Khám phá bí ẩn phía sau hồ tự nhiên tròn nhất thế giới

  •  
  • 1.252

Hồ Kingsley trở nên đặc biệt bởi hình dạng tròn bất thường của nó.

Nói đến hồ, chúng ta nghĩ ngay tới các hồ nước với đầy đủ hình dạng và kích cỡ. Thế nhưng hồ Kingsley ở Hạt Clay, Florida, Mỹ lại phá vỡ những quy tắc căn bản của tự nhiên, khi tròn tới mức bất thường.

Hồ Kingsley phá vỡ những quy tắc căn bản của tự nhiên, khi sở hữu hình tròn bất thường.
Hồ Kingsley phá vỡ những quy tắc căn bản của tự nhiên, khi sở hữu hình tròn bất thường. (Ảnh: Getty).

Sự hoàn hảo tới bất thường

Theo Earth, khi nói đến độ tròn, bạn sẽ không thể tìm thấy vùng nước tự nhiên nào tròn hơn Hồ Kingsley.

Các tài liệu mô tả hồ Kingsley có đường kính xấp xỉ 3,2 km, diện tích bề mặt khoảng 810 ha. Đây được xem là hồ sâu nhất và lâu đời nhất ở phía bắc Florida.

Ngoài ra, độ cao 53,7 mét so với mực nước biển cũng giúp hồ Kingsley trở thành một trong những hồ cao nhất ở Florida.

Hồ Kingsley trên bản đồ Google Maps.
Hồ Kingsley trên bản đồ Google Maps. (Ảnh: Google).

Nhiều người cho rằng để có được hình tròn như vậy, hồ Kingsley có thể đã được chỉnh sửa cấu trúc ban đầu. Tuy nhiên trên thực tế, hồ này hoàn toàn không chịu sự tác động của con người.

Xuyên suốt lịch sử, hồ Kingsley là một vùng nước hoàn toàn tự nhiên. Có giả thuyết, hồ đã được hình thành như một dạng hố sụt. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng hồ có thể là kết quả của một dạng hiện tượng địa chất phổ biến hơn.

Dù được hình thành theo cách nào, những điều kỳ lạ vẫn luôn được gắn liền với hồ Kingsley. Bên cạnh hình tròn gần như tuyệt đối, hồ còn có mực nước gần như không đổi trong suốt hàng thế kỷ.

Đây được xem là điều vô cùng bất thường đối với khu vực Florida, vốn có lượng mưa luôn dao động đáng kể tại các mùa trong năm.

Theo một tài liệu được ghi chép vào năm 2014, có khoảng 50 hồ nước tại khu vực Bắc Florida, và đa số đều có mực nước dao động trung bình khoảng 6 mét trong 1 năm. Duy nhất có hồ Kingsley chỉ dao động tối đa 1 mét kể từ khi được theo dõi vào năm 1945.

Theo Cục Khảo sát Địa chất bang Florida, sở dĩ hồ Kingsley có mực nước gần như không đổi là bởi hồ sở hữu hệ thống thoát nước hiệu quả trên bề mặt. Hệ thống này có thể dễ dàng giúp chuyển lượng nước lũ dư thừa từ hồ đến các khu vực xung quanh.

Ngoài ra, việc sở hữu nhiều vùng nước nông khiến cho việc bổ sung nước hồ trở nên thuận tiện, tạo nên sự cân bằng gần như tuyệt đối giữa lượng nước thu được và mất đi của hồ.

Nhiều thách thức để duy trì chất lượng nước hồ

Rác thải là vấn đề nghiêm trọng
Rác thải là vấn đề nghiêm trọng, có thể tác động tiêu cực đến chất lượng nước và hệ sinh thái tại hồ Kingsley. (Ảnh: Getty).

Được xem là một kỳ quan của địa chất và lịch sử, hồ Kingsley là một phần quan trọng trong cảnh quan của Florida trong gần 2 thế kỷ kể từ khi nó được hình thành. Hồ cũng đã gắn liền với đời sống của người dân bản địa từ cách đây hàng trăm năm, dẫu ban đầu chỉ được thiết kế như một nguồn cung cấp nước cho khu dân cư.

Tuy nhiên giờ đây, hồ Kingsley dần chuyển mình để trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, khi luôn gắn liền với các hoạt động như bơi lội, bãi tắm, chèo thuyền, câu cá, tổ chức tiệc... Ước tính mỗi năm, hồ Kingsley thu hút trung bình 120.000 khách du lịch.

Điều này đã khiến hồ đối mặt nguy cơ bị giảm chất lượng nước và hệ sinh thái nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm chất thải. Một lượng đáng báo động các vật liệu không thể phân hủy như lon nhôm, nhựa, thủy tinh... đã khiến Hiệp hội chủ sở hữu tài sản hồ Kingsley lên tiếng cảnh báo vào năm 2015.


Các cơ quan của tiểu bang và liên bang đang nỗ lực bảo tồn hồ Kingsley thông qua các chương trình nghiên cứu và giám sát khoa học. (Ảnh: Scitechdaily).

Sự tác động này là vô cùng lớn, do hồ Kingsley từ đầu đã được phân loại là loại hồ ít dinh dưỡng do thành phần nước trong, đáy cát và sản lượng thực/động vật rất thấp. Một thống kê cho thấy có khoảng 20% hồ nước ở Florida thuộc loại này.

Hồ Kingsley hiện là nơi cung cấp môi trường sống cho những loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa, điển hình như đại bàng hói, rắn chàm, gấu đen Florida... Tuy nhiên, thực vật và động vật xâm lấn có thể vượt qua các loài bản địa để chiếm lấy tài nguyên.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học và có khả năng gây ra thiệt hại không thể đảo ngược đối với môi trường tại khu vực.

Bên cạnh đó, phân bón từ đất nông nghiệp và nước mưa mang theo các chất ô nhiễm từ khu vực đô thị đang đóng vai trò dẫn đến suy giảm chất lượng nước.

Điều này có thể gây hại cho động thực vật thủy sinh và phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Thậm chí, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người đến thăm hồ.

Cập nhật: 11/06/2023 Dân Trí
  • 1.252