10 sự kiện CNTT-TT tiêu biểu năm 2005 của PC World VN

  •  
  • 155

Không có những sự kiện “chấn động”, “bùng nổ”, nhưng những gì đã xảy ra trong năm 2005 cho thấy CNTT Việt Nam đã có những bước tiến rất cơ bản và chắc chắn, cho phép chúng ta hy vọng nhiều hơn trong năm 2006. Chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc 10 sự kiện của năm 2005 có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến CNTT Việt Nam do ban biên tập tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World Việt Nam bình chọn.

1. Quốc Hội thông qua Luật Giao Dịch Điện Tử.

Ngày 19/11/2005, Quốc Hội đã ‘”bấm nút’” thông qua Luật Giao Dịch Điện Tử (có hiệu lực từ 1/3/2006) với 72,27% đại biểu tán thành. Luật gồm 8 chương, 54 điều quy định về thông điệp điện tử, chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử...

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được mong chờ từ lâu, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo ra cơ sở nền tảng nhằm thúc đẩy giao thương, hội nhập với nền kinh tế tri thức.

Năm 2005 cũng là năm mà các hoạt động liên quan đến giao dịch điện tử ở VN phát triển mạnh mẽ với hàng loạt sự kiện như chương trình xếp hạng các website TMĐT; ngành hải quan thực hiện thông quan điện tử; khai trương cổng TMĐT quốc gia ECVN; ban hành kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT 2006-2010; Việt Nam đăng cai và chủ trì hội nghị AFACT lần thứ 23.

2. Cuộc đua dịch vụ thông tin di động.

VNPT sẽ đầu tư 200 triệu USD nâng cấp mạng cho cả MobiFone và Vinaphone, trong khi với S-Fone, đối tác Hàn Quốc đã cung cấp thêm 160 triệu USD để nâng cấp và mở rộng vùng phủ sóng ra cả nước; “Thế lực” CDMA đã hình thành với S-Fone, công ty CP Viễn Thông Hà Nội (Hanoi Telecom) và công ty Viễn Thông Điện Lực (VP Telecom); Công ty Viễn Thông Quân Đội (Viettel) chính thức trở thành một tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc Phòng; Chính Phủ phê duyệt đề án thành lập Tập Đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam; Viettel Mobile trở thành mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất, trong vòng hơn 1 năm đã đạt con số 1 triệu thuê bao; Các mạng đi động đua nhau giảm cước và tung ra những chiến dịch khuyến mãi chưa từng có.

Hàng loạt sự kiện trên đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các mạng thông tin di động và truyền thông: công nghệ tiên tiến, giá cước hạ, đa dạng dịch vụ gia tăng, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều loại hình dịch vụ hơn nữa.

3. ADSL lên ngôi.

Tháng 7/2005 là thời điểm bùng nổ dịch vụ ADSL. Với ưu thế về giá và tốc độ truyền tải, loại hình truy cập Internet này đã lấn át phương thức truy cập quay số truyền thống. Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã làm cho giá ADSL hạ tới mức tưởng như không thể thấp hơn, khiến nhiều ISP phải bỏ cuộc, để lại thị trường cho các “đại gia”.

ADSL với hình thức truy cập tốc độ cao và chi phí thấp không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng, mà còn tạo cú hích cho rất nhiều dịch vụ trực tuyến phát triển như giao dịch TMĐT, giải trí, truyền thông...

4. Công bố Luật Sở Hữu Trí Tuệ.

Ngày 12/12/2005 Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương đã ký Lệnh công bố Luật Sở Hữu Trí Tuệ số 28/2005/L/CTN đã được Quốc Hội thông qua vào tháng 11. Trong những vấn đề được Quốc Hội thông qua có những điều luật quy định riêng cho phần mềm. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là đối với ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đang được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy áp lực của vấn đề bản quyền ngày càng đè nặng lên các tổ chức - doanh nghiệp đang vận hành các hệ thống CNTT, nhất là sau vụ một số công ty máy tính trong nước bị phạt vì cài đặt và sử dụng phần mềm không có bản quyền. Để từng bước thực thi các điều khoản của Luật Sở Hữu Trí Tuệ, Bộ VHTT, Liên Minh Phần Mềm Doanh Nghiệp (BSA) và Hiệp Hội Doanh Nghiệp Phần Mềm Việt Nam (VINASA) đã ký một lá thư kêu gọi 12.000 doanh nghiệp Việt Nam tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm.

5. Bùng nổ game online và vấn đề pháp lý.

Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến đã chính thức đưa game trực tuyến PTV, MU và Võ Lâm Truyền Kỳ vào hoạt động. Loại hình giải trí trực tuyến này làm dấy lên một làn sóng lớn, lôi cuốn hàng triệu người tham gia vào các cuộc chơi trong thế giới ảo cực kỳ hấp dẫn, đồng thời hứa hẹn mang lại những món lợi nhuận khổng lồ cho các nhà cung cấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, game online (GO) đã tác động tiêu cực đến một bộ phận nhỏ giới trẻ, và chính từ điều này đã nảy sinh những vấn đề pháp lý, sự không thống nhất giữa các cơ quan chức năng trong cách giải quyết, ít nhiều gây khó khăn cho nhà cung cấp dịch vụ và người dùng.

Game online là hình thức giải trí trực tuyến hoàn toàn mới, hội tụ các yếu tố công nghệ, văn hóa, xã hội... có sức hút và tác động mạnh đến người chơi, nhất là giới trẻ. Đây là xu hướng giải trí đang rất phát triển trên thế giới, là lĩnh vực kinh doanh nhiều lợi nhuận. Ngoài ra, phát triển GO cũng là một trong những định hướng quan trọng của Hiệp Hội DN Phần Mềm VN (VINASA). Bởi vậy, để hạn chế tác động tiêu cực của GO, cần có cơ chế quản lý phù hợp.

Các cơ quan chức năng dự kiến sẽ sớm đưa ra những điều khoản cụ thể về quản lý dịch vụ này.

6. Hội tụ Internet và truyền hình.

Ngày 19/12/2004, báo điện tử VietnamNet đã ra mắt dịch vụ mới về truyền hình, và cả công ty Đầu Tư Phát Triển Công Nghệ Truyền Hình (VTC) cũng tham gia cung cấp dịch vụ TV qua Internet. Ngoài ra nhiều đài truyền hình đang chuẩn bị đi theo hướng này. Với cách thức như vậy, người dùng PC đã có thể xem các kênh TV trên máy tính thông qua kết nối Internet băng rộng.

Lần đầu tiên dịch vụ truy cập Internet được cung cấp qua mạng truyền hình cáp Hà Nội kể từ ngày 28/2/2005 với ưu thế so với ADSL thông qua đường điện thoại. Tháng 12, VCTV khai trương dịch vụ Internet qua cáp truyền hình. Với cách thức truy cập này, thay vì phải kéo đường dây điện thoại hay cáp ADSL, khách hàng chỉ cần lắp đặt modem chuyên dụng vào đường cáp của truyền hình là có thể vừa xem các kênh truyền hình, vừa lướt web, nghe nhạc trực tuyến, chơi game online, gửi và nhận thư điện tử với tốc độ cao.

Khái niệm “Thông tin theo yêu cầu” bắt đầu từ đây. Thông tin mà người dùng cần, bất kể ở dạng nào, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu... đều thông qua một đường truyền duy nhất, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm. Đó là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

7. Hội nhập của CNTT Việt Nam.

Trên chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Hoa Kỳ ở thành phố Seatle, Thủ Tướng Phan Văn Khải đã đến thăm tập đoàn Microsoft. Tại đây, Microsoft đã ký kết những thoả thuận hợp tác quan trọng với Bộ GD-ĐT và Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam (VCCI). Thủ Tướng cũng đã có lời mời Bill Gates - chủ tịch tập đoàn Microsoft, tới thăm Việt Nam. Trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Phan Văn Khải, tân chủ tịch Intel Paul Otellini đã đến Việt Nam và ký kết hợp tác với Bộ BCVT. Ông Paul Otellini nhìn nhận Việt Nam sẽ là một thị trường máy tính lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, nhiều DN Nhật Bản đánh giá cao khả năng gia công phần mềm của Việt Nam.

Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam đã chính thức đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam: Peace Soft, iSphere, VinaGame và Vietnamworks. Như vậy, IDG đã đầu tư vào 4 doanh nghiệp tại Việt Nam với số tiền 5 triệu USD.

Những tín hiệu lạc quan trước thềm năm mới cho thấy CNTT Việt Nam đang có cơ hội bước ra vũ đài thế giới.

8. Chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

Ngày 28/10/2005, Cục Ứng Dụng CNTT của Bộ BCVT ra đời. Cơ quan này có trách nhiệm giúp Bộ BCVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT trong phạm vi cả nước. Như vậy, sau bao nhiêu mong đợi, ứng dụng CNTT, một trong bốn “cột trụ” của chiến lược phát triển CNTT - TT Việt Nam (cùng với hạ tầng CNTT-TT; công nghiệp CNTT-TT và nhân lực CNTT - TT) có cơ hội phát triển. Trước đó, ngày 29/7/2005, Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt Quyết Định số 191/2005/QĐ-TTg về “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010”. Mục tiêu của đề án là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng CNTT để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới.

Không chỉ giúp doanh nghiệp, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT còn thúc đẩy thị trường CNTT phát triển, trong đó ngành công nghiệp phần mềm sẽ có nhiều cơ hội nhất.

9. Chỉ số chính phủ điện tử VN tụt 15 bậc.

Theo báo cáo của UNPAN (Mạng trực tuyến về hành chính công và tài chính của Liên Hiệp Quốc), Việt Nam đứng thứ 112 trong số 178 nước về chỉ số chính phủ điện tử (CPĐT). So với năm 2003, VN tụt 15 bậc, từ vị trí thứ 97 xuống 112. Bảng xếp hạng CPĐT 2004 cho thấy khoảng cách về CPĐT giữa VN và nhiều nước khác trên thế giới vẫn còn xa.

Mặc dù đã có những nỗ lực rất lớn để cải thiện môi trường điều hành, quản lý và cung cấp dịch vụ công, nhưng đánh giá trên là một cảnh báo cho thấy những gì chúng ta làm là chưa đủ, trong khi nhiều nước khác đã đuổi kịp và vượt chúng ta.

10. Đề Án “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước” (Đề Án 112) kết thúc giai đoạn 1.

Có nhiều đánh giá trái ngược nhau, có ý kiến cho rằng về cơ bản là thành công, nhưng cũng không ít nhận định đề án quá ôm đồm và không đạt được các mục tiêu đề ra. Cho dù đánh giá trên quan điểm nào, ủng hộ hay phê phán, thì những gì Đề Án 112 mang lại rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. 

Theo PCWorld Việt Nam
  • 155