Mikhail Kalashnikov, cha đẻ súng trường AK-47, đã vừa qua đời hôm 23/12, hưởng thọ 94 tuổi. Kể từ năm 2009, sản phẩm phát minh chủ đạo của ông đã được người ta tái sản xuất hơn 100 triệu lần, biến nó thành khẩu súng được ưa chuộng nhất thế giới. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều thông tin thú vị liên quan tới người đàn ông huyền thoại này.
>>> Cha đẻ súng AK-47 Kalashnikov huyền thoại qua đời
1. Kalashnikov đã mong muốn trở thành một nhà thơ. Khi còn là một đứa trẻ, ông yêu thích máy móc, nhưng cũng thích cả thơ ca. Ông đã viết rất nhiều bài thơ khi còn sống, ngoài 6 cuốn sách.
2. Ông từng bắt xe đi nhờ từ Siberia về quê. Kalashnikov sinh ra tại Kurya, nhưng gia đình ông bị chính quyền trục xuất tới Siberia khi ông còn bé xíu. Năm lên lớp 7, ông đã bỏ nhà để trở lại Kurya. Ông làm việc này nhờ việc đi nhờ xe, chu du trên một quãng đường gần 1.000km.
3. Con trai Kalashnikov cũng là nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực vũ khí. Ông từng có 4 con với vợ Ekaterina Viktorovna Moiseyeva. Đứa con út của họ tên Victor là một chuyên gia vũ khí, người đã phát minh ra khẩu tiểu liên PP-19 Bizon nổi tiếng.
Kalashnikov cùng khẩu AK huyền thoại mà ông đã tạo ra
4. Kalashnikov từng bị thương trong quân đội. Ông gia nhập quân đội ở tuổi 19 và phục vụ trong một sư đoàn tăng thiết giáp, nơi ông đã phát minh ra nhiều thiết bị giúp cải tiến hoạt động xe tăng. Trong một lần tham gia chiến đấu chống phát xít Đức tại trận chiến Bryansk, ông đã bị thương. Trong thời gian hồi phục thương tích, Kalashnikov bắt đầu chế tạo vũ khí, công việc đã thay đổi cuộc đời ông.
5. Khẩu AK-47 được đặt tên theo phát minh "đinh" của Kalashnikov. Cái tên AK-47 là chữ viết tắt của cụm từ “Avtomat Kalashnikov 1947". Avtomat trong tiếng Nga có nghĩa "tự động" và 1947 là năm Kalashnikov phát minh ra khẩu súng, ở độ tuổi 28.
6. Ông có dòng rượu vodka mang tên mình. Loại rượu này có tên gọi Kalashnikov vodka, được sản xuất tại St. Petersburg, dùng nước từ hồ Ladoga và được xem là một mặt hàng xuất khẩu xa xỉ. Rượu này mạnh hơn vodka thường 1 độ đôi khi sự chênh lệch được gọi là "sức mạnh quân đội".
Ông Mikhail Kalashnikov khi còn trẻ
7. Kalashnikov không chế súng vì tiền. Lúc sinh thời, ông luôn khẳng định tiền bạc không quan trọng với bản thân. Ông chế ra súng đạn để bảo vệ Tổ quốc. Ông chế ra khẩu súng đầu tiên của mình do không chịu được việc quân Nga thua trận trong thời kỳ đầu của Thế chiến thứ hai, khi đối mặt với quân Đức trang bị tốt hơn hẳn. “Tôi không thích sự xa xỉ" - Kalashnikov nói - "Tôi theo đuổi một cuộc sống giản dị, tử tế".
8. Kalashnikov thích săn bắn. Khi còn bé, Kalashnikov đã đi săn cùng cha để có thức ăn nuôi gia đình. Trong cuộc đời về sau này, ông vẫn rất mê đi săn. Mỗi năm ông đều săn nai sừng tấm và chỉ ngưng hoạt động này khi bước vào tuổi 90.
9. Ông có một gia đình rất lớn. Kalashnikov là đứa con thứ 17 trong gia đình có 19 người con. Chỉ có 8 trong số đó còn sống tới khi trưởng thành. Năm lên 6 tuổi, Kalashnikov cũng suýt chết vì mắc bệnh nặng.
10. Kalashnikov cảm thấy tiếc vì khủng bố sử dụng vũ khí của ông. Ở tuổi 92, Kalashnikov nói rằng ông tự hào về phát minh của mình, nhưng nếu được làm lại, ông sẽ phát minh ra thứ gì đó ít hủy diệt hơn. "Tôi thích sáng chế ra một cỗ máy mà người ta có thể sử dụng để giúp đỡ nông dân làm việc. Ví dụ như một chiếc máy cắt cỏ".
Ông Mikhail Kalashnikov từng buồn vì súng AK bị sử dụng vào mục đích xấu
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP hồi năm 2006, Kalashnikov cho biết: "Mỗi khi nhìn vào TV và thấy thứ vũ khí tôi tạo ra để bảo vệ đất mẹ đang nằm trong tay của những gã Bin Laden đó, tôi đều tự hỏi mình cùng một câu hỏi: "Làm sao súng lại lọt vào tay chúng?".
Nhưng ông khẳng định mình không hề hối tiếc vì tạo ra AK, cũng như việc những kẻ xấu sử dụng nó. "Tôi không đặt súng vào tay những gã kẻ cướp và những tên khủng bố. Tôi cũng không có lỗi khi khẩu súng phát tán không thể kiểm soát được trên khắp toàn cầu. Liệu tôi có phải là người cần nhận lỗi, chỉ vì người ta xem khẩu súng như thứ vũ khí đáng tin cậy nhất?"
Có một điều nữa mà Kalashnikov không tiếc là việc ông không đăng ký bảo vệ bản quyền súng AK-47. “Vào thời điểm đó, đăng ký bản quyền phát minh không phải là một vấn đề lớn ở đất nước tôi" - ông giải thích hồi năm 2006 - "Chúng tôi làm việc cho xã hội chủ nghĩa, vì lợi ích của nhân dân và vì thế tôi chưa bao giờ thấy hối tiếc".