Các nhà khoa học mới đây phát hiện một loài sinh vật bí ẩn dưới đáy vực sâu nhất của Ấn Độ Dương, với những xúc tu to và dài giống loài mực biển để thích nghi với môi trường sống.
Thợ lặn Victor Vescovo đã thực hiện chuyến thám hiểm đến đáy Rãnh Java - được cho là điểm sâu nhất ở Ấn Độ Dương - để phục vụ cho chương trình Five Deeps Expedition của kênh Discovery.
Ở vực sâu âm u của Rãnh Java, Vescovo và nhóm của ông đã phát hiện và ghi lại được video về "động vật gelatin dị thường, không giống với bất kỳ sinh vật nào từng được phát hiện trước đây".
Alan Jamieson, trưởng đoàn thám hiểm, nói với CNN Travel rằng: "nó thực sự trông như nhân tạo - sinh vật đó lăn ra khỏi bóng tối và đột nhiên quay lại, khiến chúng tôi nghĩ "Chúa ơi, đó là một loại sứa kỳ lạ"".
Loài sinh vật kỳ lạ được các nhà khoa học phát hiện dưới đáy Ấn Độ Dương. (Ảnh: Five Deeps Expedition).
Sau khi tình cờ gặp nhóm các nhà khoa học Nhật Bản có phát hiện tương tự, ông Jamieson cho biết: "chúng tôi đã đi đến kết luận loài này được gọi là tunicate, hay mực biển. Tuy nhiên thực sự không có tên phổ biến bởi chúng tôi không dám chắc đây là gì. Nhưng có vẻ như là một loài mực biển dùng các xúc tu to dài để bám vào đáy biển, cũng như nâng cơ thể lên khỏi đáy biển để lọc thức ăn ra khỏi nước".
Jamieson kết luận rằng sinh vật này đã thích nghi với các điều kiện cụ thể bên trong Rãnh Java.
"Rãnh được tạo ra bởi những trận địa chấn - và thông thường các loài mực biển sẽ bám vào đáy biển. Nếu bây giờ có địa chấn xảy ra, các loài động vật có nguy cơ bị chôn vùi. Vì vậy, để thích nghi với môi trường nguy hiểm như vậy, mực biển phải tự nâng mình lên khỏi đáy biển. Đối với sinh vật này, chúng sử dụng những xúc tu dài và lớn", ông Jamieson cho biết.
Five Deeps Expedition là một phần của dự án Nippon Foundation-GEBCO Seabed 2030 nhằm lập bản đồ chi tiết về đáy biển thế giới vào cuối năm 2030. Trong năm nay, nhóm nghiên cứu đã thám hiểm 5.000 dặm đáy biển Nam Cực và dành hai tuần khám phá Ấn Độ Dương. Và cuộc phiêu lưu vẫn chưa kết thúc.