WHO họp kín về virus nguy hiểm nhất do con người tạo ra

  •  
  • 913

22 chuyên gia cúm gia cầm quốc tế sẽ họp kín tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tuần này để quyết định xem các nhà khoa học được đi xa tới mức nào trong việc tạo ra những virus chết người dưới danh nghĩa khoa học.

>>> Siêu virus cúm gia cầm trở thành bom sinh học?

WHO đã mời 22 khách tham dự vào cuộc họp kín này, bao gồm các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu, tổng biên tập của hai tạp chí khoa học nổi tiếng Science và Nature, và đại diện của Hội đồng tư vấn khoa học quốc gia vì an toàn sinh học của Mỹ (NSABB).

Ranh giới nào cho khoa học?

Cuộc họp vội vàng được sắp xếp để giải quyết cuộc tranh cãi ầm ĩ kêu gọi cấm xuất bản 2 nghiên cứu khoa học mô tả chi tiết quá trình tạo ra loại biến thể của virus cúm gia cầm H5N1 mang độc lực cực manh, có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng cùng lúc.

WHO tổ chức họp từ ngày 16-17/2 ở Geneva trong bối cảnh các nhà khoa học tạo ra những biến thể virus H5N1 cực độc muốn công bố kết quả nghiên cứu, còn các nhà quản lý an toàn sinh học đòi kiểm duyệt hay biên tập lại các nghiên cứu khoa học trước khi những kết quả nghiên cứu này được công bố trên các tạp chí khoa học.

Kể từ khi hai nhóm nghiên cứu, một ở Hà Lan và một ở Mỹ, tìm ra rằng chỉ một số thay đổi gene nhỏ cũng có thể khiến virus H5N1 phát tán như virus cúm thông thường trong cộng đồng động vật có vú mà vẫn giữ nguyên độc lực, cuộc họp của các chuyên gia WHO rất có thể sẽ cực kỳ căng thẳng và tuyệt mật.

Cơ quan Y tế của Liên hợp quốc nói rằng, họ “cực kỳ lo ngại về những hậu quả xấu có thể xảy ra” từ công trình nghiên cứu của hai nhóm chuyên gia. Hồi tháng 12, hai nhóm này tuyên bố họ đã tìm ra cách khiến H1N1 dễ dàng lây lan để tạo thành đại dịch chết người quy mô lớn.

Keiji Fukuda, trợ lý tổng giám đốc WHO về vấn đề môi trường và an toàn y tế và là người sẽ điều khiển cuộc họp, nói rằng, ông muốn bảo đảm sự đồng thuận của các chuyên gia trong việc có xuất bản nghiên cứu của 2 nhóm này hay không, xuất bản toàn bộ hay một phần, và ai có quyền xem những nghiên cứu đó.

Ron Fouchier là trưởng nhóm nghiên cứu Hà Lan đã tạo ra siêu virus lây lan cực nhanh trong mùa đông.
Ron Fouchier là trưởng nhóm nghiên cứu Hà Lan đã
tạo ra siêu virus lây lan cực nhanh trong mùa đông.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không có sự kiểm duyệt, kiểm soát nào có thể ngăn chặn các nhà khoa học mang động cơ xấu có được những công cụ để tạo ra và phát tán virus H5N1 cực độc nếu họ muốn.

Michael Osterholm, giám đốc chính sách ở Trung tâm nghiên cứu và giám sát cúm bang Minnesota và là thành viên của NSABB nói rằng, ông hy vọng rất ít vào một cuộc họp như thế. “Một cuộc họp sẽ không giải quyết được gì. Đây là vấn đề rất phức tạp, cần có hành động của cả cộng đồng quốc tế chứ không phải là vấn đề có hay không", Osterholm nói.

Có thể xóa sổ nhân loại

Ron Fouchier, trưởng nhóm nghiên cứu Hà Lan, đã tạo ra 5 biến thể gene cho virus H5N1, có khả năng lây lan nhanh hơn, có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng cùng lúc. Fouchier cho rằng, kiến thức về cách tạo ra virus này có vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại thuốc và vắc-xin mới để ngăn ngừa đại dịch có thể xảy ra.

Fouchier cũng nói rằng, các nhóm nghiên cứu khác trên khắp thế giới đang tiến gần tới kết quả nghiên cứu tương tự, và một số nhóm chỉ tình cờ phát hiện điều này. Fouchier thừa nhận chủng virus do mình tạo ra là “một trong những virus nguy hiểm nhất con người có thể tạo ra”, vì nó có thể lây lan từ người sang người khi bệnh nhân ho và hắt hơi.

Kết quả nghiên cứu về siêu virus dự định được đăng trên tạp chí Science của Mỹ, nhưng nó vấp phải sự ngăn cản lớn chưa từng có từ NSABB.

Chính phủ Mỹ cảnh báo, việc công bố chi tiết nghiên cứu có thể giết chết hàng triệu người nếu nó được sử dụng làm vũ khí chiến tranh sinh học.

Được phát hiện lần đầu tiên ở Hong Kong vào năm 1997, virus H5N1 vẫn tấn công gia cầm ở nhiều nước, phần lớn ở châu Á, nhưng đến nay con người chỉ bị nhiễm virus này một cách hạn chế. Kể từ năm 2003, gần 700 người khắp thế giới đã bị nhiễm virus và một nửa trong số đó thiệt mạng.

Theo Đất Việt
  • 913