Phát hiện "bồn cầu hoàng gia" Trung Quốc 2.400 năm tuổi

  •  
  • 273

Các nhà khảo cổ phát hiện bồn cầu xả nước cổ xưa xây trong nhà với một đường ống dẫn ra hố ngoài trời, có thể được sử dụng vào thời nhà Tần hoặc nhà Hán.

Các nhà khảo cổ khai quật được nửa dưới của một bồn cầu xả nước thủ công niên đại 2.400 năm tại di chỉ khảo cổ Nhạc Dương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, Ancient Origins hôm 18/2 đưa tin. Nhạc Dương là kinh đô của nhà Tần trong khoảng 35 năm và cũng là kinh đô đầu tiên của nhà Hán.

Các bộ phận bị hỏng của bồn cầu
Các bộ phận bị hỏng của bồn cầu, bao gồm một đường ống uốn cong, khai quật từ di chỉ khảo cổ Nhạc Dương ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: China Daily).

Nhóm chuyên gia cho rằng bồn cầu này từng được những nhân vật địa vị cao sử dụng, ví dụ Tần Hiếu Công (năm 381 - 338 trước Công nguyên) hoặc cha của ông (năm 424 - 362 trước Công nguyên) trong thời Chiến Quốc (năm 475 - 221 trước Công nguyên), hoặc Lưu Bang (năm 206 trước Công nguyên - 220) - hoàng đế đầu tiên của nhà Hán.

"Đây là bồn cầu xả nước đầu tiên và duy nhất từng được khai quật ở Trung Quốc. Mọi người tại di chỉ đều ngạc nhiên, sau đó phá lên cười. Bồn cầu cung cấp bằng chứng xác thực về tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh với người Trung Quốc cổ đại", Liu Rui, nhà khảo cổ tại Viện Khảo cổ thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết.

Phát hiện mới góp phần làm sáng tỏ mức độ tiến bộ kỹ thuật của nhà Tần và nhà Hán. Việc xây dựng và sử dụng bồn cầu xả nước đòi hỏi kiến thức về cấp nước, quản lý chất thải và vệ sinh, những điều không phổ biến trong thời kỳ này. Phát hiện cũng cung cấp thêm thông tin về cuộc sống thường nhật của những cá nhân địa vị cao sống trong cung điện và được tiếp cận với những tiện nghi cao cấp.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy nửa trên của bồn cầu nên không rõ người sử dụng cần ngồi xổm hay ngồi bệt. Bồn cầu đặt trong nhà với một đường ống dẫn ra hố ngoài trời. Người hầu có thể đổ nước vào mỗi khi nó được sử dụng, theo Liu. Nhà vệ sinh trong nhà không phổ biến vào thời kỳ đó và việc sử dụng tiện nghi này có thể chỉ giới hạn ở một bộ phận nhỏ dân số.

Nhóm nhà khảo cổ cũng đang phân tích mẫu đất lấy từ khu vực khai quật. Các mẫu đất có thể hé lộ thông tin về chế độ ăn uống và sức khỏe của người sử dụng nhà vệ sinh. Việc phân tích mẫu vật cũng có thể cung cấp những chi tiết về hoạt động nông nghiệp và sử dụng phân bón. "Ngoài những văn bản ghi chép, chúng ta có thể tìm hiểu kỹ hơn về các cải cách xã hội và hệ thống của vương quốc thông qua việc nghiên cứu sâu hơn về những cung điện cổ", Liu nói thêm.

Phát hiện mới ở Trung Quốc có tầm quan trọng lớn vì trước đó, bồn cầu xả nước thủ công đầu tiên thường được cho là do John Harington phát minh cho Nữ hoàng Elizabeth I vào thế kỷ 16.

Cập nhật: 21/02/2023 VnExpress
  • 273