Kết nối Internet ổn định là yếu tố quan trọng khi nhiều người có xu hướng làm việc tại nhà. Ngoài tốc độ đường truyền, cách lựa chọn vị trí đặt bộ phát Wi-Fi cũng ảnh hưởng tín hiệu, tốc độ truy cập Internet.
Tùy cách bố trí trong nhà mà người dùng cần chọn vị trí đặt bộ phát Wi-Fi sao cho hợp lý. Dưới đây là những cách chọn loại bộ phát sóng, vị trí đặt cho phù hợp để đảm bảo tín hiệu Wi-Fi, tốc độ truy cập Internet luôn ổn định.
Trước tiên, người dùng cần chọn loại bộ phát sóng tối ưu cho cách bố trí, diện tích trong nhà. Theo CNET, một bộ phát sóng là đủ với những nhà có diện tích 150 m2 trở xuống. Tuy nhiên nếu bộ phát sóng đang sử dụng đã quá cũ, người dùng nên cân nhắc nâng cấp lên các model mới hơn, hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 5 (802.11ac) hoặc Wi-Fi 6 (802.11ax) với 2 băng tần (2,4 GHz và 5 GHz).
Người dùng cần đặt bộ phát sóng tại vị trí tối ưu để đảm bảo tín hiệu luôn ổn định. (Ảnh: CNET).
Bên cạnh băng tần 2,4 GHz, bộ phát sóng 5 GHz có thể tăng tốc độ và băng thông kết nối, tuy nhiên phạm vi phủ sóng lại kém hơn 2,4 GHz. Do đó, hãy chọn các mẫu bộ phát sóng hỗ trợ cả 2 băng tần để linh hoạt thay đổi.
Với những ngôi nhà diện tích lớn và nhiều tầng, người dùng có thể chọn giải pháp Wi-Fi lưới (Wi-Fi mesh). Về cơ bản, Wi-Fi mesh là hệ thống với 2 hay nhiều thiết bị, gồm một bộ phát sóng chính và một, 2 hay nhiều thiết bị phụ đặt tại các vị trí có sóng Wi-Fi yếu. Chúng cùng nhau hoạt động để tạo ra một tên mạng Wi-Fi phủ kín khắp nhà.
Khi di chuyển từ tầng trệt lên lầu, người dùng không cần kết nối thủ công với bộ phát sóng gần hơn để có mạng mạnh. Thay vào đó, hệ thống mesh sẽ tự động chuyển đổi, giúp căn nhà gần như không có điểm chết sóng Wi-Fi.
Sau khi mua bộ phát sóng, người dùng cần chọn vị trí đặt thiết bị. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tín hiệu, tốc độ truy cập Internet luôn ổn định dù sử dụng tại những nơi khác nhau trong nhà.
Trước hết, bộ phát sóng Wi-Fi có thể phát tín hiệu theo mọi hướng. Nếu đặt thiết bị ở góc phòng, phần lớn tín hiệu sẽ bị truyền ra ngoài nhà. Do đó, hãy di chuyển bộ phát sóng đến các nơi thông thoáng, tránh khu vực quá kín, càng gần trung tâm nhà càng tốt. Việc di chuyển bộ phát sóng có thể cần dây cáp dài hơn, tuy nhiên người dùng có thể cân nhắc thay đổi vị trí để tín hiệu luôn ổn định.
Treo bộ phát sóng Wi-Fi lên tường là giải pháp tối ưu vùng phủ sóng. (Ảnh: CNET)
Tiếp theo, tín hiệu Wi-Fi có xu hướng phát xuống dưới. Do đó, hãy treo bộ phát sóng lên tường nếu muốn tiết kiệm không gian, ở vị trí càng cao càng tốt để tối ưu vùng phủ sóng. Nếu không thể bắt vít, có thể đặt bộ phát sóng lên nóc giá sách hoặc kệ treo tường.
Tín hiệu phát từ bộ phát sóng Wi-Fi là sóng điện từ, việc đặt những vật kim loại có tính dẫn điện (lon nước, dao kéo, chùm chìa khóa…) gần bộ phát sóng sẽ cản trở tín hiệu khiến tốc độ Wi-Fi giảm. Hãy đặt những món đồ ấy cách xa bộ phát sóng để cải thiện tín hiệu.
Theo CNET, một thiết bị cần đặt xa bộ phát sóng là lò vi sóng bởi chúng cũng hoạt động ở băng tần 2,4 GHz. Đặt bộ phát sóng gần lò vi sóng rất dễ gây nhiễu tần số, ảnh hưởng đến tín hiệu và tốc độ mạng. Ngoài ra, không nên đặt bộ phát sóng gần TV hoặc màn hình máy tính bởi từ trường sẽ ảnh hưởng đến tín hiệu Wi-Fi.
Một số bộ phát sóng hiện nay trang bị ăng-ten ẩn, những loại khác có ăng-ten bên ngoài để người dùng điều chỉnh, định hướng tín hiệu. Nếu sử dụng bộ phát sóng có 2 ăng-ten, hãy đặt chúng vuông góc với nhau (một đứng thẳng và một nằm ngang) để tín hiệu Wi-Fi được phủ rộng nhất.
Nếu bộ phát sóng Wi-Fi có 2 ăng-ten, hãy đặt chúng vuông góc với nhau (một đứng thẳng và một nằm ngang) để tín hiệu Wi-Fi được phủ rộng nhất. (Ảnh: Vox)
Nếu muốn tín hiệu mạnh tại một vị trí, hãy hướng tất cả ăng-ten của bộ phát sóng về nơi đó. Trong trường hợp bộ phát sóng chỉ có một ăng-ten, đặt thẳng đứng là giải pháp tối ưu.
Nếu không rõ vị trí nào có tín hiệu Wi-Fi yếu, người dùng nên cài các phần mềm như NetSpot để lập bản đồ tín hiệu Wi-Fi. Tuy nhiên, quá trình này tốn nhiều thời gian nhập thông số, đặt máy tính tại từng vị trí trong nhà để đo tín hiệu mạng.