bọ như loài vịt.

Robot thu hoạch dâu tây của Martin Stoelen tại Anh.
Robot thu hoạch dâu tây của Martin Stoelen tại Anh. (Ảnh: Thetimes).

Trước đó, tiến sĩ Martin Stoelen thuộc trường Đại học Plymouth, Anh đã giới thiệu robot hái dâu tây đầu tiên trên thế giới. Năng suất của cỗ máy có thể đạt 25.000 quả mỗi ngày, vượt xa con số 15.000 của một công nhân làm việc 8 giờ.

Robot có độ cao 1,8 mét, di chuyển bằng bánh xe và có cánh tay tự động hái quả. Martin Stoelen trang bị các cảm biến và máy ảnh 3D cho “đứa con cưng” nhằm giúp xác định vị trí đối tượng chuẩn xác.

Trong tương lai, những cỗ máy như Aigamo của Nhật và sản phẩm hái dâu tại Anh sẽ trở nên phổ biến hơn. Công nghệ máy học và tự động hóa giúp nâng cao khả năng của robot để thay thế dần con người.

Cập nhật: 24/06/2019 Theo Zing
  • 1.458