Nguồn gốc của cảm giác sợ hãi

  •   4,76
  • 24.994

Cảm giác sợ hãi xảy ra rất thường xuyên ở con người, song nguồn gốc của cảm giác sợ hãi bắt nguồn từ đâu? Đó là điều giới khoa học đã mất nhiều năm nghiên cứu về hoạt động của não bộ để tìm ra đáp án.

Nghiên cứu mới đây của TS.Adam Perkins – nhà khoa học chuyên ngành thần kinh học tại bệnh viện Maudsley – London - Anh đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra sự liên quan khi xuất hiện cảm giác sợ hãi với hoạt động của não bộ bằng cách kết hợp quét cộng hưởng từ trường MRI tại vùng não được xác định là nơi kiểm soát sự lo lắng, cảm xúc, tâm trạng của con người.

Phát hiện vùng não tạo cảm giác sợ hãi

Sau 9 tháng tiến hành nghiên cứu trên một nhóm những người tình nguyện, trong đó, chính TS. Perkins cũng tự mình tham gia thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của Perkins đã đi đến kết luận: trong não bộ có tồn tại một khu vực não được coi là trung tâm của nỗi lo lắng, sợ hãi. Vùng não này nằm ngay trong vùng não trung tâm – hippocampus, bên trong thuỳ thái dương và chính là vùng não có liên quan đến khả năng kiểm soát trí nhớ cũng như khả năng nhận thức của con người. Theo dõi trên màn hình kết quả quét cộng hưởng từ trường cho thấy: bất cứ khi nào, cảm giác sợ hãi xuất hiện, vùng não trung tâm hippocampus lại hoạt động và biểu hiện trên hình ảnh là các vùng phát sáng giống như một đám pháo hoa.

Thông thường, khi cảm giác lo lắng, sợ hãi xuất hiện, con người có xu hướng trở nên “cứng đờ” cơ thể. Đó cũng chính là hiện tượng xuất hiện khi chúng ta phải đối mặt với các nhiệm vụ khó khăn. Khoa học gọi hiện tượng này là sự ức chế hành xử (behavioural inhibition) do một vùng thuộc não bộ điều khiển. Điều này lý giải cho việc tại sao một số người trở nên bị “đơ người” khi sợ hãi hoặc khi đối mặt với một nguy hiểm đang hiện hữu, trong khi đó một số khác lại vẫn có khả năng giữ được bình tĩnh để đối mặt với mối đe doạ và xử lý được nó.


Cảm giác sợ hãi bắt nguồn từ não bộ.

Lo lắng, sợ hãi là một hiện tượng vô cùng phức tạp và rất khó hiểu. Cho tới ngày nay, chúng ta vẫn cho rằng cảm giác lo lắng xuất hiện như một biểu hiện tất yếu, một trạng thái tự nhiên của cơ thể, song sự thực là chỉ khi xảy ra hoạt động tích cực ở vùng não kiểm soát trạng thái này, nỗi lo lắng sợ hãi mới diễn ra. Điều này cũng có nghĩa là chỉ cần tác động nhân tạo khiến cho vùng não kiểm soát sự lo lắng hoạt động thì cũng có thể khiến cho một người rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi. Ngược lại, nếu muốn chấm dứt cảm giác sợ hãi của một người, đơn giản chỉ cần tác động ức chế hoạt động tại vùng não ấy.

Trong thí nghiệm của mình, TS. Perkins đặt ra yêu cầu là phải khiến cho người tham gia thử nghiệm rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi bằng các tình huống thực tế. Đồng thời với việc diễn ra trạng thái này, máy quét cộng hưởng từ trường fMRI hoạt động ghi lại không chỉ cấu trúc của não bộ, mà còn ghi lại các phản ứng của não và các tế bào thần kinh trong não.

Những phát hiện thú vị về trạng thái lo lắng

Nghiên cứu của TS. Perkins không chỉ làm rõ nguồn gốc trạng thái lo lắng, sợ hãi của người bệnh, mà còn đem lại một phát hiện mới mẻ, thú vị. đó là những người thuận tay phải có xu hướng dễ trở nên lo lắng, sợ hãi hơn những người thuận tay trái; phụ nữ nhìn chung có xu hướng xuất hiện trạng thái sợ hãi nhiều hơn và mức độ trầm trọng hơn nam giới. Theo TS. Perkins, phụ nữ dễ bị cảm giác lo lắng, sợ hãi bởi những đe doạ không chỉ về mặt thể chất mà còn bởi những ám ảnh hay tưởng tượng khác, chẳng hạn như: nỗi sợ đám đông, sợ sự mạo hiểm, sợ bóng tối… Ngoài ra, thì những người đàn ông có lối sống phóng túng thường là những người ít có biểu hiện lo lắng sợ hãi nhất. Và theo kết quả một điều tra xã hội, thì những người già có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi trạng thái lo lắng và sợ hãi hơn so với những người trẻ tuổi.

Và một điều đặc biệt nữa là: trái với suy nghĩ của nhiều người rằng, cảm giác sợ hãi, lo lắng là không tốt cho sức khoẻ, kết quả nghiên cứu của TS. Perkins lại cho thấy: một chút cảm giác sợ hãi đôi khi lại là rất tốt. Trạng thái này khiến cho mọi người trở nên thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định, làm giảm sự hấp tấp, vội vàng vốn là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong công việc. Một thử nghiệm với các trò game tạo cảm giác mạnh đã được tiến hành. Những người chơi với tâm lý thận trọng, đề phòng luôn đạt được số điểm cao hơn những người chơi khác. Trong cuộc sống, điều này cũng diễn ra tương tự, những người liều lĩnh, ưa mạo hiểm nói cách khác là những người không biết sợ đôi khi lại làm hỏng việc nhiều hơn.


Hình ảnh hoạt động của vùng não bộ kiểm soát sự sợ hãi của con người được máy quét cộng hưởng từ trường ghi lại.

Mở ra những ứng dụng

Kết quả nghiên cứu trên đây của các nhà khoa học giúp mở ra hướng đi mới và những ứng dụng mới trong tương lai. Các thí nghiệm thực tế đã mang lại câu trả lời cho một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều năm qua về nguồn gốc và bản chất của cảm giác sợ hãi, cũng như mối liên quan của trạng thái cảm giác này với hoạt động của não bộ con người.

Và nếu như kết quả từ các hình ảnh quét não có thể được phân tích làm rõ, kết hợp với các dữ liệu thu được trực tiếp từ việc đặt ra các câu hỏi cho người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn toàn có thể xác định được mức độ sợ hãi của mỗi người. Điều này mở ra hi vọng phát triển các phương pháp trị liệu hoặc các loại thuốc mới giúp điều trị các dạng khủng hoảng thần kinh và căng thẳng do sợ hãi và lo lắng mang lại.

Danh sách các hội chứng sợ hãi ở người

Các hội chứng sợ hãi ở người





Các hội chứng sợ hãi ở người

Sợ hay sợ hãi là cảm xúc tiêu cực xuất hiện từ việc nhận thức các mối đe dọa. Đây là một cơ chế tồn tại cơ bản xảy ra trong phản ứng với một kích thích cụ thể, chẳng hạn như đau hoặc đe dọa nguy hiểm đe dọa. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại.

Cách vượt qua nỗi sợ hãi

  • Dù nỗi sợ của bạn là gì, hãy học cách thừa nhận, đối mặt và làm chủ nỗi sợ hãi để không gì có thể ngăn cản bước chân bạn trong cuộc sống.
  • Cân nhắc gặp tư vấn viên nếu nỗi sợ hãi bắt đầu xâm lấn cuộc sống của bạn. Một chuyên gia được đào tạo có thể giúp bạn tìm ra căn nguyên của nỗi sợ hãi và đưa ra giải pháp.
  • Dùng sự tưởng tượng của bạn để giữ bình tĩnh, không phải để tự làm mình sợ hãi.
  • Đừng để động lực suy giảm. Bạn cần có một động lực nhất định để đương đầu với nỗi sợ hãi. Nếu bị nhụt chí, bạn sẽ rất dễ quyết định từ bỏ. Hãy quyết đoán và kiên trì ngay cả khi tưởng như không thể.
  • Không bao giờ làm điều gì quá nguy hiểm với mục đích đối mặt với nỗi sợ hãi. Hãy chắc chắn bạn được an toàn khi đối mặt với nỗi sợ hãi.
Cập nhật: 07/09/2020 Theo SKĐS/wiki/wikihow
  • 4,76
  • 24.994