Món đồ uống khoái khẩu của vua Tutankhamen chính là rượu vang đỏ. Kết quả phân tích những vết cặn rượu nho còn sót lại trong mộ của vị hoàng đế đã cho thấy như vậy.
Nhà nghiên cứu Maria Rosa Guasch-Jane, cho biết bà đã sáng tạo ra một quy trình giúp các nhà khảo cổ phát hiện ra màu của rượu vang cổ.
Guasch-Jane cũng phát hiện thấy loại đồ uống giá trị nhất ở Ai Cập cổ - shedeh - được làm từ nho đỏ.
Những chai rượu vào thời của vua Tutankhamun được dán nhãn tên sản phẩm, năm thu hoạch, nguồn gốc và người trồng nho, chứ không tiết lộ màu của rượu, Guasch-Jane cho biết.
Người ta vẫn chưa thể xác định màu rượu vang của vua Tut cho đến khi Guasch-Jane thiết kế ra quy trình xác định hợp chất màu không có trong rượu trắng, gọi là syringic acid. Để kiểm tra phương pháp của mình, Guasch-Jane cạo cặn bã trong các bình rượu lấy từ Bảo tàng Anh và Bảo tàng Ai Cập ở Cairo. 2 bình trong đó lấy từ ngôi mộ của vua Tut, phát hiện vào năm 1922.
Theo nhà khảo cổ người Mỹ Patrick McGovern, rượu được chế biến đầu tiên vào năm 5.400 trước Công nguyên. Ông đã phát hiện ra dấu tích cặn nho đầu tiên ở Iran vào năm 1994.
Rượu nho không bắt nguồn từ Ai Cập. Các nhà khoa học tin rằng thứ rượu đầu tiên được phát hiện ở Ai Cập, trong mộ của vua Scorpion vào năm 3125 trước Công nguyên, là được sản xuất ở Jordan và vận chuyển 800 km bằng lừa và thuyền tới Ai Cập. Sau đó nho mới được trồng ở Ai Cập.
Nghiên cứu cho thấy các vua Ai Cập cổ và thành viên hoàng tộc uống rượu thường xuyên, còn thường dân chỉ uống nó trong dịp đặc biệt hoặc các lễ hội. Rượu cũng được dâng lên các vị thần trong ngày lễ, và vua được chôn cùng bình rượu và những món ăn mà họ thường dùng khi còn sống.
M.T