Lý giải nguyên nhân một số người hắt hơi khi nhìn thẳng vào mặt trời

  •  
  • 2.057

Bỗng dưng hắt hơi không thể kiểm soát khi bước ra ngoài trời từ một không gian tối (rạp chiếu phim, phòng kín,...), bạn đừng nên quá lo lắng. Bởi vì có khoảng 25 - 30% dân số thế giới cũng gặp tình trạng tương tự, và các nhà khoa học đặt cho nó một cái tên, gọi là: phản xạ hắt hơi ánh sáng.

Tại sao nhìn thẳng vào mặt trời khiến một số người hắt hơi?

Mặc dù nhận thấy điều kỳ lạ này từ rất lâu, tuy nhiên các chuyên gia chỉ mới phát hiện cơ chế hoạt động của phản xạ hắt hơi trong thời gian gần đây.

Lý giải nguyên nhân một số người hắt hơi khi nhìn thẳng vào mặt trời

Những giả thiết ban đầu

Nhà triết học Hy Lạp vĩ đại Aristotle vào năm 350 trước Công nguyên có đặt một câu hỏi trong chương đầu tiên của quyển The Book of Problems: "Tại sao sức nóng của mặt trời gây hắt hơi?". Đây được xem là minh chứng đầu tiên cho sự phát hiện của hiện tượng “phản xạ hắt hơi ánh sáng”. Vào thời điểm đó, Aristotle đưa ra giả thuyết rằng sức nóng của mặt trời đã tạo ra độ ẩm, mồ hôi bên trong mũi và miệng do đó tiết ra nhiều hơn. Để thoát khỏi sự ẩm ướt này, cơ thể buộc chúng ta phải hắt hơi.

Mãi sang thế kỷ 17, nhà triết học và cũng là nhà khoa học nổi tiếng - Francis Bacon, cũng bắt tay vào việc tìm kiếm những bí ẩn xung quanh phản xạ hắt hơi của con người. Ông đã chứng minh lý thuyết mà Aristotle đưa ra là không chính xác, bằng cách nhìn vào mặt trời với đôi mắt nhắm chặt. Kết quả là không hề có một cái hắt hơi nào được thực hiện. Do đó, ông cho rằng nhìn vào mặt trời khiến người ta chảy nước mắt, nước mắt sau đó chảy vào mũi và gây hắt hơi.

Tuy nhiên sau đó, các nhà khoa học cũng không đồng tình với quan điểm này, đơn giản là vì hắt hơi xảy ra quá nhanh sau khi tiếp xúc với ánh sáng. Và việc chảy nước mắt phải mất một khoảng thời gian nhất định mới có thể diễn ra.

Bí ẩn dần được đưa ra ánh sáng

Lý giải nguyên nhân một số người hắt hơi khi nhìn thẳng vào mặt trời

Vào năm 1964, một nghiên cứu mới mang lại kết quả vô cùng khả quan, qua việc chứng minh phản xạ hắt hơi do mặt trời thực chất là một đặc điểm di truyền. Nếu cha hoặc mẹ gặp tình trạng này, thì xác suất con cái của họ cũng sẽ có những biểu hiện của phản xạ hắt hơi ánh sáng là 50%.

Năm 1978, tiến sĩ Roberta Pagon và các đồng nghiệp của mình đã có một bước tiến xa hơn trong công cuộc đi tìm câu trả lời của hiện tượng đặc biệt trên.

Trong thời gian tham dự một hội thảo về dị tật bẩm sinh, vấn đề phản xạ hắt hơi ánh sáng được đặt ra. Sau một cuộc khảo sát nhanh, 4 trong số 10 bác sĩ trong cuộc thảo luận cho biết họ và gia đình mình rất dễ bị hắt hơi khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Không những vậy, việc hắt hơi liên tiếp nhiều cái có sự trùng lập ở mỗi thành viên trong gia đình, nhưng lại khác nhau ở những gia đình khác. Mô tả điều này, tiến sĩ Pagon nói: "Một người nói hầu hết những người trong gia đình họ hắt hơi liên tục 5 lần, với gia đình tôi thì 3 lần, và một người khác lại chỉ có 1 lần".

Đây được xem là manh mối quan trọng để đưa đến kết luận cuối cùng. Sau quá trình cùng nhau nghiên cứu, các nhà khoa học đã có thể xác định chính xác tên của hiện tượng hóc búa này: Hội chứng ACHOO.

Hội chứng ACHOO

Vậy điều gì xảy ra trong cơ thể đã dẫn đến triệu chứng kỳ lạ này? Năm 2010 một nghiên cứu được thực hiện bởi giáo sư Nicholas Langer thuộc trường Đại học Zurich (Thụy Sĩ), đã cố gắng giải mã AHCOO bằng cách kiểm tra phản ứng não của những người hắt hơi do ánh sáng mặt trời và những người không mắc hội chứng đó.

Lý giải nguyên nhân một số người hắt hơi khi nhìn thẳng vào mặt trời.
Dây thần kinh sinh ba sẽ gửi tín hiệu về não khi mũi bị kích thích.

Nhờ máy đo điện não đồ, tiến sĩ Langer đã đưa ra kết quả khá ngạc nhiên: "phản xạ hắt hơi ánh sáng hoàn toàn không giống như các phản xạ thông thường, vốn chỉ xảy ra ở cuống não hoặc tủy sống. Nó dường còn như liên quan đến các khu vực vỏ não khác”. Với những gì quan sát được từ máy điện não đồ EEG, ông đã đưa ra 2 giả thiết tại sao hắt hơi do ánh sáng mặt trời lại xảy ra.

Giả thiết thứ nhất: hệ thống thị giác trong não của những người gặp hội chứng AHCOO nhạy cảm hơn rất nhiều so với người thường. Ánh sáng quá nhiều khiến các bộ phận khác của não trở nên hoảng loạn, bao gồm cả hệ thống somatosensory, được biết đến với chức năng điều khiển sự hắt hơi. Ngoài ra, một giả thiết khác của ông hơi phức tạp hơn, nhưng lại khá gần với quan niệm của Aristotle và Bacon.

Theo tiến sĩ Langer, một cái hắt hơi do ánh sáng cũng được hình hành khi mũi chúng ta bị kích thích bởi một nguyên nhân nào đó. Dây thần kinh sọ số V (dây tam thoa, dây sinh ba) chịu trách nhiệm điều khiển cơ thể khi gặp kích thích này. Khi gặp ánh sáng mặt trời, dây thần kinh sinh ba (nằm bên cạnh dây thần kinh thị giác) sẽ gửi thông tin hình ảnh từ võng mạc đến não.

Do đó, nếu đột ngột ánh nắng soi thẳng vào mắt chúng ta, võng mạc bất ngờ bị chiếu một lượng ánh sáng cao, dây thần kinh thị giác sẽ gửi tín hiệu đến não bộ để ra lệnh cho đồng tử thu hẹp lại. Trên lý thuyết, tín hiệu này có thể được cảm nhận bởi dây thần kinh sinh ba, não khi đó nhầm lẫn là mũi bị kích thích, và kết quả là một (hoặc nhiều) cái hắt hơi được tạo thành. Tính đến thời điểm hiện tại, 2 quan điểm mà Nicholas Langer đưa ra được cộng đồng khoa học chấp nhận nhiều nhất.

Theo Tinh Tế
  • 2.057