Phong tục tập quán ngày Tết Dương Lịch của các nước

  •   411
  • 23.129

Tết dương lịch sắp tới rồi, mỗi nước sẽ có cách đón Tết khác nhau. Hãy cùng xem những phong tục độc đáo vào Tết dương lịch tại các nước khác nhau ra sao.

1. Nhật

Do ảnh hưởng văn hoá phương Tây nên người Nhật từ lâu đã không đón tết theo thời gian âm lịch như một số nước châu Á khác. Trong tâm linh người Nhật đã coi tết dương lịch là ngày lễ tết chính. Trong buổi sáng tinh mơ ngày đầu năm, mọi thành viên trong các gia đình người Nhật cùng nhau đổ ra đường để chào đón bình minh đầu tiên của năm mới. Sau đó, mọi người rủ nhau lên chùa để bái Phật, cầu nguyện hoặc đến nhà người thân, bạn bè để chúc tết nhau. Trong ngày này, các gia đình đều làm lễ đón mừng năm mới (Oshogatsu). Trên mâm cỗ của người Nhật, các món ăn vô cùng phong phú, được bày trí tỉ mỉ, đẹp mắt.

Osechi - món ăn ngày Tết của Nhật Bản sau khi cúng thần năm mới.
Osechi - món ăn ngày Tết của Nhật Bản sau khi cúng thần năm mới.

Đầu tiên là rượu mừng năm mới (otoso) trừ tà khí trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ. Tiếp đến là món ăn ngày Tết (osechi) sau khi cúng Thần năm mới. Mọi người ăn uống và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Ba ngày đầu từ ngày 1 đến ngày 3/1 được coi là 3 ngày đặc biệt, thiêng liêng nhất của tết dương lịch. Trong 3 ngày này người Nhật có tục ăn chay để tỏ lòng thành kính với thần phật, tổ tiên, cầu khấn cho một năm mới đại cát đại lợi. Ngoài ra, giống như ngày tết của Việt Nam, người Nhật vẫn lưu giữ tục lệ mừng tuổi cho trẻ em hoặc tặng quà giữa những người thân trong gia đình hay trong dòng họ, bạn bè sau lễ đón Giao thừa năm mới. Điều đáng lưu ý, theo phong tục, tập quán lưu truyền từ trước thì việc tặng quà hay mừng tuổi ngày Tết ở Nhật Bản không bị "nặng nề" vì giá trị vật chất mà chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, tình cảm, đạo lý ứng xử...

2. Pháp

Người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc.
Người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc.

Có câu nói: "người Pháp dùng rượu để chào đón năm mới". Tại sao lại nói như vậy? Vì người Pháp bắt đầu uống rượu say sưa từ đêm giao thừa cho đến ngày 3/1 mới kết thúc. Người Pháp quan niệm, vào ngày tết phải uống cạn tất cả rượu mà họ có, làm như vậy thì trong năm mới sẽ được vạn sự như ý. Nếu như uống rượu vẫn còn, trong năm mới sẽ gặp nhiều điềm xui rủi. Ngoài ra, trong ngày đầu năm mới người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm. Nếu gió Nam thổi, báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, đây sẽ là một năm bình an và thời tiết thì nóng bức. Nếu gió Tây thổi, sẽ là một năm may mắn đối với nghề đánh cá và những người nuôi bò sữa. Nếu gió Đông thổi, cây trái sẽ bội thu, nhà nhà no ấm. Nếu gió Bắc thổi là điềm không tốt, đây sẽ là một năm mùa màng thất bát.

3. Anh

Một ngày trước tết Dương lịch, nhà nhà đều tất bật mua rượu đổ đầy các chai, hũ trong nhà, trong bếp thì chứa thật nhiều thịt. Người Anh cho rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nghèo khổ. Ngoài ra, ở Anh còn lưu hành phong tục "lấy nước đầu năm mới". Mọi người đều tranh nhau đi lấy nước để được là người đầu tiên múc được gáo nước đầu tiên trong những giờ phút đầu tiên của năm mới. Theo quan niệm của người Anh, người múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn suốt cả năm. Vào đêm giao thừa, người Anh thường mang theo bánh ngọt và rượu đi thăm hỏi người thân, bạn bè, tuy nhiên, những người khách sẽ không gõ cửa mà đi thẳng vào bên trong. Người Anh cho rằng, sau khi chuông báo nửa đêm chuyển sang năm mới, người đầu tiên đặt chân vào nhà là một người đàn ông có mái tóc đen hoặc là một người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có sẽ mang đến cho chủ nhà một năm mới đại cát đại lợi. Nếu người đầu tiên là một người phụ nữ có mái tóc màu vàng bạch kim hoặc một người ưu buồn, nghèo khổ, bất hạnh, điều này báo hiệu chủ nhà sẽ có một năm xui rủi, gặp nhiều khó khăn và tai họa. Khi đến làm khách ở nhà người Anh trong đêm giao thừa, trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên bạn cần làm là đi đến lò sưởi cơi than đốt lò. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà với ý nghĩa "khai môn đại cát".

4. Scotland

Đêm trước ngày tết dương lịch, mỗi gia đình người Scotland đều rải một ít tiền vàng ngay trước cửa nhà. Mặc dù không có người trông chừng, nhưng cả trộm cướp và người ăn xin khi nhìn thấy những đồng tiền này cũng không bao giờ nhặt lấy. Bởi vì theo phong tục ở đây, rải tiền vàng trước cửa vào trước đêm giao thừa, hôm sau khi năm mới đến, sớm tinh mơ vừa mở cửa liền nhìn thấy ngay tiền vàng sẽ mang lại nhiều tài lộc, ý nghĩa là "nhìn thấy phát tài".

5. Đức

Trong thời gian mừng đón tết dương lịch, người Đức đều đặt một cây lãnh sam và gắn đầy những bông hoa bằng gấm len, vừa để báo hiệu tiết xuân phủ khắp đất trời vừa mang ý sung túc. Một phút trước khi bước sang năm mới, mọi người đều leo lên đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, tất cả lập tức nhảy xuống ghế và vội vã ném một vật nặng ra phía sau ghế với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ, tiến nhanh vào năm mới. Ở vùng nông thôn của Đức vẫn còn lưu truyền phong tục mừng năm mới khá thú vị là tục "thi trèo cây", ý nghĩa là mỗi năm mỗi tiến cao hơn, phát triển hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

6. Bulgari

Ở Bulgari, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm.
Ở Bulgari, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm.

Sau khi chuông đồng hồ báo mừng năm mới, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem được làm đặc biệt cho đêm giao thừa. Người nào ăn phải đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới. Ngoài ra, khi dùng tiệc đầu măm mới, người nào hắt xì hơi đầu tiên sẽ được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.

7. Hungary

Trong ngày tết dương lịch, người Hungary cấm kỵ ăn gia cầm và các loại cá. Giữa bạn bè thân thiết, người ta thường tặng cho nhau một chú heo con và bức tượng bằng sứ hình người lao công dọn ống khói để biểu thị lời chúc phúc tốt đẹp.

8. Tây Ban Nha

Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, thông qua tiếng đàn hát và những trò chơi để chúc mừng lẫn nhau. Khi tiếng chuông đầu tiên báo hiệu nửa đêm, cũng là thời khắc chuyển qua năm mới, mọi người liền tranh nhau ăn nho. Nếu có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, bạn sẽ là người may mắn vì suốt 12 tháng trong năm tất cả mọi việc đều đạt như ý muốn. ở Tây Ban Nha, điều cấm kỵ nhất đối với trẻ con trong ngày tết dương lịch là không được mắng chửi người khác, đánh nhau và khóc lóc. Người Tây Ban Nha cho rằng, đây là điềm báo hiệu những chuyện không tốt lành. Cho nên, trong ngày này, người lớn luôn đáp ứng yêu cầu của trẻ nhỏ để chúng được hài lòng và luôn vui vẻ. Ngoài ra, người Tây Ban Nha trong ngày tết dương lịch đều đeo một đồng tiền bằng vàng hoặc bằng đồng để biểu thị cho sự may mắn, cát tường.

9. Bỉ

Vùng nông thôn ở Bỉ vẫn còn giữ một phong tục rất thú vị là "chúc tết vật nuôi". Vào buổi sáng sớm ngày tết dương lịch, việc làm đầu tiên là mọi người đi đến bên các con vật nuôi như bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo... và giả vờ như đang muốn thông báo đến chúng: "năm mới đến rồi, chúc vui vẻ".

10. Argentina

Nước được người Argentina xem là thứ "thánh khiết" nhất trong vạn vật. Do vậy, trong ngày tết dương lịch, nhà nhà người người lũ lượt kéo nhau ra sông để "tắm mừng năm mới". Trước lúc xuống nước, người ta rải những cánh hoa tươi trên mặt sông. Sau đó, mọi người cùng cười vang và nhảy ùa xuống sông để tắm gội. Họ dùng những cánh hoa tươi chà sát lên thân thể để tẩy rửa những ô uế, xấu xa của năm cũ và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới.

11. Ai Cập

Tại một số nơi ở Ai Cập, người ta cúng các loại hạt thu hoạch được như: đậu tương, đậu cove...
Tại một số nơi ở Ai Cập, người ta cúng các loại hạt thu hoạch được như: đậu tương, đậu cove...

Người Ai Cập lấy nước sông Nile dâng cao nhất làm ngày bắt đầu năm mới, gọi là "năm mới nước lên". Tại một số địa phương của Ai Cập, vào ngày tết dương lịch, thường phải cúng các loại hạt thu hoạch được như hạt đậu tương (đậu nành), đậu cô-ve, hạt linh lăng tím và lúa mì.... Ngoài ra còn có mầm cây tươi của một số loài thực khác để tượng trưng cho sự sung túc, dư giả. Người Ai Cập quan niệm, cúng thần linh càng nhiều lễ vật, mùa màng trong năm mới sẽ thu hoạch càng nhiều.

12. Ấn Độ

Ngày tết Dương lịch ở Ấn Độ gọi là "ngày tết đau khổ" hoặc gọi là "ngày tết cấm thực". Ngay ngày đầu tiên của năm mới, mọi người không được tức giận, càng không được phép nổi cáu, cãi cọ với người khác. Ở một số nơi, ngày tết không những không chúc phúc nhau mà còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm rằng, mỗi khi năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại mất đi, đời người càng thêm ngắn ngủi, tiếng khóc là để bày tỏ sự xót thương, than thở cho bản thân. Có nơi, người ta sẽ nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới. Thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh ngày đầu tiên của năm mới cho đến nửa đêm.

13. Pakistan

Trong ngày đầu tiên của năm mới, mỗi người Pakistan khi bước ra đường trên tay đều cầm bịch bột màu đỏ. Gặp người thân, bạn bè, sau khi đã chào hỏi, chúc mừng năm mới, mọi người liền quệt một vệt phấn đỏ trên trán người đối diện để thể hiện lời chúc năm mới như ý cát tường.

14. Afghanistan

Những người dân ở miền bắc Afghanistan, mỗi khi tết đến đều tổ chức cuộc thi săn dê núi rất náo nhiệt như một cách để chào mừng năm mới. Hai đội thi tranh nhau các con thú săn, cuộc đua tranh vô cùng cẳng thăng và kịch liệt nhưng cũng rất vui vẻ, hào hứng.

15. Brazil

Với người brazil, trong ngày tết dương lịch, mọi người tay cầm đuốc, lũ lượt trèo lên các ngọn núi cao. Họ tranh nhau tìm hái trái bu-lô vàng, một loại trái tượng trưng cho hạnh phúc. Chỉ có những người không ngại nguy hiểm, gian nan mới có thể tìm được loại quả quý hiếm này. Họ gọi đây là cuộc "tìm kiếm hạnh phúc". "Tục kéo lỗ tai" cũng là phong tục khá độc đáo trong ngày tết Dương lịch ở vùng nông thôn Brazil. Mọi người khi gặp nhau vào ngày tết liền nắm lấy vành tai của người đối diện và kéo mạnh một cái để bày tỏ sự chúc phúc.

16. Mexico

Tại một số vùng miền ở Mexico khi năm mới đến có tục lệ cấm cười. Người dân ở những vùng này chia một năm thành 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày. Trong ngày cuối cùng của năm, tất cả mọi người đều không được phép cười đùa.

17. Paraguay

Người Paraguay quy định năm ngày cuối cùng của năm là "ngày hàn thực". Trong năm ngày này, từ nguyên thủ quốc gia, đến mọi dân thường đều không được nhóm lửa, đốt lò, chỉ có thể ăn đồ nguội, thức ăn đã làm sẵn từ trước. Đến ngày tết Dương lịch 1/1 mới được phép nhóm lò nấu bếp để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.

18. Cuba

Ở Cuba vào đêm giao thừa, ở cửa sổ mỗi nhà, mọi người đều đổ nước đến 12 giờ đêm để lấy may mắn. Khi nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên tiếng đầu tiên, mọi người bắt đầu nuốt hạt nho, hết 12 tiếng chuông thì phải nuốt được 12 hạt nho. Làm được điều đó thì năm mới sẽ được thịnh vượng, phát tài.

19. Colombia

Đốt "Ngài năm cũ" là một phong tục có từ lâu đời của người Colombia, đòi hỏi sự tham gia của các thành viên trong gia đình. Mọi người cùng nhau làm một con búp bê đại diện cho năm cũ, họ sẽ nhét vào bên trong con búp bê những vật dụng không cần thiết và đốt nó vào đêm giao thừa. Phong tục này có ý nghĩa rũ bỏ những điều không vui, đón chào một năm mới hạnh phúc.

20. Canada

Ở Canada, người dân đón chào năm mới bằng cách xây tuyết xung quanh nhà. Theo quan niệm của họ điều ấy sẽ xua đuổi ma quỷ và năm mới sẽ được bình yên.

Ở bang British Columbia của Canada, người dân có phong tục đón tết kỳ lạ và nghe qua "lạnh cả người". Mọi người nơi đây sẽ mặc đồ tắm và nhảy xuống dòng nước lạnh như băng khi năm mới đến, mà vào thời gian này, Canada đang ở trong thời điểm lạnh nhất năm.

21. Mỹ

Củ cải

Ở các bang miền Nam nước Mỹ, vào lúc giao thừa, mọi người thường ăn thật nhiều củ cải và đậu mắt đen vì mỗi củ cải họ sẽ kiếm được 1000 đôla, còn với mỗi đậu mắt đen họ sẽ kiếm được 100 cent. Theo lời những người xưa thì để điều này linh nghiệm họ phải ăn tới 365 hạt.

Đối với những cặp đôi yêu nhau họ sẽ trao cho nhau nụ hôn vào đêm giao thừa. Đây là một phong tục cổ xưa của người Mỹ, họ làm vậy vì cho rằng điều đem đến may mắn và những điều tốt đẹp trong năm mới.

Ở Mỹ vào thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới, ở quảng trường Thời đại, họ sẽ hạ quả cầu pha lê và bắn hoa giấy.

22. Italia

Ở Italia có một phong tục thú vị xuất phát từ thời Trung Cổ. Người Italia cho rằng mặc đồ lót màu đỏ vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ đem lại may mắn trong cả năm.

Ở Italia, không một ai ra ngoài đường trong đêm giao thừa vì khi chuông đồng hồ đánh 12 tiếng, mọi người sẽ vứt hết đồ đạc cũ, hư hỏng ra ngoài đường phố. Sở dĩ có phong tục như thế vì người Italia cho rằng nếu vứt hết đồ đạc cũ thì sang năm mới mình sẽ có được những đồ vật mới.

23. Đan Mạch

Ném vỡ bát đĩa
Những người hàng xóm sẽ qua nhà nhau, đứng trước cửa nhà và ném bát đĩa.

Ở Đan Mạch có phong tục thú vị vào năm mới. Đó là những người hàng xóm sẽ qua nhà nhau, đứng trước cửa nhà và ném bát đĩa. Nhà nào càng có nhiều đĩa vỡ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới, và điều đó chứng minh họ có nhiều bạn thân.

Ở một số quốc gia, bát đĩa vỡ vào dịp năm mới là sự xui xẻo, nhưng với người dân Đan Mạch điều này mang một ý nghĩa trái ngược hẳn, nó mang lại những điều may mắn. Trong năm, những chiếc bát đĩa cũ không dùng nữa được mọi người giữ lại.

Đến giao thừa, họ sẽ qua nhà những người thân, những người hàng xóm yêu quý và ném bát đĩa vào nhà họ. Nhà nào càng có nhiều bát đĩa vỡ sẽ càng may mắn trong năm mới, và nếu bạn càng ném bát đĩa vào nhà ai nhiều bao nhiêu thì càng chứng tỏ mức độ thân thiết giữa bạn và gia chủ càng nhiều bấy nhiêu.

24. Hà lan

Vào ngày đầu tiên của năm mới, hàng chục nghìn người dân Hà Lan cũng như nhiều nước trên thế giới vẫn đổ về bất chấp cái giá lạnh thấu xương của vùng biển lạnh, đã lao xuống biển ngụp lặn. Sự “liều mình như chẳng có” này khiến người dân thế giới không khỏi thót tim mỗi khi có dịp chứng kiến. Tuy nhiên, với những người dân yêu thích phong tục này thì được lạnh cóng dưới biển chính là khao khát trong ngày đầu năm mới. Theo quan niệm của người dân nước này, càng lặn ở những giờ phút gần giao thừa người ta càng nhận được nhiều may mắn trong năm mới. Đất nước của những cối xay gió này có đến 60 bãi biển và vùng biển Scheveningen được nhiều người lui tới trong dịp năm mới nhất.

Bên cạnh đó, phong tục này không chỉ nhằm cầu mong may mắn cho bản thân trong năm mới mà người dân Hà Lan cũng như các nước khác trên thế giới còn hướng đến một hoạt động thiện nguyện đầy nhân văn khác đó là quyên góp tiền từ thiện cho những trẻ em nghèo.

Tại Hà Lan, ở những vùng biển có nhiều người đến bơi, lặn trong ngày đầu năm mới, chính quyền địa phương tổ chức bán vé. Để có thể được đứng trên bãi biển, mọi người đều phải mua vé với giá 3 euro. Dù là người tham gia bơi dưới dòng nước lạnh hay đơn giản chỉ đứng xem và chụp ảnh thì cũng đều phải mua vé. Và toàn bộ số tiền thu được này sẽ xung quỹ từ thiện.

25. Venezuela

Cũng giống như một số nước ở Châu Âu, người Venezuela có phong tục ăn 12 trái nho trong đêm giao thừa với mong muốn một năm mới đầy niềm vui, an lành. Trong thời khắc chuyển giao này, các gia đình của người Venezuela luôn quây quần bên nhau bên một bàn tiệc lớn với những món ăn truyền thống cùng chai rượu sâm banh.

Một trong những phong tục nữa của đất nước thuộc khu vực Nam Mỹ này nhân ngày năm mới là mọi người thường mặc đồ lót vàng, ngoài ra một số người còn thường ghi những điều mình mong muốn trong năm mới vào một phong thư và đốt đi. Họ tin rằng nếu làm vậy thì năm sau những ước mơ đó sẽ thực hiện được.

26. Châu Phi

Phong tục năm mới ở châu Phi

Kenya và Zimbabwe là hai quốc gia có lễ hội năm mới lớn nhất lục địa. Sự kiện âm nhạc Kilifi ở Kenya diễn ra tại thị trấn ven biển cùng tên, nằm giữa Mombasa và Malindi. Kéo dài từ 30/12 tới 2/1, hoạt động này diễn ra trên mảnh đất rộng khoảng 80.000 m2, dưới tán cây bao báp cổ thụ. Lễ hội quy tụ nhiều DJ, ca sĩ, với các gian hàng đồ ăn, nước uống đa dạng. Một tác phẩm điêu khắc sẽ được đốt để tượng trưng cho khởi đầu mới, với hy vọng về tương lai tươi sáng.

Cape Town là một nơi tuyệt vời để ăn mừng trong đêm giao thừa, với vô số bữa tiệc được tổ chức khắp thành phố. Tuy nhiên, nếu muốn hòa vào không khí sôi động hơn, hãy tìm tới Victoria & Alfred Waterfront. Hàng năm, khu tổ hợp V&A Waterfront này là nơi tổ chức lễ đón giao thừa lớn nhất ở Nam Phi, với một cuộc diễu hành và màn bắn pháo hoa hoành tráng. Du khách có thể tản bộ qua các quán bar, nghe nhạc sống và xem các buổi biểu diễn đường phố.

Nếu không hứng thú với tiệc tùng, du khách có thể đắm chìm vào những sự kiện ở các mảnh đất có quang cảnh ngoạn mục của châu Phi. Ở cực Nam châu lục, những người thích phiêu lưu mạo hiểm có thể leo lên đỉnh núi Lion Head ở Nam Phi để thưởng thức màn pháo hoa tại V&A Waterfront từ trên cao. Khung cảnh ánh sáng ở Cape Town dần bị hút vào màn đêm đen tối của vịnh Table sẽ là một khởi đầu năm mới khó quên.

27. Australia

Phong tục đón năm mới ở Australia

Australia là một trong những nơi đón giao thừa sớm nhất thế giới. Đêm giao thừa ở các nước khác đồng nghĩa với mùa đông, lò sưởi, ngỗng quay, áo len ấm áp và rượu champagne. Còn đêm giao thừa tại Australia là thời tiết gần 40 độ C. Vì thế, mọi người thường đi dã ngoại, cắm trại trên biển, ăn mừng ngoài trời trong trang phục mùa hè. Trong đêm giao thừa, mọi người vui vẻ náo nức và làm huyên náo đường phố bằng đủ loại âm thanh. Các hoạt động dã ngoại, đua thuyền, đua ngựa hay đi săn rất được ưa thích trong dịp năm mới.

Tất nhiên không thể thiếu được pháo hoa trong đêm giao thừa. Thời khắc đồng hồ điểm 0h cũng chính là lúc bắt đầu dạ tiệc ánh sáng. Cầu cảng Sydney trở thành trung tâm đón giao thừa của thế giới với những màn pháo hoa rực rỡ được truyền đi cho hàng tỷ người xem trên khắp thế giới.

Cầu Cảng Sydney bừng sáng trong màn pháo hoa rực rỡ được truyền đi cho hàng tỉ người xem trên khắp thế giới. Những màn trình diễn pháo hoa tại đây luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng với hàng tấn pháo hoa được sử dụng.

28. Năm mới của người Hồi giáo

Nếu so với các nước đón Tết dương lịch trên thế giới thì có lẽ người Hồi giáo thực sự khác biệt, họ có cách đón năm mới rất riêng. Lễ hội Hồi giáo diễn ra quanh năm nhưng Tết thì không. Tết Hồi giáo được xem là thời khắc thiêng liêng thứ hai sau tháng ăn chay. Đây là dịp để người Hồi giáo đi sâu vào nội tâm.

Cũng vì lẽ này mà năm mới người Hồi giáo diễn ra một cách tĩnh lặng, họ chiêm nghiệm về giá trị đích thực của cuộc sống. Trong những ngày đầu năm mới, đi nhà thờ để hướng thiện và sum họp gia đình là hai yếu tố không thể thiếu.

Tránh xa cám dỗ, mở rộng lòng từ bi là những giá trị được người Hồi giáo đề cao và nhấn mạnh trong dịp năm mới.

Cập nhật: 30/12/2023 Tổng Hợp
  • 411
  • 23.129