Hôm 9/11, lãnh đạo huyện Hòa Vang đã tổ chức họp báo giải trình vụ gần 100 héc-ta rừng đặc dụng ở Đà Nẵng bị "tàn sát" và lý do được đưa ra là... "từ nơi rừng bị phá đến trung tâm xã hơi xa”.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo huyện Hòa Vang cùng các ban, ngành liên quan đều thừa nhận vụ việc đúng là nghiêm trọng nhất trong vòng mấy năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trong khi báo cáo giải trình của huyện Hòa Vang chỉ thừa nhận rừng bị tàn phá có diện tích là 42,75 héc-ta, thì theo báo cáo của xã Hòa Bắc, diện tích rừng bị tàn phá cả hợp lệ và không hợp lệ mà 3 hộ dân xã Hòa Bắc là Nguyễn Hai, Nguyễn Thị Cúc và Trương Thị Lệ Thủy đã phá tổng cộng lên đến gần 100 héc-ta.
Cũng trong báo cáo giải trình của UBND huyện thì số diện tích rừng bị tàn phá phần lớn là đất lâm nghiệp, số còn lại là rừng đặc dụng chỉ rất ít. Tuy nhiên, khi các phóng viên đưa ra những bức ảnh về số cây lớn bị đốn hạ, đổ ngổn ngang trong một khoảnh rừng bạt ngàn thì Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Minh Nhơn chỉ còn biết lắc đầu: “Quả là một thực tế rất đáng buồn và xót xa”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Vì sao một diện tích rừng lớn bị tàn phá suốt gần 3 tháng trời như vậy mà không ai lên tiếng?”, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Phạm Tấn Dũng trả lời: “Mong các đồng chí hiểu cho, từ nơi rừng bị phá đến trung tâm xã là hơi xa, lại phía bên kia sườn núi nên cho đến khi các đồng chí phóng viên lên tiếng đặt vấn đề, chúng tôi mới biết(?)”.
Ông Dũng cũng giải thích thêm rằng người dân phá rừng là do họ đã nộp đơn lên UBND xã xin cấp đất trồng rừng, lãnh đạo xã đã chuyển đơn lên UBND huyện, nhưng trong thời gian chờ đợi, họ đã tự ý chặt cây, đốt rừng làm nương rẫy!
Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc cùng các ban, ngành đã kiểm điểm nghiêm khắc vì đã để xảy ra vụ việc nghiêm trọng mà các báo nêu.
Tuy nhiên, theo như lời ông Trần Văn Quý – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện thì việc giao đất, cấp rừng cho dân khai thác trồng mới cần phải có sự tham mưu rõ ràng của lực lượng kiểm lâm, tránh tình trạng khi lực lượng kiểm lâm ngăn chặn phá rừng thì dân phản đối bởi... “rừng đã được cấp sổ đỏ”.
Kết quả kiểm điểm và xử lý các sai phạm sẽ được thông báo trong thời gian tới, tuy nhiên gần 100 héc-ta rừng bị “xóa sổ” là cái giá quá đắt phải trả cho việc buông lỏng và bất cập trong khâu quản lý rừng.