Nam giới dễ mắc bệnh mạch vành hơn phái nữ

  •  
  • 294

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Tim mạch VN, có tới 16,3% dân số miền Bắc bị bệnh về tim mạch, trong đó đứng đầu là bệnh mạch vành. Trên cả nước, hằng năm có đến hàng triệu người bị bệnh mạch vành và khoảng 10% trong số bệnh nhân này tử vong do nhồi máu cơ tim.  

Bệnh tim mạch là đe dọa sức khoẻ lớn nhất đối với cánh đàn ông hiện nay
Bệnh tim mạch là đe dọa sức khoẻ lớn nhất đối với cánh đàn ông hiện nay. Nó chịu trách nhiệm về cái chết của gần 345.000 đàn ông trong năm 2000 (theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ)
Bác sĩ Trần Thị Khuê Vy, Khoa tim mạch Bệnh viện FV cho biết thêm, bệnh mạch vành thường có đến 90-95% liên quan đến quá trình xơ vữa động mạch, làm lắng đọng cholesterol trong thành mạch, gây ra nhiều biến chứng khác nhau (nhẹ là thiếu máu cơ tim mãn, nặng là nhồi máu cơ tim cấp).

Thông thường ở nam giới, tỉ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới, chỉ khi sau độ tuổi mãn kinh thì số lượng nữ giới mắc bệnh này mới ngang bằng nam giới.  

Cũng theo bác sĩ Vy, các nguy cơ thường dẫn đến bệnh mạch vành chính là béo phì, không hoạt động thể lực, hút thuốc lá, tiền cao huyết áp và đái tháo đường...

Về biểu hiện, mặc dù đôi lúc không có biểu hiện trên lâm sàng nhưng triệu chứng khi mắc bệnh mạch vành thường là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực điển hình thường ở vùng sau xương ức hay vùng trước tim với cảm giác đè nặng hay như có một sức ép lan lên cổ, vai trái và xuống cánh tay, kéo dài khoảng 2-5 phút. Đôi khi đau ngực kèm thở nhanh, báo hiệu bị nhồi máu cơ tim.  

Hiện nay ngành y đã tìm ra nhiều hướng để điều trị bệnh tim mạch, còn tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhưng cách tốt nhất theo bác sĩ Vy là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nghĩa là bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống, phòng tránh các yếu tố nguy cơ như thay đổi các thói quen không tốt để bắt đầu một cuộc sống điều độ, tập thể dục, chơi thể thao, không hút thuốc, chế độ ăn cử mỡ, tránh ăn mặn…

Riêng những người bị bệnh động mạch vành nặng (nhồi máu cơ tim cấp), cần phải được phẫu thuật hoặc nong động mạch vành. Trong mọi trường hợp, một khi bị bệnh động mạch vành, việc điều trị phải kéo dài, có khi cả đời và tốn nhiều chi phí.

Ngoài ra, để tránh tình trạng bệnh động mạch vành nặng, bệnh nhân mới phát hiện nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát huyết áp (đo huyết áp ít nhất mỗi năm một lần) và không hút thuốc, duy trì cân nặng ở mức cho phép (không để thừa cân hoặc béo phì) và không nên để cơ thể bị stress.

Theo VietNamNet, TTO
  • 294