Các nhà khoa học VN vừa nghiên cứu thành công phân vùng dự báo chi tiết động đất vùng Tây Bắc. Qua nghiên cứu đã làm rõ nguyên nhân phát sinh động đất và xác định bảy vùng trọng điểm có nguy cơ động đất mạnh.
“Biết trước 1, 2 ngày không quan trọng, cơ bản là chống thế nào”
Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Ngọc Thủy (Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học - Công nghệ VN) - Chủ nhiệm đề tài KC.08.10 về Phân vùng dự báo chi tiết động đất vùng Tây Bắc - vấn đề xảy ra động đất ở VN cũng không nên quá lo ngại, tuy nhiên cũng không vì thế mà chúng ta chủ quan với hiện tượng thiên tai này. Vấn đề quan tâm ở đây là chúng ta có những nghiên cứu phân vùng động đất để biết được nơi nào có nguy cơ xảy ra động đất nhất để phòng xa.
Nói như vậy là vì việc dự báo chính xác ngày, giờ xảy ra động đất hiện vẫn đang là một khó khăn lớn đối với nền khoa học thế giới chứ không riêng gì VN. Chính vì vậy điều quan trọng là phải “phòng” hơn là “chống”. Nếu biết trước ngày mai sẽ xảy ra động đất nhưng các công trình xây dựng không áp dụng các biện pháp kháng chấn thì nếu động đất mạnh nhà vẫn có thể đổ. Những thiệt hại về kinh tế vẫn diễn ra.
Tại VN, Tây Bắc là vùng có nguy cơ xảy ra động đất mạnh nhất. Do đó vấn đề đặt ra ở đây là nghiên cứu địa chất, kiến tạo, đánh giá cơ thức dịch chuyển của của các cấu trúc đới đứt gãy… Ông Thủy cũng cho biết, qua nghiên cứu, Viện Vật lý địa cầu đã thành lập được bản đồ dự báo các vùng có nguy cơ phát sinh động đất khu vực Tây Bắc. Đặc biệt bản đồ phân vùng chi tiết cũng được thành lập cho bảy vùng trọng điểm có nguy cơ phát sinh động đất (TP Điện Biên, thị xã Sơn La, thị trấn Mường La, thị trấn Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị xã Lai Châu (cũ), thị trấn Tam Đường).
Sẽ có sổ tay hướng dẫn kháng chấn
Từ việc nghiên cứu phân vùng động đất Tây Bắc, giải pháp mà ông Thủy và các đồng nghiệp đưa ra là biện pháp kháng chấn, những quy phạm xây dựng đối với các công trình trong vùng có nguy cơ xảy ra động đất. Cụ thể một tài liệu hướng dẫn chi tiết về thiết kế kháng chấn nhà bê tông, cốt thép, nhà kết cấu thép, nhà xây gạch cho vùng Tây Bắc đã được hoàn thành.
Qua tài liệu này, các yêu cầu về bê tông, cấu kiện biên, cấu kiện nối, cấu kiện thu hồi lực, cấu kiện giằng, chiều dài neo, dầm nối, đáy, đai, hệ thống chịu lực, móc nối cứng, móc chống động đất, tải trọng tính toán và các hệ số… cũng được quy định chi tiết. Tài liệu hướng dẫn này cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể cho từng vùng động đất có gia tốc nền khác nhau. Đây là một tài liệu vô cùng có ý nghĩa cho vùng Tây Bắc bởi việc áp dụng sẽ là biện pháp tối ưu cho việc hạn chế những thiệt hại khi có động đất xảy ra.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, tài liệu này còn quá chi tiết, nặng về kỹ thuật, còn nhiều từ chuyên môn khó hiểu. Chính vì vậy, thời gian tới (khoảng tháng 9 và 10-2006) nhóm tác giả đề tài sẽ cố gắng biên tập ngắn gọn, dễ hiểu để một người công nhân xây dựng bình thường cũng có thể đọc và áp dụng được. Tài liệu sẽ được biên soạn như một cuốn sổ tay nhỏ gọn hướng dẫn về kháng chấn cho các công trình xây dựng vùng Tây Bắc.
Việc nghiên cứu và đưa ra những kết quả trong việc phân vùng dự báo chi tiết động đất ở vùng Tây Bắc đã khẳng định bước tiến của công tác nghiên cứu này. Điều quan trọng hơn nữa từ kết quả nghiên cứu này cho thấy hiệu quả của việc đầu tư nghiên cứu khoa học không thể nhận định bằng lời nói mà chính là nhìn vào hiệu quả thực tiễn.
Tuy nhiên ông Thủy cũng cho rằng để công tác này được phát triển mạnh hơn nữa, Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học - Công nghệ VN thực hiện dự án tăng cường tiềm lực về dự báo động đất và sóng thần. Khi thực hiện dự án này, Viện sẽ kiến nghị lên Chính phủ bổ sung thêm 10-15 trạm quan trắc cho khu vực miền nam (hiện chỉ có ba trạm). Khi có đủ trạm quan trắc, VN sẽ có thể yên tâm về hệ thống số liệu để đưa ra các dự báo về động đất và sóng thần.