Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái, tính đến 15 giờ ngày 30/7, mưa lũ đã làm một người chết và 3 người bị thương ở huyện Văn Yên.
>>> Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ
Nạn nhân bị lũ cuốn trôi là chị Quách Thùy Dung, sinh năm 1980, người huyện Văn Chấn, hiện tạm trú ở tại thôn 7, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên; ba người bị thương đều ở xã An Thịnh (huyện Văn Yên).
Mưa lũ cũng làm thiệt hại 98 nhà của người dân trong tỉnh. Cụ thể làm sập đổ hoàn toàn 2 nhà; nhà bị tốc mái 6 nhà; nhà bị ngập nước 67 nhà; nhà bị sạt lở đất là 23 nhà. Gần 740ha lúa, 21,4ha ngô và hàng trăm ao cá cũng bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra.
Thiệt hại về hoa màu nặng nhất là ở huyện Trấn Yên với 501,5 ha lúa; huyện Văn Yên thiệt hại 96,5 ha lúa, 21,4 ngô; thành phố Yên Bái bị ngập úng hơn 139ha…
Một số thiệt hại khác được thống kê như nhiều công trình cầu tạm, ngầm tràn bị phá hủy; sạt lở taluy diễn ra ở nhiều nơi; Quốc lộ 32 khu vực đèo Khau Phạ thường xuyên xảy ra nhiều điểm sạt lở và gây ắc tắc giao thông như tại Km 266+810, Km 265+ 530, Km 231+710 thuộc địa phận huyện Mù Cang Chải với lượng đất đá khoảng trên 5.000m3 đã gây tắc đường nghiêm trọng.
Đến 14 giờ ngày 30/7, các điểm sạt lở trên mới được khắc phục tạm thời để đảm bảo giao thông thông suốt.
Trên đường tỉnh lộ 166, tại Km21+700 đến Km 25+100 thuộc xã Quy Mông và xã Đông An (huyện Trấn Yên), nước dâng cao làm ngập sâu 1,5m gây tắc đường. Tỉnh lộ 162 (Yên Bái-Khe Sang) đoạn thôn 1 xã Đào Thịnh ngập sâu 1,2m, dài 400m gây tắc đường. Đường từ xã Hưng Khánh-Hồng Ca (thuộc địa bàn huyện Trấn Yên) sạt lở taluy dương với khối lượng 300m3 gây tắc đường… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ đồng.
Theo thống kê của Trung tâm Khí tượng thủy văn Yên Bái, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp phát triển từ mặt đất đến độ cao 5000m nên các khu vực trong những ngày qua (từ 27-30/7) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa vừa, mưa to và dông. Tổng lượng mưa đo được trong ba ngày qua tại nhiều trạm đều đạt trên 100mm, nhiều trạm đo được lượng mưa lên đến hơn 300mm như ở trạm Ngòi Thia, trạm Nghĩa Lộ…
Hiên tại, mực nước trên sông Hồng ở Yên Bái và phụ lưu nước đang tiếp tục lên. Mực nước thực đo lúc 15 ngày 30/7 tại Yên Bái là 32,12m, trên báo động III là 0,12m. Theo nhận định của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, thời gian tới, trên địa bàn tiếp tục có mưa to. Mực nước trên sông Hồng tiếp tục lên, và khả năng đạt đỉnh và trên mức báo động III là 0,60m.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa để chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho nhân dân và thống kê chính xác, cụ thể về tình hình thiệt hại.
Ngày 30/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã có công điện khẩn gửi các địa phương và các sở, ngành liên quan về việc đối phó với mưa, lũ trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Công điện nêu rõ, các địa phương phải khẩn trương triển khai khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tổng hợp thống kê thiệt hại, hỗ trợ ban đầu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị, thành phố phải thường xuyên đôn đốc chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ kịp thời.
Nghiêm cấm nhân dân vớt củi trên sông, suối khi đang có lũ; nghiêm cấm các bến đò ngang trở khách qua sông; bố trí lực lượng cảnh giới ở các đoạn đường bị ngập, ngầm tràn; tổ chức lực lượng sơ tán các hộ dân nằm trong khu vực có khả năng bị sạt lở đất, ngập úng, lũ quét đến nơi an toàn; các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ để chủ động phòng, tránh, khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; liên tục thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại và báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.