Trong lịch sử ngành hàng không, chỉ có một số trường hợp vô cùng may mắn mới sống sót kỳ diệu sau tai nạn máy bay thảm khốc.
Mặc dù may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần chỉ trong gang tấc nhưng phần lớn họ đều gặp phải những căng thẳng tâm lý nhất định sau tai nạn.
Theo CNN, một máy bay quân sự Algeria đâm vào dãy núi ở miền Đông nước này khiến 77 người chết ngày 11/2/2014. Một quân nhân đã thoát chết kỳ diệu. Anh này bị thương ở đầu và được đưa tới Bệnh viện Constantine, Thủ đô Algiers.
Chiếc Hercules C-130 đâm vào dãy núi Fertas do thời tiết xấu.
Theo truyền thông Algeria, chiếc Hercules C-130 chở các binh sĩ và gia đình họ. Phi cơ bay từ Tamanrasset, miền Nam Algeria, tới Constantine, miền Đông nước này và đâm vào dãy núi Fertas do thời tiết xấu.
Vào tháng 12/2013, một trường hợp rơi máy bay hi hữu đã xảy ra, khi mà “nạn nhân” khi rơi xuống biến rồi vẫn còn có thể chụp hình “tự sướng” làm kỷ niệm.
Anh Ferdinand Puentes, 39 tuổi, là một trong 8 hành khách có mặt trên chiếc Cessna Grand Caravan bị mất điện và rơi ngoài khơi bờ biển của Molokai, Hawaii. Puentes đã đăng bức ảnh của mình, đang mặc áo phao và nổi trên đại dương lên facebook cá nhân, cách đó một đoạn là mảnh vỡ của chiếc máy bay đang chìm dần.
Puentes vẫn kịp chụp ảnh post lên facebook sau khi chiếc máy bay rơi xuống Thái Bình Dương.
Truyền thông các nước khi đó còn ngạc nhiên hơn khi xem camera của Puentes. Anh chàng đã rất bình tĩnh hướng dẫn mọi người thoát khỏi máy bay, không hoảng sợ, không la hét và thậm chí còn chụp lại được kha khá những cảnh tượng hãi hùng khi chiếc máy bay rơi. Tuy nhiên, Puentes cũng phải chịu những ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Anh thường xuyên mất ngủ vào ban đêm và mất một thời gian sau mới dám đi máy bay tiếp.
Bloomberg đưa tin, ngày 30/7/2011, máy bay Boeing 737-800, chở 157 hành khách và 6 phi hành đoàn từ sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ, tới TP Georgetown của Guyana thì gặp nạn khi đang hạ cánh. Máy bay gãy đôi khi trời đang mưa.
Chiếc máy bay gãy đôi khi trời đang mưa.
Điều kỳ diệu là tất cả mọi người đều sống sót một cách thần kỳ, và chỉ có vài người bị thương nhẹ. Người ta cho rằng thời tiết xấu là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Ngày 12/5/2011, máy bay Airbus A330 của hãng hàng không Afriqiyah (Libya) chở 93 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn bay từ Johannesburg đến Tripol.
Ruben được chăm sóc tại bệnh viện
Chiếc máy bay gặp nạn khi đang hạ cánh. Toàn bộ máy bay bị nát vụn và thi thể của hơn 100 nạn nhân xấu số được tìm thấy trong tình trạng không nguyên vẹn. Người sống sót duy nhất là cậu bé Ruben van Assouw, 10 tuổi, người Hà Lan. Sau đó, Ruben được điều trị tại một bệnh viện ở Tripoli. Cả cha, mẹ và anh trai Ruben đều thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Ngày 19/1/2006, chiếc Antonov An-24 chở theo 43 người, gồm phi hành đoàn và binh sĩ của Slovakia, gặp sự cố và rơi từ độ cao 700m xuống vùng rừng núi đầy tuyết trên đồi Borso, giáp thị trấn Telkibanya, Hungary. Thi thể các nạn nhân và mảnh vỡ máy bay nằm rải rác khắp một vùng rộng lớn. Người duy nhất sống sót trong số 43 người là thiếu úy Martin Farkas. Khi máy bay gặp nạn, ông đã gọi điện cho vợ và nhờ cô gọi cứu hộ.
Không lâu sau đó, đội cứu hộ tìm thấy Farkas trong nhà vệ sinh máy bay. Ông chỉ bị sưng não và phổi do va đập mạnh. Sau vài tuần điều trị tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe của nạn nhân đã ổn định. Các nhà điều tra xác nhận, nguyên nhân tai nạn là do phi công hạ cánh qua sớm trong bóng đêm.
Máy bay Bombardier CRJ-100ER gặp nạn ngay khi nó chưa kịp cất cánh khỏi đường băng ngày 27/8/2006 khiến 49 trong số 50 người thiệt mạng.
Nơi máy bay ném bom CRJ-100ER gặp sự cố khi chưa rời khỏi kịp đường băng.
Đài không lưu báo phi cơ cất cánh ở đường băng số 22 nhưng phi công lại điều khiển máy bay ở đường băng 26. Sự cố xảy ra khi đường số 26 quá ngắn khiến máy bay chạy hụt cuối đường băng và không kịp cất cánh. 47 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Người sống sót duy nhất trên chiếc máy bay là phi công chính James M. Polehinke. Các bác sĩ cho biết, ông bị chấn thương nghiêm trọng, nhiều xương gãy, vỡ phổi và xuất huyết nặng. Khi máy bay gặp nạn, James là người đang điều khiển máy bay, nhưng cơ trưởng Jeffrey Clay là người đã lái phi cơ vào nhầm đường băng.
Vì lý do an ninh quân sự và không làm ảnh hưởng tinh thần binh sĩ, giới chức quân đội Mỹ và chính quyền dân sự Australia đã giấu kín vụ tai nạn thảm khốc của máy bay ném bom B-17C trong nhiều năm. Ngày 16/6/1943, chiếc máy bay chở 41 quân nhân Mỹ trở về sau 10 ngày nghỉ phép. Trong điều kiện thời tiết xấu, sương mù dày đặc, chiếc phi cơ cất cánh lên tới độ cao khoảng 1.000m thì bốc cháy và rơi xuống một rặng cây.
Lỗ thủng lớn trên thân máy bay khiến nhiều người rơi ra khỏi phi cơ trước khi nó chạm đất. Foye Kenneth Roberts là người sống sót duy nhất trong tất cả những người tham gia chuyến bay định mệnh. Roberts bị thương nghiêm trọng và mất hoàn toàn trí nhớ về vụ tai nạn. Cho tới ngày nay, đây vẫn là thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử Australia.
Vụ tai nạn máy bay khủng khiếp ngày 17/3/1957 khiến tổng thống thứ 7 của Phillippines, Ramon Magsaysay, và rất nhiều quan chức quân sự cấp cao khác thiệt mạng. Chiếc C-47 cất cánh từ thành phố Lahug để tới Nichols Field.
Các nhân chứng cho biết, máy bay không đạt đủ độ cao khi bay sát các rặng núi ở Balamban. Nestor Mata, phóng viên một tờ báo của Phillippines, là người may mắn sống sót trong khi 25 người khác bỏ mạng. Mata cho biết, ông ngồi ở hàng ghế thứ hai, sát khoang của tổng thống. Khi sự cố xảy ra, ông thấy bỗng một ánh sáng chói lóa rồi bất tỉnh. Người dân quanh đó đã đưa ông tới bệnh viện và sức khỏe của ông bình phục sau đó.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Intercontinental Airlines chở 52 hành khách và phi hành đoàn phát nổ giữa không trung khi phi công đang tìm cách hạ cánh khẩn cấp ngày 13/1/1995. Nó rơi xuống một đầm nước ở Maria La Baja, Colombia.
Một nông dân cho biết, ông nghe thấy tiếng kêu cứu và phát hiện bé gái Erika Delgado, 9 tuổi, nằm trên một mô đất đầy rong rêu. Đây cũng là hành khách duy nhất sống sót trong chuyến bay. Cô bé cho hay, bố mẹ đã đẩy em ra khỏi máy bay trước khi nó phát nổ và bốc cháy.
Erika còn nhớ rõ, một vài người tới khu vực xảy ra tai nạn nhưng thay vì giúp đỡ, họ đã ăn cắp sợi dây chuyền vàng, di vật của cha cô, và lấy hết đồ giá trị từ các nạn nhân khác.
George Lamson, 17 tuổi, ngồi cùng cha ở hàng ghế đầu, ngay sau buồng lái trên chiếc máy bay Lockheed Electra 188 ngày 21/1/1985. Chiếc máy bay chở 71 hành khách và phi hành đoàn bất ngờ rung lắc rồi hạ thấp bên phải. Khi máy bay chạm đất, lực va chạm đã đẩy bật chiếc ghế của cậu ra khỏi máy bay và văng trên đường cao tốc. Lamson nhanh chóng cởi dây an toàn và chạy về phía cánh đồng khi chiếc máy bay phát nổ.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay
Ban đầu, 3 người sống sót sau vụ tai nạn, bao gồm cả cha của Lamson. Tuy nhiên, hai người đã tử vong vài ngày sau đó do vết bỏng quá nặng và nhiều chấn thương nghiêm trọng. Các nhà điều tra xác định, nguyên nhân tai nạn là do cơ trưởng mất kiểm soát máy bay và cơ phó không theo dõi đường bay cũng như tốc độ bay.
Ngày 8/7/2003, chỉ 10 phút sau khi cất cánh tại cảng Sudan, vùng bờ biển đông bắc thủ đô Khartoum, phi công lái máy bay Boeing 737 gọi báo đài không lưu sẽ quay lại phi trường do động cơ có vấn đề.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, chiếc máy bay lao vào một sườn đồi khi đang hạ cánh khẩn cấp. 115 người thiệt mạng trong thảm họa. Bé Mohammed el-Fateh Osman, 3 tuổi, là người duy nhất sống sót. Mohammed bị mất một phần chân và bỏng nặng. Nhà chức trách nước này quyết định chôn thi thể các nạn nhân trong một ngôi mộ tập thể do việc vận chuyển thi hài tới người thân rất khó khăn.
Đây là trường hợp sống sót kỳ diệu đến khó tin. Vesna Vulovic, tiếp viên trên chuyến bay DC-9 của hãng hàng không Jugoslovenski Aero thoát chết khi chiếc máy bay bị đánh bom và phát nổ ở độ cao 10.050m ngày 26/1/1972.
Tiếp viên hàng không thoát chết khi trúng bom từ độ cao trên 10.000m.
Một người Đức sau khi tới hiện trường phát hiện Vesna nằm nửa người ra khỏi máy bay, một thành viên phi hành đoàn cùng chiếc xe đẩy đồ ăn đè lên người cô. Cô bị rạn xương sọ, gẫy hai chân và rạn 3 đốt sống lưng. Sau khi phẫu thuật, Vesna có thể đi lại bình thường và tiếp tục làm việc cho hãng hàng không. Sách kỉ lục thế giới ghi nhận, Vesna là người sống sót kì diệu nhất khi rơi từ độ cao 10.000m mà không cần dù.
Khi đang cất cánh từ sân bay Metro, Mỹ, ngày 16/8/1987, trong lần tăng độ cao thứ nhất, chiếc McDonnell Douglas MD-82 của hãng hàng không Northwest Airlines bỗng đổi hướng 35 độ. Cánh trái va vào cột chống sét cuối đường băng. Sau đó, nó va đập liên tiếp với một cột chống sét khác và tòa nhà cho thuê xe rồi rơi xuống đất.
154 người trên máy bay và 2 người khác trên mặt đất tử nạn. Nhân viên cứu hộ tìm thấy bé Cecelia Cichan, 4 tuổi, là người sống sót duy nhất. Cục an toàn giao thông quốc gia Mỹ kết luận, vụ tai nạn xảy ra do phi hành đoàn không đảm bảo các yếu tố an toàn cần thiết khi máy bay cất cánh.
Chiếc Lockheed Electra L-188A gặp nạn khi đang trên hành trình từ sân bay Jorge Chavez, thuộc thủ đô Lima của Peru, tới thành phố Pucallpa, vào đúng ngày lễ giáng sinh năm 1971. Máy bay đi vào một cơn bão và trúng sét khi đang ở độ cao 6.900m. Phi công mất kiểm soát. Chiếc phi cơ mang theo 92 hành khách và phi hành đoàn lao thẳng xuống đất. Hai cánh phi cơ bắt lửa và rời khỏi thân máy bay. Các mảnh vụn rơi lả tả xuống một vùng núi ở khu vực Amazon.
Cô gái Đức thoát chết khi máy bay Lockheed Electra L-188A trúng sét và rơi.
Cô gái Juliane Koepcke, 17 tuổi và mang quốc tịch Đức, sống sót và đang ngồi trên chiếc ghế hành khách khi tiếp đất. Sau đó, cô lạc trong rừng suốt nhiều ngày để tìm sự giúp đỡ. Tới ngày thứ 9, người dân địa phương phát hiện và đưa cô tới bệnh viện điều trị.
Ngày 12/8/1985, tại Nhật Bản xảy ra vụ tai nạn hàng không thảm khốc. Máy bay Boeing-747SR cất cánh từ Tokyo đến Osaka, mang theo 524 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Bỗng nhiên, một bộ phận ở phần đuôi bị bật và văng ra khỏi máy bay, khiến áp suất trong cabin giảm xuống đột ngột. Tất cả các hệ thống thủy lực trên máy bay hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Kết quả, máy bay bị rơi gần núi Takamagahara, cách Tokyo khoảng 100 km. Lực lượng cứu hộ chỉ đến được vào sáng hôm sau.
Trong số 524 hành khách, lực lượng cứu hộ chỉ tìm thấy 4 người sống sót. Đó là tiếp viên hàng không Yumi Ochiai (24 tuổi), hành khách Hiroko Yoshizaki (34 tuổi) cùng con gái Mikiko (8 tuổi) và Keiko Kawakami (12 tuổi).
Ba người đầu tiên được tìm thấy trên mặt đất, còn Keiko được phát hiện trên cành cây. Tất cả họ đều ngồi ở khoang cuối trong suốt chuyến bay. 4 người mắn sống sót này sau đó được biệt danh là "Bộ tứ may mắn" ở Nhật Bản.
Năm 1981, tại vùng Viễn Đông của Liên Xô (Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, tồn tại từ năm 1922 đến 1991), cô sinh viên Larisa Savitskaya trở về trên chuyến bay từ Komsomolsk-on-Amur đến Blagoveshchensk, sau chuyến đi hưởng tuần trăng mật với chồng là Vladimir.
Khi đang ở độ cao 5.200m, máy bay An-24 bất ngờ va chạm với một máy bay ném bom Tu-16 của không quân.
Larisa lúc đó đang ngồi trên ghế ở đuôi máy bay. Sau cú va chạm mạnh, cô bất tỉnh do cabin giảm áp xuất và máy bay liên tục hạ độ cao. Vụ tai nạn khiến máy bay An-24 rơi xuống mặt đất. Phần đuôi của nó rơi trên tán cây bạch dương.
Sau khi máy bay rơi xuống đất, Larisa bất tỉnh trong vài giờ, sau đó tự tỉnh lại và có thể tự di chuyển. Larisa là người duy nhất trong số tất cả hành khách may mắn sống sót trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên.
Cô gái sau đó bị sang chấn tâm lý, chấn thương cột sống, gãy tay, xương sườn và gần như toàn bộ hàm răng.