Một giáo sư người Anh nhận định rằng trong vòng 10 năm tới nhiều khả năng phẫu thuật ghép tim sẽ không còn khả dụng mà thay vào đó sẽ là tế bào gốc và tim nhân tạo.
Giáo sư Stephen Westaby tại Bệnh viện John Radcliffe, Oxford (Anh) đã đưa ra ý kiến trên trong dịp kỷ niệm 50 năm diễn ra cuộc phẫu thuật tim đầu tiên do bác sĩ người Nam Phi Christiaan Barnard thực hiện (3/12/1967).
Bác sĩ Christian Barnard minh họa về cuộc phẫu thuật tim đầu tiên trong buổi họp báo cách đây 50 năm. (Ảnh: Telegraph).
Theo ông Westaby, sự kết hợp giữa tim nhân tạo và tế bào gốc có tiềm năng thay thế cho việc mổ ghép tim và giúp đỡ được nhiều người hơn. Trường Đại học Y Stanford (Mỹ) đã tiến hành cuộc nhiên cứu tại nước này với kết quả hơn 20.000 người Mỹ cần được phẫu thuật ghép tim mỗi năm nhưng chỉ có 2.000 ca được thực hiện do khan hiếm người hiến tạng.
Tờ Telegraph (Anh) dẫn lời giáo sư Westaby khẳng định có khả năng đảo ngược sẹo mô tim bằng cách tiêm tế vào gốc vào tim của bệnh nhân trải qua phẫu thuật bắc cầu.
Những thử nghiệm khác về tế bào gốc tủy xương đối với bệnh nhân phẫu thuật bắc cầu dự kiến sẽ được khởi động tại Bệnh viện Royal Brompton (London) trong tháng 1 năm 2018. Kỳ vọng từ thử nghiệm này là việc tiêm tế bào gốc có thể giúp các bệnh nhân không phải rơi vào giai đoạn cần phẫu thuật ghép tim.
Ông Westaby còn đang nghiên cứu phát triển tim nhân tạo rẻ hơn và hiệu quả hơn những mẫu hiện tại.
Theo tờ Guardian (Anh), 50 năm kể từ cuộc phẫu thuật của bác sĩ Barnard, gần 4.000 ca ghép tim đã được thực hiện trên khắp thế giới mỗi năm. Nhưng trong khi một số bệnh nhân vẫn sống tốt sau hàng thập niên thì tỉ lệ sống sót hơn 12 năm của những người trải qua phẫu thuật này chỉ là 50%.