Vụ kiện "câu trộm" WiFi chưa từng có tại châu Á

  •  
  • 593

Khi cậu thiếu niên 17 tuổi Garyl Tan Jia Luo "câu trộm" vào mạng Internet không dây của nhà hàng xóm để chat với bạn bè, cậu không thể nào nghĩ rằng cậu đang tự ghi tên mình vào lịch sử pháp lý của châu Á.

Chưa từng có tiền lệ

Cả giới luật sư lẫn IT đều nói rằng Tan là trường hợp đầu tiên tại Singapore, và có lẽ là trên toàn châu Á nữa, bị kết án trước tòa về tội "câu trộm mạng" của người khác mà không được phép.

Họ cho biết chưa từng ghi nhận được cáo trạng nào tương tự trong cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Còn tại Bắc Mỹ trong suốt 3 năm qua, người ta chỉ đếm được vài ba vụ như vậy mà thôi.

"Chúng tôi tin rằng Singapore là nước đi tiên phong trong việc này", ông Howard Lau, Chủ tịch Hiệp hội Bảo mật thông tin chuyên nghiệp của Hồng Kông cho biết.

Theo ông Lau, trường hợp của Tan sẽ thiết lập một tiền lệ tại châu Á, mở đường cho những cáo trạng tương tự. Mặc dù đây là lần đầu tiên, một vụ "câu trộm mạng Wi-Fi" bị lôi ra tòa, song trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng tình trạng này khá phổ biến.

Phổ biến trong âm thầm

Nguồn: BusinessWeek
"Chúng có thể chiếm từ 5-10% tổng dung lượng không dây trong khu vực ý chứ", ông Bernie Trudel, chuyên gia của Cisco System tuyên bố. Nạn nhân bị "câu trộm mạng" thường là người dùng cá nhân và hộ gia đình, hơn là hệ thống mạng của các tập đoàn. Nguyên do là vì người dùng gia đình bao giờ cũng hớ hênh và ít quan tâm đến chuyện bảo mật hơn.

Ông Bryan Tan, một luật sư chuyên về Công nghệ thông tin của hãng luật Keyston, Singapore cho biết tại Florida, Mỹ cũng đã từng có một vụ kiện tương tự như của Garyl Tan. Một người đàn ông 41 tuổi đã bị bắt giữ vì đỗ xe trước cổng nhà người khác và cố tình truy cập vào mạng không dây nhà này.

Còn nhớ cách đây chưa đầy 2 tháng, cũng tại Singapore, một thanh niên 21 tuổi cũng bị kiện ra tòa vì tội câu trộm vào mạng không dây. Lin Zhenghuang, tên người này, đã bị kết án 3 tháng tù giam và nộp phạt 4.000 USD.

Phạm tội trong vô thức

Một thực tế đáng lo ngại là cả Tan lẫn Zhenghuang đều không ý thức được rằng hành vi của họ có thể gây tổn hại cho người khác. Một số người thậm chí còn không cho rằng đây là chuyện phạm pháp. "Quan niệm phổ biến nhất của người đời rằng đây không phải là tội, vì làm gì có nạn nhân. Người bị câu trộm mạng chỉ phải chịu cảnh tốc độ giảm đi một chút mà thôi", ông Tan nói.

Báo chí hầu như rất ít đề cập đến chuyện câu trộm mạng, trong khi hành vi này có thể tiến hành hết sức dễ dàng, bởi nhiều laptop được thiết kế để tự động dò tìm tín hiệu Wi-Fi mạnh nhất, gần nhất.

Tính tới nay, Singapore đang có khoảng 779.000 thuê bao băng thông rộng. Tỷ lệ phổ cập băng thông rộng ở các hộ gia đình chiếm 62,8%. Kết nối không dây không chỉ có sẵn ở các văn phòng, trường học và trong nhà mà còn sắp được triển khai miễn phí tại các khu vực công cộng trong năm 2007.

Chỉ là vấn đề thời gian

Theo chương trình mang tính Quốc gia này, số lượng các điểm truy cập Wi-Fi do chính phủ lắp đặt tại địa điểm công cộng sẽ tăng từ 900 lên 5000 trong vòng 2 năm. Mục tiêu của Đảo quốc sư tử là nâng tỷ lệ phổ cập băng thông rộng gia đình lên 90% vào năm 2015.

Nhưng cùng với việc mạng không dây ngày càng trở nên phổ biến, luật sư Tan dự đoán rằng những vụ kiện về câu trộm mạng sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn. "Sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi".

Trọng Cầm
Theo AFP, VietNamNet
  • 593