Rối loạn tâm thần khi mang thai và sau sinh

  •  
  • 1.052

Trong khi mang thai và sau thời gian vượt cạn, nhiều phụ nữ bị "trái tính trái nết". Nếu không được quan tâm chia sẻ, những thay đổi này có thể dẫn đến rối loạn tâm thần với những biểu hiện nặng.

(Ảnh: SK&ĐS)

Người ta vẫn hay ví “trái tính, trái nết như gái mang bầu” quả không sai, bởi trong thời gian này người phụ nữ có các thay đổi về tâm lý và cảm xúc. Họ trở nên hay cáu gắt, thay đổi tính tình, trí nhớ bị giảm sút, giảm tập trung chú ý, giảm tư duy trừu tượng và khả năng sáng tạo. Thai phụ chóng mệt mỏi, buồn nôn, kém ăn, mất ngủ, nhất là trong những tháng đầu tiên của thời kỳ thai nghén.

Ở thời kỳ hậu sản, các rối loạn tâm thần ít gặp hơn và thường xuất hiện khoảng 6 tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau:

Trầm cảm nhẹ: Sau khi sinh con khoảng 3-4 ngày, người mẹ có thể hay khóc lóc không có nguyên nhân rõ ràng; có thái độ lo lắng quá mức đối với đứa con mới sinh ra hoặc đối với bản thân. Cơ thể mệt mỏi. Các hoạt động của người mẹ trở nên rất khó khăn, ngay cả việc cho con bú cũng thực hiện rất vụng về, vất vả.

Trầm cảm nặng: Lúc đầu người mẹ cảm thấy lo lắng, sau đó trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác.

Rối loạn hành vi: Thường bắt đầu trong vòng 2 tuần sau khi sinh con. Các bà mẹ hay có biểu hiện như: Mất định hướng về không gian và thời gian; hay buồn rầu, khóc lóc vô cớ, có thể có những lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, họ còn không chủ động được bản thân, vệ sinh cá nhân bẩn thỉu, ăn mặc lôi thôi, có thể có những hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Mối quan hệ mẹ con cũng bị rối loạn. Người mẹ không nhận đứa con của mình. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc, hoặc hành hạ con, thậm chí giết hại hoặc tự sát. Những rối loạn này được người mẹ nhận thức lơ mơ hoặc không nhận thức được sau khi bệnh ổn định.

Trắc nghiệm về trầm cảm do thai sản

Để xác định xem bạn hoặc người thân có các triệu chứng trầm cảm hay không, hãy trả lời các câu hỏi dưới đây. Nếu có từ 5 câu trả lời “có” thì nên đến bác sĩ.

Trong 2 tuần lễ liên tiếp, những triệu chứng nào sau đây thường xuất hiện:

- Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm, hoặc ngủ nhiều?

- Cảm giác mệt mỏi hoặc mất năng lượng, mất sinh lực, uể oải?

- Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều?

- Mất thú vị, hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc, giải trí?

- Cảm giác buồn rầu, buồn bã hoặc bực bội khó chịu?

- Ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, có ý nghĩ tự cho mình không xứng đáng hoặc tự buộc tội bản thân?

- Khó khăn khi tập trung vào việc gì đó, chẳng hạn khi đọc báo hoặc xem ti vi?

- Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng hơn bình thường, hoặc nói và cử động chậm chạp hơn bình thường khiến người xung quanh có thể nhận thấy?

Trong 2 tuần lễ đó, bạn đã từng có ý nghĩ muốn chết hoặc muốn tự gây thương tích cho mình. Hoặc bạn có ý nghĩ không bằng lòng với cuộc sống, chán sống?

Bạn thường xuyên lo lắng về những rối loạn trong cơ thể của mình (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, nôn, đau cơ, đổ mồ hôi...)?

Giúp đỡ như thế nào?

Để giúp đỡ những phụ nữ này, chồng và người thân cần quan tâm, theo dõi động viên để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn, chăm chút cho thiên thần bé bỏng mới chào đời được khỏe mạnh.

Trong thời kỳ thai nghén, nếu có các rối loạn nhẹ, người mẹ cần được sự động viên, nâng đỡ của chồng, gia đình. Thai phụ cần được nghỉ ngơi, thoải mái, làm việc nhẹ nhàng. Nếu có các rối loạn tâm thần nặng thì cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Ở thời kỳ sau đẻ, những người bị trầm cảm nhẹ nếu được khuyên giải, động viên, nâng đỡ thì phần lớn sẽ trở lại bình thường. Chỉ có khoảng 15% kéo dài trạng thái trầm cảm đến hàng năm. Những trường hợp này cần phải đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để có chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm.

Những trường hợp trầm cảm nặng và có rối loạn hành vi cần được đưa vào các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được điều trị. Khi bệnh đã tạm ổn định, người mẹ cần được nâng đỡ để tránh mặc cảm. Về những hậu quả mà họ gây ra trong thời gian bị bệnh, nếu cần cho biết cũng phải thông tin một cách từ từ.

BS. Nguyễn Chiến Thắng

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
  • 1.052