Cùng điểm lại một vài vụ tai nạn máy bay thảm khốc không may mắn "bỏ mạng" ở trên núi trong lịch sử.
Như đã đưa tin, một chiếc máy bay Airbus A320 của của hãng hàng không giá rẻ Germanwings đã rơi tại dãy Alps phía Pháp giữa vùng Barcelonette và Digne vào khoảng 10:47 phút (theo giờ địa phương). Được biết, chiếc máy bay này mang theo 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn.
Hiện tại, số người thương vong trong vụ máy bay rơi chưa được xác định, tuy nhiên, giới chức Pháp e ngại rằng sẽ khó có người sống sót.
Telegarph đưa tin biểu đồ từ màn hình radar cho thấy máy bay đã giảm độ cao và tốc độ trước khi biến mất. Đài phát thanh Europe 1 của Pháp dẫn lời một nhân chứng cho biết "chiếc phi cơ bay thấp hơn bình thường". Rất có thể, đây là nguyên nhân khiến chiếc máy bay va chạm với dãy núi Alps.
Tuy nhiên, đây không phải là tai nạn duy nhất trong lịch sử nhân loại khi máy bay gặp nạn trên núi. Cùng điểm lại một vài những vụ tại nạn máy bay do đâm vào núi trong lịch sử dưới đây.
Ngày 13 tháng 10 năm 1972, chuyến bay mang số hiệu 571 của Không quân Uruguay chở theo 45 người - bao gồm cả đội bóng bầu dục quốc gia Uruguay tới Chile tham gia thi đấu đã gặp tai nạn rơi trên dãy Andes.
Máy bay bắt đầu chìm trong màn tuyết khi đâm vào đỉnh Cerro Seller, nằm giữa Cerro Sosneado và núi lửa Tinguiririca, gần biên giới Argentina và Chile ở độ cao 4.200 mét trên mực nước biển. Đỉnh núi đã kéo cánh bên phải ra khỏi máy bay mạnh đến mức bộ phận thăng bằng bị văng ra, tạo một lỗ thủng lớn ở phía sau thân máy bay.
Máy bay đâm tiếp vào đỉnh thứ hai, cánh bên trái bị kéo đứt, chỉ còn thân máy bay trong không trung. Cuối cùng, máy bay rơi xuống đất, trượt xuống dốc cao và bị vùi trong đống tuyết.
Trong số 45 hành khách, 12 người thiệt mạng ngay khi máy bay gặp nạn, 5 người khác ra đi vào sáng hôm sau. 27 người may mắn sống sót gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với thời tiết lạnh lẽo trên núi. 8 người trong số họ sau đó đã chết do một trận tuyết lở.
Cây thánh giá được dựng lên tại phần máy bay còn lại. Hình chụp tháng 2 năm 2006.
Mười sáu người may mắn sống sót còn lại đã phải đi bộ những quãng đường rất dài, chịu cái lạnh khắc nghiệt ở dãy núi Andes. Cuối cùng, họ đã được đội cứu nạn giải cứu sau 72 ngày chiến đấu với Tử thần.
Có mặt trong danh sách những vụ tai nạn máy bay thảm khốc, vụ tai nạn định mệnh của máy bay mang số hiệu 901 trở thành "dấu lặng" trong lịch sử hàng không New Zealand.
Ngày 28 tháng 11 năm 1979, chiếc máy bay 901 có nhiệm vụ chở hành khách ngắm cảnh Nam Cực đã lao vào núi Erebus trên đảo Ross ở Nam Cực, khiến tất cả 237 hành khách và 20 phi hành đoàn tử nạn. Tai nạn này thường được gọi là "Tai họa núi Erebus".
Khi đang bay gần khu vực núi Erubus chiếc máy bay lao thẳng vào núi mà không hề có cảnh báo nào. Theo điều tra của cảnh sát thì nguyên nhân ban đầu dẫn tới thảm họa là do lỗi của phi công. Kết quả của Uỷ ban điều tra tai nạn đã chỉ ra, do phi công điều chỉnh tọa độ đường bay không chính xác mà không báo trước với tổ bay nên thay vì được chỉ dẫn bay tới eo biển McMurdo, phi công lại được hướng dẫn chuyển hướng tới con đường núi Erebus.
Đây được coi là vụ tai nạn có số người chết nhiều nhất New Zealand trong thời bình. Hầu hết các đống đổ nát của máy bay 901 vẫn còn trên sườn dốc của núi Erebus.
Vào ngày 12 tháng 8 năm 1985, cả thế giới chứng kiến một trong những tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử. Chuyến bay 123 của hãng hàng không Nhật Bản cất cánh từ sân bay quốc tế Tokyo (Haneda) đến sân bay quốc tế Osaka đã bị mất kiểm soát và đâm vào khe núi Takamagahara tại Ueno, tỉnh Gunma - cách Tokyo 100km chỉ sau 44 phút cất cánh.
Vụ tai nạn đã khiến cho 15 thành viên phi hành đoàn và 505 hành khách thiệt mạng. Tiến hành điều tra, cảnh sát cho biết, chính việc bảo trì không đúng quy định một năm trước đó đã khiến cho vách ngăn áp lực phía sau máy bay bị suy yếu.
Điều này khiến cho cánh và hầu hết đuôi của máy bay bị ảnh hưởng, phát nổ, khiến cho chiếc máy bay Boeing 747-146SR này lao lên, bổ xuống.
Khi máy bay bổ xuống, tốc độ máy bay tăng lên tạo lực nâng. Ngược lại, khi lao lên, máy bay mất tốc độ lại đâm bổ xuống. Chu kì cứ lặp lại liên tục như vậy cho đến khi máy bay đâm vào lằn núi và "yên nghỉ" tại đó.
Với người dân Mỹ, ngày 20 tháng 12 năm 1995 là một ngày buồn trong lịch sử hàng không nước này khi chiếc máy bay Boeing 757-200 mang số hiệu 965 cất cánh từ sân bay quốc tế Miami tại Miami (Hoa Kỳ) đến sân bay quốc tế Alfonso Bonilla Aragón ở Cali, Colombia đã đâm vào ngọn núi ở Buga (Colombia).
Đây được cho là vụ tai nạn hàng không với số người tử nạn cao nhất liên quan đến một chiếc máy bay Boeing 757 tại thời điểm đó. Điều tra vụ tai nạn, các chuyên gia nhận định, do phát hiện lỗi động cơ nên phi công đã báo với trạm không lưu.
Tuy nhiên, vào thời điểm phát hiện ra lỗi, máy bay đang ở trong một thung lũng nên phi công đã có sự va chạm với một ngọn núi ở độ cao 3.000 mét (9.800 feet). Kết quả là 159 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn đã mãi ở lại núi Buga tại Colombia.