Theo nghiên cứu mới nhất của IDC, “hệ sinh thái của Microsoft” tạo công ăn việc làm cho 40% lực lượng lao động CNTT ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Hệ sinh thái của Microsoft” được định nghĩa là “những công ty tạo ra hoặc bán các sản phẩm chạy trên phầm mềm Microsoft, hoặc phân phối dịch vụ, phần mềm của Microsoft”. 4,8 triệu nhân viên trong tổng số 11,9 triệu nhân viên CNTT của khu vực đang làm việc trong “hệ sinh thái” này.
Được Microsoft uỷ quyền, IDC đã thực hiện nghiên cứu và ước tính những công ty này mang lại hơn 83 tỷ USD doanh thu cho khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đóng góp hơn 153,9 tỷ USD cho GDP của toàn khu vực. Trên toàn cầu, IDC dự đoán những công việc do “hệ sinh thái Microsoft” mang lại sẽ tăng thêm gần 3 triệu trong 4 năm tới.
Trong khi phần mềm chỉ chiếm một miếng bánh khiêm tốn trong tổng chi phí CNTT, song nó lại “có tác động tích cực đến các nền kinh tế địa phương”, IDC lưu ý. Chi tiêu phần mềm chiếm 15% tổng thị trường CNTT của khu vực, song lại dùng đến 35,9% nhân sự CNTT, những người làm trong nhiều chức năng khác nhau như sáng tạo, phân phối, cài đặt hoặc dịch vụ phần mềm.
Nghiên cứu của IDC phát hiện ra rằng với mỗi một USD Microsoft kiếm được trong năm nay, các công ty trong “hệ sinh thái” của hãng sẽ kiếm được trung bình 11,18 USD.
Các thị trường đang phát triển của châu Á cũng hưởng nhiều hứa hẹn với hệ sinh thái Microsoft, bằng chứng là những thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ hưởng tỷ số 16 USD cho mỗi một USD Microsoft kiếm được.
Oliver Bell, Giám đốc công nghệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Microsoft, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng tỷ suất thu nhập đã tăng lên trong 5 năm qua, khi mức cách đây khoảng 5 năm là 8 USD với 1 USD Microsoft kiếm được. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng là ngày càng nhiều công ty xây dựng kinh doanh trên các sản phẩm của Microsoft.
Tuy nhiên, một nhà phân tích nói rằng dù có xu hướng tích cực này song sự có mặt của Microsoft trong khu vực đang giảm dần khi các nền kinh tế trưởng thành hơn. Victor Lim, Ghó giám đốc điều hành tư vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IDC, nói rằng “Tác động của Microsoft có thể giảm dần khi nền kinh tế phát triển, do có sự cạnh tranh của nhiều đối thủ. Đó chính là thách thức của Microsoft”.
Ngoài ra, Lim cho rằng vị trí thống lĩnh của Microsoft cũng tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh. “Khi thuỷ triều lên cao, thuyền của tất cả mọi người cũng lên. Các đối thủ của Microsoft hưởng lợi từ nhu cầu lên cao đối với các sản phẩm tương tự như sản phẩm của Microsoft. Những người khác cũng cung cấp các ứng dụng tương tự. Nhưng rõ ràng lý do tại sao sinh ra thị trường các sản phẩm này đó là do Microsoft đã tạo ra nó. Chúng ta nhận ra điều đó đặc biệt rõ trên thị trường phần mềm văn phòng”.