Việc khám phá ra một loài mới là một quá trình kéo dài, bao gồm nhiều công đoạn: thu thập mẫu vật ngoài thực địa, giây phút "eureka" khi người nghiên cứu khám phá ra cái gì đó mới mẻ và rốt cuộc là hân hoan thông báo phát hiện đến cộng đồng khoa học. Trong thực tế, từ thời điểm một mẫu vật mới được phát hiện cho tới thời điểm nó được nhận diện và thông báo tới thế giới kéo dài trung bình tới 21 năm, theo một nghiên cứu mới.
Các bước riêng rẽ trong quá trình khám phá ra một loài mới có thể rất thú vị nhưng chúng thường diễn ra vô cùng chậm chạp. Và với tốc độ như hiện nay (kéo dài tới 21 năm), nhà nghiên cứu Benoît Fontaine đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Pháp nhận định, nhiều loài có thể bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên trong khi các mẫu vật giúp nhận diện chúng nằm tàn tạ, chưa được nghiên cứu trên các giá đỡ ở bảo tàng và trước khi cộng đồng khoa học biết được sự tồn tại của chúng.
Theo trang Live Science, công tác tại bảo tàng đã thôi thúc ông Fontaine và các đồng nghiệp muốn tìm hiểu xem việc xác định và ghi nhận một loài mới kéo dài trong bao lâu. Nghiên cứu của nhóm Fontaine phát hiện, thời gian cho quá trình này thay đổi rất khác nhau, từ gần như thông báo ngay lập tức tới khoảng cách tận 206 năm từ thời điểm khám phá tới thời điểm nhận diện.
Bên trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London. Tính trung bình, từ thời
điểm một mẫu vật mới được phát hiện cho tới thời điểm nó được
nhận diện và thông báo tới thế giới kéo dài tới 21 năm. (Ảnh: Live Science)
Một loài rắn lục sống trên đảo Sulawesi của Indonesia có tên gọi khoa học là Tropidolaemus laticinctus hiện đang giữ kỷ lục lâu nhất về thời gian được ghi nhận là một loài mới. Ông Fontaine nói, đây là một loài động vật đòi hỏi việc phân loại vô cùng phức tạp vì sự khác biệt trong các mẫu màu sắc của con rắn không luôn luôn tương quan với đặc điểm địa lý của môi trường sống hoặc hình dạng cơ thể của chúng.
Các nhà nghiên cứu nhận định có một số yếu tố quyết định mức độ nhanh chóng của việc nhận diện một loài mới. Thực vật và động vật có xương sống thường mất nhiều thời gian để được xác nhận hơn so với các sinh vật khác. Điều này có thể vì, các bảo tàng thường sở hữu những bộ sưu tập thực vật, động vật có xương sống và côn trùng rất lớn để nghiên cứu, nhưng có nấm và các động vật có xương sống phi côn trùng tương đối ít hơn, đồng nghĩa với việc quá trình xem xét đối chiếu được rút ngắn hơn.
Khi một loài thuộc một phân loại khoa học vừa được tái điều chỉnh gần đây, nhiều khả năng là nó sẽ được xác định nhận dạng nhanh chóng hơn. Điều này có thể là vì việc mô tả các sinh vật theo các tiêu chuẩn hiện đại sẽ dễ dàng hơn so với việc đối chiếu với các tiêu chuẩn cổ xưa.
Ngoài ra, việc mô tả các loài mới thường kéo dài hơn khi trưởng nhóm nghiên cứu đến từ các nước giàu có, nơi sở hữu các bộ sưu tập mẫu vật hoành tráng hơn. Các loài mới cũng được nhận diện nhanh chóng hơn khi một người nghiệp dư, không được đào tạo bài bản về khoa học phát hiện ra chúng.
Nhà nghiên cứu Fontaine cũng đổ lỗi một phần sự chậm trễ trong việc nhận diện một loài mới cho tính thất thường trong hoạt động công bố khoa học. Thống kê cho thấy, khoảng 60% các loài mới được mô tả trong những sách hoặc tạp chí không có yếu tố ảnh hưởng (về cơ bản, yếu tố ảnh hưởng bao gồm việc ấn bản đó có "sức nặng" tới mức nào và các nhà nghiên cứu khác có thường trích dẫn nó trong báo cáo nghiên cứu của họ trên các tạp chí hay không). Chỉ có khoảng 8% các loài mới được mô tả lần đầu tiên trong những ấn phẩm có yếu tố ảnh hưởng cao. Sự nghiệp của chính các nhà khoa học có thể phụ thuộc vào việc công bố nghiên cứu của họ trên các tạp chí và ấn phẩm có yếu tố ảnh hưởng cao, do đó họ chẳng có mấy động lực để mô tả các loài mới trên những sách báo ít được chú ý.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Sinh thái học và Tiến hóa năm 2011 từng ước tính, chi phí cho việc phân loại tất cả các loài chưa được biết đến trên thế giới sẽ là 263,1 tỉ USD.
Ông Fontaine cho rằng, việc đẩy nhanh tốc độ xác định các loài đòi hỏi phải đào tạo thêm nhiều nhà phân loại nữa và sắp xếp hợp lý các phương pháp để mô tả loài mới. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ cần phải dành nhiều thời gian công du tới thực địa hơn để thu thêm nhiều mẫu vật giúp nhận diện các loài hơn nữa.