Nên làm gì khi mệt mỏi, chóng mặt kéo dài sau khi xuống tàu xe?

  •  
  • 172

Không chỉ say xe khi di chuyển, rất nhiều người còn gặp phải tình rạng chóng mặt, mệt mỏi ngay khi đã xuống xe.

Say tàu xe là một phản ứng bình thường của cơ thể. Thông thường, mọi người sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, đổ mồ hôi hoặc tái nhợt khi đi trên xe. Nhưng nhiều người bị say xe quá mức, họ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt đến 1-2 ngày sau khi đã xuống tàu xe.

1. Tìm hiểu về chứng say tàu xe

Chứng say tàu xe xảy ra khi não bạn không thể hiểu được thông tin được gửi từ mắt, tai và cơ thể. Chuyển động nhiều trên ô tô, máy bay, thuyền có thể khiến bạn cảm thấy buồn nôn, nôn, ớn lạnh, đau đầu hoặc đau bụng.

Say tàu xe có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng một số người có nhiều khả năng bị say tàu xe hơn như:

  • Phụ nữ
  • Trẻ em từ 2 đến 12 tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị chứng đau nửa đầu
  • Rối loạn trong tai

Phụ nữ thường dễ bị say xe hơn
Phụ nữ thường dễ bị say xe hơn. (Ảnh: Internet).

2. Mệt mỏi, chóng mặt sau khi xuống tàu xe nên làm gì?

Hầu hết những người bị say tàu xe đều cảm thấy các triệu chứng biến mất ngay sau khi xuống xe hoặc 1-2 tiếng sau đó. Tuy nhiên, có những người mặc dù đã xuống xe và trở về nhà, nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài, chẳng hạn như mệt mỏi, chóng mặt.

Tại sao đã xuống xe vẫn còn cảm giác say xe?

Điều này xảy ra có thể do cơ thể vẫn đang cố gắng điều chỉnh sau khi đã tiếp xúc với sự chuyển động liên tục. Ngoài ra, các cảm giác mâu thuẫn giữa những gì mắt nhìn thấy và cảm giác về chuyển động từ tai trong vẫn còn đọng lại, thường gọi là "hiệu ứng hậu chuyển động".

Hay đôi khi tình trạng này diễn ra cũng có thể do tâm lý sợ những chuyến xe tiếp theo và nghĩ đến chúng cũng như kiệt sức sau khi nôn ói quá nhiều.

Trong một số ít trường hợp, những người cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi sau khi xuống tàu xe có thể liên quan đến bệnh lý như thuyên tắc mạch máu não do cục máu đông (thường là các chuyến đi dài trên 8 tiếng), mất kiểm soát huyết áp (bệnh nhân tăng huyết áp), mất kiểm soát đường huyết (bệnh nhân đái tháo đường), rối loạn điện giải do nôn ói quá nhiều, bị đau nửa đầu.

Làm thế nào để khắc phục cảm giác say xe mặc dù đã xuống xe?

Đối với những người vẫn còn cảm giác say xe không liên quan đến bệnh lý, việc nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý sẽ giúp hồi phục sức khoẻ một cách nhanh chóng như:

  • Nghỉ ngơi ngay sau đó trong phòng ngủ thoáng mát, không có ánh sáng chói, yên tĩnh, không có mùi hương mạnh, chẳng hạn như nước xả quá đậm đặc.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể, bạn có thể uống nước ấm, nước ép hoa quả nhưng nên tránh cà phê hoặc trà có chứa caffein - loại đồ uống này có thể khiến bạn mất nước và làm triệu chứng trầm trọng hơn.
  • Ăn một bữa ăn nhẹ để lấy lại sức như ăn một bát cháo hoặc các thực phẩm dễ tiêu như bánh quy giòn và bổ sung thêm một chút trái cây như chuối.
  • Nếu sau khi xuống xe vẫn cảm thấy buồn nôn thì bạn có thể uống một ly nước trà gừng ấm
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột
  • Hít thở sâu và thư giãn cơ thể có thể làm giảm cảm giác khó chịu.

Đối với những trường hợp mệt mỏi, chóng mặt sau khi xuống xe liên quan đến bệnh lý thì bên cạnh những biện pháp nghỉ ngơi và ăn uống trên, mọi người cần sử dụng thuốc - điều này cần có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.

Nghỉ ngơi, uống đủ nước và ăn nhẹ sẽ giúp lấy lại sức sau khi bị say xe
Nghỉ ngơi, uống đủ nước và ăn nhẹ sẽ giúp lấy lại sức sau khi bị say xe. (Ảnh: Internet).

3. Cách phòng ngừa mệt mỏi, chóng mặt sau khi xuống tàu xe

Mệt mỏi và chóng mặt sau khi xuống tàu xe đều do bạn bị say xe trước đó. Vì vậy, để phòng ngừa tình trạng này, bạn nên có những biện pháp giảm chứng say tàu xe của mình.

Một số biện pháp giúp giảm chứng say tàu xe bao gồm:

  • Trước khi đi tàu xe bạn nên uống đủ nước. Chọn thực phẩm ít béo, nhạt, nhiều tinh bột. Tránh các bữa ăn nặng và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay hoặc axit - vì chúng có thể gây khó chịu cho dạ dày và đem lại cảm giác khó chịu, buồn nôn.
  • Hít thở mùi hương từ bạc hà, gừng, quýt hoặc hoa oải hương nhẹ nhàng. Đôi khi bạn bị say xe do mùi của tàu xe, vì vậy khi nên xe hãy đeo khẩu trang và tránh những thứ có mùi hương mạnh.
  • Ngậm kẹo cứng làm từ bạc hà hoặc gừng để giảm cảm giác buồn nôn
  • Trên xe không sử dụng điện thoại, máy tính hoặc đọc sách. Thay vào đó, hãy nhìn vào một vật thể ở xa hoặc ở đường chân trời.
  • Ngả người ra, nếu có thể và nhắm mắt lại.
  • Lựa chọn những chỗ ngồi ở trên thay vì ngồi ở các vị trí cuối cùng hoặc ngay trên bánh xe.
  • Hít thở không khí ngoài trời nếu có thể
  • Giữ tinh thần thoải mái
  • Bấm huyệt dọc cổ tay. Bạn đặt ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn của bàn tay phải vào phía trong cổ tay trái, bắt đầu từ dưới nếp gấp. Ấn mạnh lên một hoặc cả hai cổ tay trong vài giây hoặc cho đến khi hết triệu chứng.
  • Sử dụng một số loại thuốc chống say xe

Khi bị say xe, bạn nên chọn ngồi các vị trí trên cùng
Khi bị say xe, bạn nên chọn ngồi các vị trí trên cùng. (Ảnh: Internet).

4. Mệt mỏi, chóng mặt sau khi xuống tàu xe khi nào cần thăm khám?

Thông thường các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng, nhưng có một vài trường hợp cần đến bệnh viện khi:

  • Mệt mỏi quá mức, không thể dậy ăn uống, vệ sinh cá nhân
  • Chóng mặt, buồn nôn không thuyên giảm hoặc nôn liên tục
  • Chóng mặt kèm biểu hiện của tai như giảm thính lực hoặc đau tai
  • Mất định hướng không gian và thời gian
  • Huyết áp thay đổi (hạ hoặc tăng huyết áp), tim đập nhanh
  • Sốt

Những mẹo cơ bản giúp bạn thoát khỏi say xe

Tránh say tàu, xe như thế nào?

Tại sao bạn đi bộ thì khỏe re, đi xe thì say như đầu độc?

Cập nhật: 07/02/2024 PNVN
  • 172