Ý nghĩa bao lì xì trao gửi tâm tình và tài lộc

  •   3,33
  • 10.346

Ai ai cũng thường vui mừng khi nhận được những bao lì xì đỏ ngày Tết nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc cũng như ý nghĩa của phong tục này.

Câu đối, thiệp chúc Tết, bao lì xì, mâm cơm tất niên là dấu hiệu báo mùa xuân đang chạm ngõ. Đây cũng là lúc người lớn cần tâm tình cho con trẻ hiểu hết ý nghĩa của những phong tục cổ truyền tốt đẹp ngày Tết dân tộc.

Cùng với văn hóa phương Đông, tục trao nhau phong bao lì xì hay còn gọi là mừng tuổi của người Việt vốn được xem như một cử chỉ ý nhị để trao gửi những lời chúc sung túc, may mắn, và sức khỏe trong dịp lễ đầu năm.

Chữ lì xì có nghĩa gì?

Lì xì là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn. Người nhận được tiền lì xì vô cùng thích thú.

Tất cả tình trong bao lì xì cứ lan tỏa và gắn chặt giữa người trao và người nhận để những điều tốt đẹp.
Tất cả tình trong bao lì xì cứ lan tỏa và gắn chặt giữa người trao và người nhận để những điều tốt đẹp.

Dù cao sang hay mộc mạc, người Việt thường nhận món quà ấy với tất cả sự trân trọng như nâng niu cái tình của người trao tặng. Không cần biết trong phong bao nho nhỏ đó có gì và có bao nhiêu, chỉ việc được người trao chân thành tặng cũng đủ khiến người được nhận cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Từ tiền xâu, tiền xu, tiền giấy đến tiền polimer - một giá trị nho nhỏ đi kèm bao lì xì cũng không làm mất đi ý nghĩa của phong tục lì xì, ý nghĩa chính của việc lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là lộc đầu năm, đó là "phát tài, nhận lộc".

Việc lì xì cho trẻ con trong dịp đầu năm mới thể hiện sự quan tâm, lời động viên và lòng mong ước cho con, cháu ngoan ngoãn, khẻo mạnh, học giỏi... Người già được con cháu lì xì thể hiện lòng tôn kính, yêu thương, lời chúc thêm phước, thêm thọ. Vì thế, lì xì làm cho ngày Tết cổ truyền của người Việt trở nên đẹp hơn, đầm ấm và có ý nghĩa hơn.

Ý nghĩa chính của việc lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là lộc đầu năm.
Ý nghĩa chính của việc lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là lộc đầu năm.

Điều hay của phong bao lì xì chính là nét đẹp tượng trưng cho sự kín đáo, tránh được sự so bì không vui trong ngày tết. Đối với trẻ con, niềm vui được mặc quần áo mới, khoanh tay chúc Tết mừng tuổi người lớn và nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm mới là một cái Tết đúng nghĩa.

Việc lì xì mừng tuổi không chỉ giới hạn trong mùng một Tết, mà liền suốt ba ngày đầu của năm mới và có thể kéo dài đến hết ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng.

Tục lì xì ngày nay không còn gói gọn trong phạm vi gia đình, mà nét đẹp này dần được mở rộng và ngày càng lan toả. Bạn bè, đồng nghiệp cũng lì xì cho nhau, cấp trên lì xì cho nhân viên… với lời cầu chúc năm mới tấn tới, phát tài, phát lộc, may mắn chan hòa. Người cho và người nhận, ai cũng được hưởng lộc may và không khí Tết như thêm rộn rã hơn khi cầm trong tay phong lì xì đỏ thắm. Ngày nay, bao lì xì đỏ thắm không chỉ xuất hiện trong dịp tết mà cả trong lễ mừng công, mừng thọ, tiệc cưới... như lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè của mình.

Quan niệm khác nhau về lì xì giữa các quốc gia châu Á

Tại Singapore, lì xì không chỉ là những đồng tiền mới có mệnh giá từ 2-20 Đô Sing, mà có thể chứa cả voucher, coupon, vé xe tháng, tem, ngân phiếu, tiền xu hay một vé du lịch, phiếu ăn nhà hàng. Điều này thể hiện tinh thần hiện đại hòa chung trong không khí truyền thống của ngày Tết trên đất Sing.

Trong khi mọi nơi đều ưa chuộng phong bao đỏ thì riêng ở Nhật Bản người ta lại dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh, trên đó còn ghi tên của người nhận.

Những người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây.

Lì xì trẻ nhỏ
Người Việt thường bỏ vào phong bao đỏ những tờ tiền mới màu đỏ ới ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn...

Lì xì bao nhiêu là đủ?

Qua thời gian, tục lệ lì xì đã phần nào mất đi những nét đẹp vốn có, khiến câu hỏi "lì xì bao nhiêu là đủ?" trở thành những đắn đo chung trong ngày Tết. Ấy vậy mà có thể bạn chưa biết, trong khi người Hoa xa xưa thường dành tặng một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi và có một tên gọi khác là tiền mừng tuổi.

Còn người Việt thường bỏ vào phong bao đỏ những tờ tiền mới màu đỏ hồng như 500 đồng, 10.000 đồng (hai mệnh tiền giấy này ngày trước có màu đỏ)... với ý nghĩa cầu mong khỏe mạnh, may mắn và an lành cho con cháu.

Trao đi là nhận lại. Tất cả tình trong bao lì xì cứ lan tỏa và gắn chặt giữa người trao và người nhận để những điều tốt đẹp, an lành đi theo mọi người trong suốt một năm nỗ lực học tập và làm việc.

Cập nhật: 10/02/2024 Tổng Hợp
  • 3,33
  • 10.346