WHO cảnh báo bệnh phong đang lan nhanh ở Ấn Độ

  •  
  • 676

Bệnh phong ở Ấn Độ đã trở thành gánh nặng toàn cầu với khoảng 120.000 trường hợp mắc bệnh mới mỗi năm.

Sáu năm sau tuyên bố bệnh phong chính thức được loại bỏ ở Ấn Độ, các quan chức và bác sĩ lại một lần nữa phải đưa ra cảnh báo rằng, căn bệnh đang có xu hướng lan rộng trong cuộc sống của những người nghèo khổ nơi đây.

Bệnh phong đang có xu hướng lan rộng ở Ấn Độ.
Bệnh phong đang có xu hướng lan rộng ở Ấn Độ.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Ấn Độ, Nata Menabde, cho biết gần 1/3 quận/huyện của Ấn Độ cần phải có những kế hoạch khẩn cấp để giải quyết sự lây lan căn bệnh này.

"Có khoảng 209 trong số 640 quận/huyện có số lượng mắc bệnh mới, vượt quá mức cho phép của WHO là dưới 10 trường hợp mới trên 100.000 dân", bà nói. "Bệnh phong ở Ấn Độ đã trở thành gánh nặng toàn cầu với khoảng 120.000 trường hợp mới mỗi năm".

Theo một tuyên bố chính thức năm 2005, bệnh phong, một căn bệnh gây tổn thương trên da và tấn công vào các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân, đã được loại bỏ ở Ấn Độ theo quy chuẩn của WHO. WHO cho phép các chính phủ được phép tuyên bố rằng bệnh phong không còn là nguy cơ sức khỏe cộng đồng nếu tỷ lệ nhiễm giảm xuống dưới 1 người trên 10.000 dân.

Trong số những trường hợp nhiễm bệnh mới ở Ấn Độ thì 10% số đó liên quan đến trẻ em, bà Menabde chia sẻ. "Con số này cho thấy tỷ lệ lây truyền là rất cao", bà coi đó là một lời cảnh báo sớm cho chính phủ.

Vivek Pai, giám đốc của dự án phi lợi nhuận Bombay Leprosy Project, cho biết, thành công trong việc loại trừ được bệnh phong năm 2005 đã đem lại cảm giác thỏa mãn cho chính phủ Ấn Độ.

Ông nêu ra ví dụ của Maharashtra, tiểu bang giàu nhất Ấn Độ với các trung tâm tài chính quốc gia ở Mumbai. "Họ thay đổi kế hoạch quá nhanh, sự mất cảnh giác ấy dẫn đến hậu quả là tỷ lệ mắc bệnh đã vượt mức cho phép và tập trung vào những người nghèo".

"Trong vài tháng gần đây, số lượng mắc bệnh mới ở Maharashtra đã tăng từ 9-10 người trên 100.000 dân năm 2006-2007, hiện nay con số đó là 13 trên 100.000 người. Đây là điều rất đáng lo ngại", ông nói với AFP.

Ông tiết lộ sự suy giảm nguồn tài trợ từ nhà nước và tư nhân sẽ là rào cản trong nỗ lực chống lại bệnh tật. “Chúng tôi không quay lưng với người bệnh, nhưng chúng tôi buộc phải trì hoãn điều trị vì những hạn chế từ nguồn tài trợ”.

Pai chỉ ra bệnh phong là hậu quả của một nền kinh tế - xã hội thấp kém và lo ngại rằng người bệnh sẽ phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng nếu tin tức này lan ra.

"Nhiều người bệnh đến với chúng tôi từ những khu ổ chuột khổng lồ ở Mumbai như Dharavi. Môi trường mất vệ sinh, tình trạng quá chật chội, nghèo đói, đó là những điều kiện cho phép bệnh phong phát triển mạnh", ông nói. “Ngoài ra, sự kỳ thị của cộng đồng là một trong những lý do khiến người dân ngần ngại đi khám khi có triệu chứng”.

Yohei Sasakawa, đại sứ thiện chí của WHO cảnh báo Ấn Độ cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với bệnh nhân phong.

"Mục tiêu đạt được trong năm 2005 là một thành công lớn cho Ấn Độ, nhưng nó chỉ là một mục tiêu trung hạn. Chúng tôi đã thất bại trong trận chiến này", ông nói.

Theo Medicalxpress, Đất Việt
  • 676